Yêu nhau dược 2 năm, xác định tiến tới hôn nhân, Tuấn đưa Hạnh về ra mắt bố mẹ mình. Lần đầu gặp mặt, dù không nói thẳng ra, nhưng mẹ Tuấn (người vốn rất khó tình) có ý chê bai bạn gái của con hơi gầy, nhà lại ở xa, công việc không ổn định… Khác hẳn với thái độ này, bố Tuấn lại tỏ vẻ rất hài lòng về cô con dâu tương lai: xinh xắn, có học thức, lễ phép, chăm chỉ. Mặc “dư luận", Tuấn động viên và hứa với người yêu rằng, sau này khi đám cưới rồi sẽ không ép cô ở với bố mẹ chồng. Hạnh rất yên tâm.
Một năm sau đó, đôi uyên ương chính thức nên duyên vợ chồng. Đám cưới của họ tuy không quá xa hoa nhưng cũng đáng để cho bao cô dâu, chú rể tương lai mơ ước bởi sự trang trọng, ấm cúng của hai bên gia đình. Sau đám cưới, để tiện công tác, đôi bạn trẻ được bố mẹ cho ở riêng tại một căn hộ khá khang trang, cách nhà ông bà hơn chục cây số.
Mẹ chồng cô rất “thoáng” khi tỏ rõ quan điểm để các con tự lập. Vả lại, ông bà cũng muốn có không gian riêng lúc về già, chỉ cần con cháu thỉnh thoảng đến thăm. Khi nào quá già yếu, không tự lo được mới tính sau. Đúng như ước mong của mình, Hạnh chẳng phải “làm dâu”, tránh được việc hàng ngày phải giáp mặt mẹ chồng khó tính. Cô từng “nổi da gà” khi người ta đàm tiếu chuyện mẹ chồng – nàng dâu.
Cứ cuối tuần, hai vợ chồng lại đưa nhau về thăm bố mẹ, lúc thì bên nội, lúc thì bên ngoại. Mẹ chồng cô tỏ ra rất quan tâm tới con dâu. Nào là dặn dò cô ăn uống đầy đủ cho tăng cân, chú ý tới ăn mặc, đầu tóc cho trẻ trung hơn… Sau mỗi cuộc điện thoại hỏi thăm, bao giờ bà cũng không quên dặn dò câu cuối cùng là “Sớm sinh cho mẹ thằng cháu nội!!!”. Có lẽ, đây là khoảng thời gian thật sự hạnh phúc và yên bình nhất của đôi vợ chồng trẻ.
Hơn một năm trôi qua. Đôi uyên ương sống êm đềm trong căn nhà hạnh phúc. Họ muốn dành nhiều thời gian cho nhau, đặc biệt là muốn kinh tế ổn định hơn nên dự định chuyện con cái lui lại khoảng 2 năm. Biết được điều này, mẹ chồng Hạnh tỏ vẻ không hài lòng, càng giục giã hai vợ chồng cô: “Hai đứa muốn làm thế nào thì làm, về hưu, mẹ phải có thằng cháu để bế!”.
Trời xui đất khiến thế nào, nghỉ hưu, mẹ chồng cô quyết định bán nhà để về ở cùng con trai và con dâu. Nhớ lời hứa khi xưa với Hạnh, Tuấn tỏ ý không đồng tình với ý kiến của mẹ, tìm cách dàn xếp. Chưa kịp mở lời, mẹ anh đã mang đủ lí lẽ ra phân tích:”Niềm vui tuổi già là được bên con cháu. Vợ chồng đi làm, có bố mẹ ở nhà cũng yên tâm. Khi có con nhỏ, ở với ông bà là vô cùng lý tưởng. Cứ sinh con đi, mẹ về hưu rồi, lại còn khỏe, mẹ sẽ lo trông cháu cho…”. Tuấn rơi vào tình cảnh khó xử, nhưng rồi sau cũng vẫn phải đồng ý. Còn Hạnh, cô đành “ngậm bồ hòn”vậy…
Thời gian đầu về ở cùng, không khí gia đình khá ấm cúng. Hàng ngày, Hạnh đi làm về lại cùng mẹ chồng nấu cơm, chuyện trò vui vẻ. Đương nhiên, bà không quên giục giã con trai và con dâu nhanh có đứa cháu trai cho bà… Và tin vui cũng đã đến, ngày Hạnh báo tin mẹ sắp có cháu để bế bồng, bà vui ra mặt.
Lúc Hạnh có mang 3 tuần, bà lập tức bắt con trai chở đi mua đồ lễ về thắp hương, cầu tổ tiên phù hộ cho đứa bé là con trai. Vợ chồng Tuấn nghe thấy đều bấm bụng cười. Tuấn ra sức giải thích rằng, trai hay gái thì cũng đã rồi. Với lại, con gái hay con trai có khác gì nhau đâu? Quan trọng là sinh ra, em bé được khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Tuy nhiên, dù có thuyết phục thế nào, bà cũng không nghe, nhất quyết làm theo ý mình.
Thấm thoát. Hạnh đã đến kỳ sinh nở, mẹ chồng háo hức không kém con trai và con dâu trong thời khắc chờ đón bé chào đời. Nhưng khi biết con dâu sinh bé gái, bà tỏ vẻ rất thất vọng. Đón con dâu và cháu nội về nhà, bà không mấy hào hứng, lại còn nói với mẹ đẻ của Hạnh trước mặt hai vợ chồng cô:“Vui là mẹ tròn con vuông rồi, nhưng giá là cháu trai thì yên tâm hơn”. Hạnh nghe như sét đánh ngang tai, còn mẹ đẻ cô tím mặt, thắt lòng, Tuấn thấy cổ họng ứ lại…
Tiếp sau đó là những tháng nghỉ sinh vô cùng nặng nề đối với Hạnh. Dù chồng cô đã thuê người giúp việc để người nhà không phải vất vả phục vụ vợ con, nhưng cũng không yên. 4 tháng, gia đình phải thay tới 3 người giúp việc, bởi đa số họ có chung ý kiến là không chiều được theo ý mẹ Tuấn. Bà suốt ngày quát tháo người giúp việc, chưa hết việc này đã giao việc khác.
Mang tiếng thuê người để phục vụ con dâu đẻ là chính, nhưng bà luôn lườm nguýt, dọa trừ lương khi người giúp việc chưa kịp bưng đồ ăn sáng lên cho bà. Bà còn suốt ngày trách móc: “Có ô sin mà chủ phải tự đi lấy nước uống thế này đây!” hoặc: “Con dâu cứ nhỏ to chuyện trò gì đó với ô sin, thân nhau cứ như chị em, còn hơn cả với mẹ chồng…”. Thế nên, chẳng có người giúp việc nào ở được với gia đình Hạnh.
Không ai khác, Hạnh là người khổ nhất. Hết chế độ nghỉ, cô phải trở lại làm việc. Thương con nhỏ, Hạnh muốn xin nghỉ không lương để ở nhà chăm cho con cứng cáp thêm. Được một thời gian, mẹ chồng tỏ ra khó chịu. Bà cho rằng con dâu không tin bố mẹ chồng, lười làm để gánh nặng cho chồng…
Vợ chồng Hạnh đành để em bé chưa đầy một tuổi ở nhà với ông bà nội. Nửa ngày, bà chỉ cho bé uống một bữa sữa với lý do: “Trẻ con không nên nhồi nhét nhiều quá, nó sợ! Như bà nội đây, từ sáng tới trưa mới ăn một bữa có sao đâu? Bố mẹ cứ ở nhà buổi nào là cho con ăn hết thứ này đến thứ kia.” Bà nửa đùa nửa thật:”Gớm! Bé mà ăn tham nhất nhà đây! Bà nội thì cả ngày chỉ có 3 bữa!...”.
Thấy con không tăng cân và mỗi khi đi làm về đầu ngõ, đã nghe thấy tiếng bé kêu khóc, Hạnh thương con đến thắt lòng. Cô biết, con khóc vì nhớ mẹ và vì đói. Nhưng Hạnh vẫn cắn răng chịu đựng, bởi nếu hé nửa lời, mẹ chông cô lại “ mở máy” cả ngày: nào là mệt mỏi vì con cháu, sống như cảnh tù đầy, thà cứ ở riêng còn hơn. …Không chịu được nổi cảnh này lâu, sau nhiều lần bàn tính, vợ chồng Hạnh đã quyết định: để Tuấn ở nhà chăm con đến khi bé đủ tuổi mới đi nhà trẻ!
Trên đây là câu chuyện nhỏ mà cô bạn thân nhất thời phổ thông tâm sự với tôi trong một lần gặp gần đây. Hiện tại, vợ chồng Hạnh đã quyết định chuyển ra ở riêng, cách nhà bố mẹ cô khoảng hơn 1 cây số (theo vợ chồng cô là để tiện qua lại thăm bố mẹ). Bé Su con Hạnh (tên thường gọi ở nhà) đã đi nhà trẻ. Ngôi nhà hạnh phúc của họ đã thực sự trở lại và câu chuyện về mẹ chồng Hạnh đã trở thành “đề tài” vui mỗi khi vợ chồng cô nhớ lại..
Theo Bầu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.