"Đường 20 thước" có lẽ ngày xưa chỉ có vỏn vẹn 20 thước. Đến khi được chọn làm khu tái thiết với các chung cư lấy chiều cao làm chủ theo công thức mỗi căn hộ 3mx7m, 1 trệt, 1 lửng và 2 lầu, con đường trở thành bến đỗ của khách ăn vặt.
Chiều dài con đường cũng được thông ra đường Vĩnh Khánh (quận 4, TP.HCM), dài chừng 200 thước. Nhưng nó vẫn chết với cái tên Đường 20 thước. Trước đây, trên con đường này buổi tối nhộn nhịp còn hơn cả buổi sáng.
Thực khách buổi sáng cả già, trung lẫn trẻ, muốn có nhiều chọn lựa để điểm tâm. Buổi tối có vẻ như là thế giới của người trẻ ăn vặt. Bạn muốn bún bò? Có bún bò đưa bạn tới Huế luôn. Nhiều người sáng sáng ghiền món bún được cho là bún bò Huế vị gốc.
Tôi cho rằng trong số đó có người chưa ra Huế ăn bún bò bao giờ. Có lẽ khách cảm vị Huế nhờ cái giọng Huế đã nhẹ đi của bà Ngọc chủ quán bún bò 'Không tên Vũ Thành An' và cái hương mắm ruốc.
Quán còn có món xí quách gọi thêm cho những khách răng cộ còn 'chắc như đinh đóng cột'. Có khi ra Huế bạn còn ăn phải bún bò lạng quạng dở hơn bún bò Vũ Thành An của bà Ngọc.
Một quán bún khác coi bộ cũng 'phù thực' là quán bún mắm. Hương vị miền Tây này đặc trưng vì mùi mắm không lẫn đâu được. Nhất là sự phong độ của cái dĩa rau. Có cả kèo nèo.
Chỉ tiếc mùa này mà dĩa rau chẳng có súng cho 'bạo tàn' gợi nhớ miền đất dữ ngày xưa ở đây. Dữ, theo lời bà Ngọc kể lại, có khi mấy ổng tới ăn rồi đứng lên đi luôn. Dữ, nên có đi luôn bà cũng dĩ hòa vi quý.
Hủ tiếu Nam Vang trước Phường đội 10 cũng đông khách. Đặc trưng của Nam Vang là trứng cút, thịt xá xíu, mấy miếng gan, vài miếng phèo? Đặc trưng hơn nữa là cọng hủ tiếu mềm chớ không dai như hủ tiếu Mỹ Tho. Đặc trưng nhất là ăn yên tâm vì xe để trước văn phòng phường đội.
Phở mà còn có phở Thái nữa chớ. Nhưng tôi không dám phiêu lưu đến Thái này để ăn phở Thái. Thiếu chí mạo hiểm mà ông Nguyễn Bá Học xiển dương, mặc dầu quán phở chỉ nằm xế bên kia đường chứ không ngăn sông cách núi gì cho cam.
Cơm tấm 'sà bì chưởng' ở đây cũng có số má. Sườn nướng thơm phức. Bì xắt nhuyễn. Chả có nơi thơm mùi mắm chưng.
Buổi tối, con đường phù thực này càng tráng lệ đèn đuốc, người xe như nước. Bàn ghế lấn ra đường cho đúng phong cách Sài Gòn.
Quán bánh flan sữa, flan trà xanh làm cho đôi mắt những thực khách hảo ngọt càng sáng hơn. Nếu bánh ngọt cần cân bằng, thì đã có mứt chanh dây.
Ốc không phải chỉ có Vĩnh Khánh độc quyền. Ốc theo Trường Bauhaus tổ chức không gian hợp lý thường dưới dạng xe. Vậy mà không phải không phong phú. Tới đây thì người Sài Gòn không thể lên gân là họ kỵ húp sì sụp.
Vì ăn ốc hút mà không hút sồn sột thì làm sao ăn. Ốc hút rang muối ớt, làm môi các cô đỏ lên over cả lớp son, tới mũi. Không hít hà làm sao gọi là ăn ốc hút rang muối ớt.
Bạn muốn ăn Nhật, thì đã có xe đẩy bán Takoyaki gồm bột, bạch tuộc hoặc phó mát. Ăn Nhật sao không khiến ta tơ tưởng tới mùa 'lá đỏ' đang đến ở Nhật. Rừng Trường Sơn thời Mỹ khai hoang vẫn cứ ào ào lá đỏ. Bây giờ, nhớ mùa lá đỏ, hỏi mấy bác kiểm lâm chắc trớt quớt...
Đó là thời con đường phù thực theo nghĩa phù là giúp đỡ cho ăn uống nhộn nhịp. Bây giờ, sau dịch vẫn là còn đường phù thực, nhưng phù đã trở thành phù phiếm.
Con đường 20 thước sau dịch quán đóng cửa tơi bời. Những điểm nào còn có khách ăn thường là "treo đầu dê, bán thịt chó". Nghĩa là bảng cũ vẫn còn ghi hủ tíu mì, hủ tíu cá, nhưng lại bán bún mắm.
Phở Thái đóng cửa, chỉ còn treo bảng hiệu. Hủ tiếu Nam Vang vẫn còn khách. Bánh cuốn đông khách có lẽ vì chỉ có 20.000 đồng/phần, nhưng ngon. Bánh có nhưn nấm mèo, thịt... Bánh một phần tới bốn, năm miếng chả, giò.
Ôi, vẫn cứ là con đường 20 thước phù thực! Phù thực hạng khẩu tịch dương tà! [1]
________________________
[1] Phỏng từ câu "Ô y hạng khẩu tịch dương tà!" trong bài Ô y hạng của Lưu Vũ Tích nói về một con hẻm phồn hoa đã thành phù hoa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.