Làng này ở Thái Nguyên có "con đường kỳ lạ", dân phải đi dưới nước

Trung Hiếu - Kim Ngân Thứ năm, ngày 07/04/2022 05:50 AM (GMT+7)
Ngồi trên nhà sàn, hết nhìn xuống sân xem vợ đang ngồi khêu ốc núi chuẩn bị cho bữa trưa, ông Triệu Văn Kinh lại hướng ánh mắt buồn bã ra phía “đường đi”. Ông sốt ruột vì đã gần một tháng nay bị “cấm túc” ở nhà, chỉ vì cái mụn đinh mọc ở mu bàn chân “chống chỉ định” với nước bẩn.
Bình luận 0

Trong khi dòng suối chặn ngang trước mặt là con đường duy nhất mà ông và bà con trong thôn có thể đi lại.

Quả thực, bao năm ngược xuôi trên rẻo cao, nhưng việc nguyên một ngôi làng người dân phải lấy lòng suối làm đường đi thì chúng tôi mới gặp lần đầu. Câu chuyện thật như đùa ấy đang hiện hữu ở thôn Tân Kim, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Con đường kỳ lạ

Vì sao người dân trong thôn Tân Kim lại lập xóm và làm nhà ở hai bên bờ suối thì ông Kinh không biết. Rẻo đất này có người ở từ thời ông bà, cha mẹ ông, cũng như các gia đình trong thôn, sự hiện diện của gia đình ông là sự nối tiếp các thế hệ trước mà thôi. 

Có một đặc điểm chung là các ngôi nhà ở Tân Kim không lớn, vì đất làm nhà bị giới hạn phía trước bởi con suối, còn phía sau là những dãy taluy cao, thấp tùy từng đoạn nhưng đều gần sát với bức tường sau của mỗi nhà.

Ông Kinh còn nhớ như in lần gia đình mình “hút chết” vào năm 1983. Hôm ấy trời mưa to, sau khi đốt lửa sưởi cho đỡ rét, mọi người chìm vào giấc ngủ. Nửa đêm, không biết có phải do ngậm đủ nước mưa hay không mà cả quả đồi phía sau nhà cao tầm ngọn tre bỗng tách một phần ra. 

Vết nứt theo ông Kinh áng chừng rộng đến 2m, đẩy cả một khối đất khổng lồ ép sát bức tường ngôi nhà, cách chỗ mấy mẹ con ông đang ngủ chỉ mấy bước chân. Trong thôn còn 3 gia đình khác hiện cũng đang nơm nớp nỗi lo đất sạt trượt xuống nhà bởi nguy cơ đã hiện hữu. Cùng với đó là nỗi lo lũ ống, lũ quét có thể xảy ra đe dọa sự an nguy của cả thôn.

Vùng đất này ở Thái Nguyên có "con đường kỳ lạ", khổ cái là nông dân vẫn ước mơ được đi trên cạn - Ảnh 1.

Lòng suối là con đường duy nhất để người dân đi lại tại thôn Tân Kim, xã xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Qua nhà ông Kinh một đoạn, là điểm trường mầm non và tiểu học được xây dựng trên một quả đồi tương đối cao, đảm bảo không bị ngập nước trong những ngày mưa lớn. Và, tất nhiên, con đường đến trường duy nhất của học sinh cũng là lội dọc dòng suối. 

Người dân ở đây cho biết, thông thường nước xâm xấp gióng chân học sinh lớp bé. Trời mưa, nước suối có thể cao ngang đầu gối. Mưa to nữa thì nhà cô lập với nhà, mọi hoạt động của người dân trong thôn chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình.

Đang ngắm nghía khu vui chơi đặt ngoài sân của điểm trường, chúng tôi bỗng nghe tiếng xe máy rú ga và một tiếng đổ vỡ khô khốc, rồi tiếng chó sủa tru tréo váng động. Vội chạy xuống xem có chuyện gì thì ra là người đi thu mua chó vì không quen đường ở đây với lòng suối lổn nhổn đá, mấp mô, lại chở hàng cồng kềnh nên ngã sõng soài. Mấy chú chó trong lồng chạm nước hoảng loạn sủa.

Giúp người mua chó dựng chiếc xe và lồng hàng lên chằng ngay ngắn lại, chúng tôi tiếp tục đi về phía cuối thôn. Thỉnh thoảng, lại gặp người đi xe máy đèo hàng. Hỏi ra mới biết người thì đi xát gạo, người nghiền ngô, hay mua hàng hóa dưới phố huyện về...

Dù đã thuộc đường như trong lòng bàn tay, song nhiều đoạn, họ vẫn phải dùng hai chân rà rà trên mặt nước để giữ thăng bằng cho xe giống như hai mái chèo của vận động viên đua thuyền vậy. Thế nhưng, chuyện bị đổ xe, ướt hàng vẫn xảy ra như cơm bữa.

Đi đến gần cuối dòng suối, chúng tôi rẽ vào thăm nhà anh Đặng Nho Minh - Bí thư Chi bộ thôn Tân Kim. Anh Minh vừa đi phát bãi về, mồ hôi nhễ nhại. Có khách, anh rửa vội chân tay, ra bàn pha nước rồi vồn vã hỏi han. Ở vùng này, câu chuyện đầu tiên thường được dân làng nói với khách phương xa đến, chính là về con đường kỳ lạ của mình.

Cái nghèo đeo bám

Anh Minh kể với giọng buồn buồn, rằng con suối chạy dọc trong thôn có chiều dài khoảng 2km, từ thời ông bà, cha mẹ anh đã lấy đó làm đường giao thông. Để di chuyển, chỉ còn cách lội suối. Mùa cạn còn đỡ, chứ gặp kỳ mưa lũ thì thôn xóm thành ốc đảo, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. 

Cả xã có trên 200 ha đất rừng nhưng hầu hết là rừng phòng hộ, diện tích có thể canh tác được hiện nay không đáng là bao. Ngoài ra, tính bình quân, mỗi hộ gia đình có thêm 3-4 sào cấy lúa. Thóc, gạo nhiều nhất cũng chỉ đủ tự cung tự cấp của mỗi gia đình. Trồng cây gì bán được, hay nuôi được con trâu, con bò, con lợn, thậm chí con chó... bao giờ cũng phải bán thấp hơn giá thị trường, vì đường đi không có nên ít người muốn vào mua.

Vùng đất này ở Thái Nguyên có "con đường kỳ lạ", khổ cái là nông dân vẫn ước mơ được đi trên cạn - Ảnh 2.

Đường tới điểm trường mầm non và tiểu học là dòng suối. Vào những ngày mưa to, nước dâng cao, học sinh phải nghỉ học.

“Diện tích đất chăn thả không có mấy nên cả thôn chỉ có chưa đến bốn chục con cả trâu, bò. Lợn, gà cũng ít, nhà có, nhà không.Ít thế mà dòng suối này cũng đã ô nhiễm lắm rồi. Bao nhiêu chất thải từ sinh hoạt đến chăn nuôi đều xả hết xuống suối... Nan giải lắm! Nhiều người cũng nghĩ hay đầu tư làm ăn gì đó nhưng thiếu vốn. Có ngôi nhà là tài sản lớn nhất nhưng cũng không thể mang ra làm tài sản thế chấp ngân hàng vay vốn được vì tất cả các hộ gia đình đều chưa được cấp “sổ đỏ” do đây là đất rừng cấm. Nói chung, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn quá”, anh Minh trăn trở.

Cái khó mà người bí thư vừa nhắc tới phần nào hiện ra qua số lượng hộ nghèo và cận nghèo của thôn. Cả thôn có hơn 80 hộ dân thì có tới 2/3 số hộ là hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều gia đình trong số đó được xác định không thể thoát nghèo vì thiếu nhân lực lao động và tư liệu sản xuất. 

Cuộc sống khó khăn cộng với đường đi khó nên sự học của con trẻ cũng là vấn đề mà người lớn luôn trăn trở.

Mấy năm nay trong xóm không có học sinh bỏ học giữa chừng, với Tân Kim đó đã là thành tích đáng mừng. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh học xong lớp 12 tiếp tục học lên các trường cao đẳng, đại học hay trường nghề lại vô cùng ít ỏi. 

Dường như dòng suối giăng trước cửa nhà của mỗi gia đình đã trở thành bức tường vô hình cản trở ước mơ và chắn ngang tầm nhìn của nhiều người dân trong xóm. Một, hai năm trước cả xóm còn có khoảng hơn chục người đi làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh nhưng hiện tại, hầu hết đều đã nghỉ việc trở về xóm, anh Minh thông tin thêm.

Để câu chuyện bớt trầm buồn, chúng tôi hỏi lái anh Minh sang công tác sinh hoạt đảng của Chi bộ thôn Tân Kim. Không ngờ, mạch buồn về những câu chuyện ở thôn xóm vẫn chưa hết, còn kéo dài thêm.

Vùng đất này ở Thái Nguyên có "con đường kỳ lạ", khổ cái là nông dân vẫn ước mơ được đi trên cạn - Ảnh 3.

Trẻ em khêu ốc núi, chuẩn bị cho bữa ăn.

Nghe tôi hỏi, anh Minh nhấp ngụm nước chè rồi thở dài: “Chi bộ tôi phụ trách hiện giờ có 8 đảng viên nhưng từ năm 2014 trở lại đây chưa kết nạp thêm được đảng viên mới nào. Nguồn quần chúng ưu tú đã ít, ngay cả khi tìm được nguồn rồi, động viên và cho đi học lớp nhận thức về Đảng xong, trở về họ vẫn không vào đảng. Cái nghèo khó, chuyện áo cơm níu chặt, khiến người ta không nghĩ đến những điều khác...”.

Những thông tin về Tân Kim mà Bí thư Chi bộ Đặng Nho Minh cung cấp giống như những mảnh ghép trong một bức tranh đang được vẽ bằng những gam màu trầm. Điều ấy dấy lên trong suy tưởng của người nghe một nỗi buồn man mác.

Chào tạm biệt anh Minh, chúng tôi lại ngược theo lòng suối trở ra. Vừa đi vừa đếm, trên đoạn đường 2km ấy có 4 quán bán hàng tạp hóa. Gọi là quán nhưng chủ yếu cũng chỉ có vài gói mì tôm, một vài túi kẹo, bánh là quà ăn vặt của trẻ con. Quán nhiều nữa thì có bán thêm mắm, muốn, bật lửa, thuốc lào... Chúng tôi ghé vào một quán xem chừng to nhất xóm. 

Chủ quán là anh Triệu Văn Lai vô cùng mến khách và thân thiện. Anh bán hàng túc tắc cho vui là chính.Hàng nào cũng chỉ có vài thứ hàng khô thôi, người dân mấy khi có tiền mặt đâu. Ở đây chợ xa, đi lại khó khăn nên hầu hết người dân chủ động về thực phẩm. 

Gà, trứng thì các gia đình tự cung tự cấp. Lợn thì thay phiên nhau thịt ăn đụng. Vài nhà chung nhau đụng một con. Thịt cất tủ lạnh ăn dần. Khi nào hết lại luân phiên sang nhà khác. Ở xóm chỉ có rau xanh là phải mua thường xuyên vì không phải nhà nào cũng có đất để trồng rau.

Từ lúc nói chuyện với Bí thư Chi bộ Đặng Nho Minh và qua câu chuyện với anh Triệu Văn Lai, tôi cứ thầm thắc mắc, vậy sinh hoạt hằng ngày rồi các khoản chi phí khác người dân phải làm sao. Rời quán nhà anh Lai, tôi gặp một người phụ nữ có thân hình bé nhỏ, lưng chị đang đeo một bao tải gì đó chắc nặng lắm nên có cảm giác như toàn bộ cột sống của chị cố gồng theo hình chữ C. 

Đúng lúc ấy, chị từ từ đặt được đáy cái bao tải chạm đất và cứ thế ngồi bệt xuống, cái dây đeo bao không rời khỏi vai. Tôi lại gần hỏi chuyện, được biết chị tên là Triệu Thị Duyên, người thôn Tân Kim.Bao tải chị đeo sau lưng là đựng măng vừa lấy trong rừng về.Mỗi bao chị gùi nặng khoảng 30kg.

Chị Duyên kể sáng nào cũng vào rừng tìm măng. Ở xóm đông người đi lấy măng như chị lắm.Măng sau khi lấy về sẽ tập kết ở ngay đầu đường, đoạn rẽ vào xóm. Người của xóm bên sẽ sang thu mua. Mỗi buổi đi rừng như thế, những bao măng nặng tầm 27-30kg có giá từ 150.000 đến 300.000 đồng tùy giá bán ở từng thời điểm. 

Có điều, càng ngày bà con càng phải đi xa mới có thể lấy được nhiều măng. Đi rừng vất vả, gùi măng nặng trên cả đoạn đường dài nên phải ai có sức khỏe tốt lắm mới có thể đi được 2 lượt/ngày. Còn như chị Duyên, mỗi ngày chỉ có thể đi một chuyến... Đây trở thành nguồn thu chính của nhiều gia đình. Rừng ưu ái nên cho măng vầu từ khoảng tháng 1 đến tháng 3, tiếp đó lại cho măng nứa từ độ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch.

Trở về từ chuyến đi ấy, chúng tôi cứ bâng khuâng, pha chút chạnh lòng. Mong ước có điều kiện sống tốt hơn là nhu cầu tối thiểu và chính đáng của tất cả mọi người. Ở nơi đường xấu thì mong được tốt hơn, đường nhỏ thì mong đường được mở rộng hơn. Còn với người dân ở Tân Kim, từ bao đời nay bà con vẫn chỉ mơ một giấc mơ giản dị, đó là được đi trên đường cạn.

Trao đổi với chúng tôi về chủ trương, giải pháp của chính quyền địa phương giúp người dân Tân Kim khắc phục khó khăn, ông Hoàng Văn Thưỡn (Phó Chủ tịch UBND xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) nói: “Vì đoạn đường qua thôn Tân Kim nằm hoàn toàn trong lòng một con suối dài nên phương án làm đường không khả thi. Thôn này được xác định nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai rất lớn nên cần thiết phải di dời các hộ dân đến khu vực an toàn.

Chính quyền địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch các điểm dân cư ổn định tại chỗ và đã báo cáo, xin ý kiến cấp trên, đồng thời chúng tôi đã tiến hành họp với bà con trong xóm để triển khai chủ trương này.

Về cơ bản, bà con đồng tình ủng hộ. Đa phần các hộ dân trong thôn đã làm đơn tự nguyện xin di dời ra nơi ở mới. Chúng tôi mong cấp trên sớm xem xét, tạo điều kiện để ổn định đời sống cho người dân Tân Kim”.

img

Ông Hoàng Văn Thưỡn - Phó Chủ tịch UBND xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem