Côn Đảo hoang sơ và bí ẩn

Chủ nhật, ngày 09/10/2011 12:07 PM (GMT+7)
Từ đầu tháng 6.2011, đường bay Cần Thơ - Côn Đảo đã mở nên chỉ mất 40 phút, du khách sẽ dễ dàng đến với Côn Đảo - nơi được xem là một trong 20 hòn đảo bí ẩn nhất thế giới theo bầu chọn của tạp chí "Travel And Leisure".
Bình luận 0

Dưới những tán rừng

Từ khu chợ trung tâm chạy xe theo đường Võ Thị Sáu rồi đường Huỳnh Thúc Kháng khoảng hơn ba cây số là đến Vườn quốc gia Côn Đảo. Rẽ trái vào một con đường mòn dẫn lên con dốc, hai bên là hàng cây rừng xanh thẳm, chúng tôi đã đến trước một tấm bảng với dòng chữ Di tích lịch sử - Cầu Ma Thiên Lãnh.

img
Cầu Ma Thiên Lãnh

Đứng trước mố cầu được xây rất kiên cố bởi nhiều lớp gạch phủ rêu phong, nhiều người nhìn lên núi Chúa rồi nhìn xuống vực sâu bên dưới mà lòng dâng lên bao nỗi cảm hoài, rồi lại đi tiếp vào con đường dẫn vào trạm kiểm lâm để tiến sâu vào rừng. Cho đến nay, năm ngàn hécta rừng nguyên sinh Côn Đảo chưa hề bị phá hoại bất cứ thứ gì.

Cùng lúc với tiếng chim kêu ríu rít, bên đường hiện ra tấm bảng ghi dòng chữ lớn Âm nhạc của rừng xanh. Quả thực không biết bao nhiêu tiếng chim đang gọi nhau đã kết thành bản nhạc du dương trầm bổng của rừng. Tiếc là bây giờ đã qua bình minh và chưa tới chiều muộn, không thì âm nhạc của rừng xanh còn râm ran nhiều cung bậc hơn nữa.

Càng đi con đường mòn càng bớt gập ghềnh. Dưới chân chúng tôi là thảm lá vàng khô, trên đầu chỉ còn một khoảnh trời nhỏ. Rừng như tối lại bởi những hàng cây cổ thụ cao ngút, đan xen nhau. Có nhiều chỗ các dây leo nằm vắt qua mấy thân cây, xoắn đanh lại như những cuộn thừng đong đưa trên mặt đất gây ấn tượng mạnh mẽ khiến ai nấy cũng trầm trồ, lạ lẫm.

Trên tấm bảng xanh kề bên, chúng tôi lại càng bất ngờ thú vị với cách thuyết minh của Vườn quốc gia Côn Đảo: “Dây leo - Những kẻ ranh mãnh. Đây là những loài thực vật thông minh trong rừng. Để có được ánh sáng mặt trời tổng hợp chất hữu cơ, chúng sử dụng những cây khác làm bàn đạp vươn lên cao mà không tốn một chút công sức nào. Chúng cuốn quanh các thân cây khác và dễ dàng tìm lên tận đỉnh cao của khu rừng bằng con đường nhanh nhất”.

Càng nhìn những dây leo chằng chịt, uốn lượn, càng ngẫm nghĩ về những lời ghi trên bảng mới thấy bên dưới những tán rừng này cuộc sống chẳng êm ả chút nào. Mọi thứ ở đây, từ thực vật đến côn trùng, chim muông đều phải đấu tranh tận lực để sinh tồn, để vươn lên…

Khi chúng tôi sắp ra khỏi đường mòn, một tấm bảng xanh lại hiện ra cuối dốc với lời ghi Những người công nhân chăm chỉ. Thì ra đó những chú kiến đã miệt mài vận chuyển chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, diệt côn trùng, phát tán hạt, giúp thụ phấn hoa và cũng là thức ăn cho các động vật khác.

img
Khỉ trong rừng Côn Đảo
img
Đường đi trên đảo
img
Bãi Ông Đụng

Bãi Ông Đụng, nơi biển rừng gặp gỡ

Con đường dẫn xuống bãi Ông Đụng, một bãi biển đầy đá đẹp gắn với những tán rừng nguyên sinh kỳ vĩ của Côn Đảo có tấm bảng vẽ mũi tên chỉ “600m - Bãi Ông Đụng”. Nhìn con dốc sâu xuống, đá chồng lớp lớp, ngay từ đầu dốc đã hiện ra một tấm bảng xanh với những dòng chữ: “Những điều thú vị ở trong rừng không chỉ dừng ở những điều bạn nhìn thấy. Hãy dành chút thời gian đọc các biển chỉ dẫn khi đi trên tuyến đường”.

Tấm bảng dựng kế bên cho biết du khách có thể tắm biển, mướn phao, mướn kính ra ngoài kia lặn xem san hô, bắt ốc trai tai tượng hoặc đi bộ vào rừng xem sóc đen, sóc mun, khỉ đuôi dài, chim Gầm ghi trắng, bồ câu Nicoba… Khách cũng có thể ở lại đêm để ngắm hoàng hôn trên biển và hòa mình vào thiên nhiên hoang dã.

Đi đến cuối dốc, biển và rừng đã hiện ra trước mặt. Một góc rừng xanh thẳm, một góc biển xanh lơ cùng bãi đá đủ màu như hòa quyện vào nhau trong cảnh trời mây non nước. Nhìn lên phía trên, nhà nghỉ sinh thái Ông Đụng cũng là Trạm kiểm lâm cất theo lối nhà sàn xinh xắn nép dưới tán cây rừng. Chúng tôi vừa ngồi ngắm cảnh, vừa nghe cậu kiểm lâm trẻ kể chuyện về mấy khách du lịch Tây balô thích men theo đường biển dài hàng mấy cây số để đến đây.

Một nữ du khách vừa lân la lại gần con khỉ nhỏ bị xích vào chuồng thì lập tức bị nó ôm cổ, giựt ngay chiếc bông tai hột trai bỏ vào miệng, nhất định không chịu nhả. Theo lời kiểm lâm thì đó là con khỉ “giang hồ” bị bọn xấu huấn luyện để móc túi. Khi bọn người xấu này bị bắt, mấy nhân viên kiểm lâm phải mang con khỉ này về trạm nuôi vì nó không thể nhập bầy với đàn khỉ trong rừng được nữa.

Từ giã bãi Ông Đụng biển xanh, đá sỏi óng ánh sắc nắng ban trưa, cả đoàn lại từng bước leo dốc trong vang động tiếng chim và nhiều âm thanh kỳ lạ của rừng. Những sợi dây leo vẫn đong đưa như thách thức, những đàn kiến, đàn mối vẫn âm thầm làm việc trong lòng đất cho nhịp sống của khu rừng nguyên sinh vẫn tiếp tục, tiếp tục căng tràn…

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem