Ngoài trang phục, trang sức, quý bà, quý cô còn trang điểm! Tùy theo tiêu chuẩn về sắc đẹp của từng thời kỳ lịch sử mà có những cách trang điểm khác nhau. Và trong vấn đề trang điểm thật không đơn giản chút nào! Người ta vì sắc đẹp mà phải sẵn sàng chịu đựng đau khổ, thậm chí đổi lấy mọi hiểm họa khôn lường!
Xưa, người phụ nữ Việt Nam khi đến tuổi dậy thì, đều phải làm đẹp bằng cách nhuộm răng đen. Vì vậy người ta phải “cắn răng ngậm miệng” những chất thật nồng và cay, đến mức môi lưỡi đều sưng húp, phải húp cháo cầm hơi hàng nửa tháng trời, chờ cho chất thuốc bám chặt vào răng mới được nhai cơm. Tất nhiên đều phải cự tuyệt mọi chất cứng khác trong nhiều tháng! Rồi phải xỉa thuốc lá để giữ cho răng được đen nhánh. May là ngày nay không ai hiểu răng đen là đẹp nữa nên các cô cũng đã bớt khổ.
Nhưng tránh được chuyện này thì chuyện khác lại nẩy sinh. Xưa, người con gái nào cũng mắc cỡ, thậm chí xấu hổ về cặp vú của mình (càng to càng khổ tâm), cho nên ai cũng phải mặc yếm, cũng là một loại áo nhưng thiết kế rất đơn giản: chỉ là tấm vải vuông vắt xéo trước ngực, góc trên hoặc chấn ngang, hoặc khoét cong xuống, kết vào đó hai mối dây đặng cột choàng lên sau cổ, hai góc dưới cũng có hai mối dây đặng cột quàng ra sau lưng.
(Ảnh sưu tầm - Nguồn Internet)
Tùy tuổi tác và “thành phần xã hội” mà chọn màu vải/ lụa khác nhau. Chẳng hạn các quý bà ở nông thôn thì chọn vải màu sậm, các cô quý phái thì chọn lụa màu hồng, màu vàng tươi, hoặc đỏ thắm, gọi là yếm đào…
(Ảnh sưu tầm - Nguồn Internet)
Chung nhất là vừa che giấu vừa “bảo vệ”, và nhứt thiết phải cột nịch thật chặt để cố ép sát vào, càng “bằng phẳng” càng tỏ mình là “phụ nữ nết na”, con nhà gia giáo. Nhưng đó là cái yếm của buổi ban đầu, các cô không còn giấu kín mít nữa, vì ép sát cứng mãi, đôi gò bồng đảo đáng yêu kia không thể không “ngột thở”!
Và, hơn ai hết, các cô biết rất rõ rằng cặp nhũ hoa của mình chính là thứ vũ khí sắc bén nhất để mê hoặc cánh mày râu, nên dần về sau các cô đã biết khai thác triệt để “sức mạnh” thứ vũ khí trời cho ấy bằng cách chỉ dùng lụa mỏng, còn các dây thì cột hờ cho có lệ. Vừa giấu vừa khoe làm cho bộ ngực đầy sức sống ấy hiển hiện lồ lộ trước mắt mọi người vô cùng khêu gợi, dễ thương.
(Ảnh sưu tầm - Nguồn Internet)
Để quyến rũ, các cô còn đeo thêm “bùa”! – Bùa nói ở đây không phải là một thứ xạ thơm được gói gọn trong cái bọc vải nhỏ cột vào sợi chỉ (như mặt dây chuyền), rồi kín đáo nhét vào ngực. Mùi xạ thơm lan tỏa, cả sư trên chùa (những người chưa mấy “nhứt tâm”) cũng không thể không ngây ngất. Ca dao:
Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Sư về sư ốm tương tư . . .
(Ảnh sưu tầm - Nguồn Internet)
Đến năm 1915, chiếc áo coọc-xê đánh bật cái yếm đào năm xưa, bởi ngay sau khi ra đời, trước hết là phụ nữ phương Tây, hàng triệu, rồi hàng tỉ người đua nhau đi mua chiếc áo nịt vú kiểu tân thời (thoạt kỳ thủy, công năng của áo là giữ cho bộ ngực khỏi suy thoái lại nhô cao nên các cô đua nhau mua sắm). Thật là kỳ diệu, nhờ nó mà trước mắt mọi người, những cặp vú mướp, vú lép, vú chảy xệ bỗng nhiên trưu trứu!
Cả đến màu da cũng thế, nếu ngày trước người ta mơ ước làn da trắng mỏng, dùng phấn hoặc kem màu sáng bôi lên, thì nay đã khác nhiều! Họ cho rằng màu trắng trông buồn tẻ, và cũng làm một cuộc cách mạng màu sắc đáng kinh ngạc bằng các màu xanh dương hoặc xanh lá cây, thậm chí dùng màu hồng nhợt để tạo cho một vẻ xanh xao, ốm yếu, hàm ý cần được che chở, chăm sóc…
Đơn giản mà phức tạp. Trừu tượng mà cụ thể. Do vậy với nhan sắc và vóc dáng trời cho, bất cứ người phụ nữ nào cũng có thể “đoạt được vương miện” trong tầm tay nếu biết cách làm đẹp. Với người phụ nữ Việt Nam, các chuyên gia thẩm mỹ nước ngoài không thể không nghiêng mình trước sức cuốn hút vô cùng quyến rủ của họ – tất nhiên phải hoàn chỉnh thêm về kiến thức.
Bí quyết? “Cái răng, cái tóc” vẫn là hai tiêu chuẩn gây ấn tượng nhất:
Mình về mình nhớ ta chăng?
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Và:
Một thương bỏ tóc đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên…
Nhưng trên hết là “tứ đức”, đặc biệt quan trọng là công và hạnh. Cho nên, người phụ nữ Việt Nam nào, cho dù có đẹp lộng lẫy thế mấy đi nữa, cũng không thể không quan tâm trau giồi kiến thức và nết hạnh để ngày càng đẹp hơn, bởi họ thừa biết rằng, “cái nết đánh chết cái đẹp”!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.