Cơn sốt vaccine - Sự khủng hoảng niềm tin của người dân

Diệu Linh (thực hiện) Thứ ba, ngày 29/12/2015 07:30 AM (GMT+7)
Về việc chen lấn, giẫm đạp lên nhau để chờ vaccine dịch vụ, TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng nhận định, đây không chỉ là cơn sốt vaccine thế hệ cao hơn mà còn là sự khủng hoảng niềm tin của người dân.
Bình luận 0

img

Người dân xếp hàng chờ lấy số tiêm vaccine Pentaxim cho con tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM.  Ảnh: D.V

Theo ông Tuấn, Bộ Y tế tuy không can thiệp đến chuyện tổ chức tiêm ở các điểm dịch vụ nhưng rõ ràng đã không đánh giá đúng mức độ “khao khát”, “ngóng đợi” của người dân, cũng không định lượng được nhu cầu thực tế về vaccine dịch vụ nên thiếu chỉ đạo toàn cục.

Cơn sốt vaccine đã xảy ra nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Theo ông, gốc rễ vấn đề nằm ở đâu?

- Bộ Y tế cũng đã nhận thấy một bộ phận xã hội có tâm lý không sử dụng vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Họ cũng đã có thông tin về việc nhiều người dân chờ vaccine, tìm cách mua vaccine giá đắt, mua hàng xách tay, ra nước ngoài tiêm… Hiện tượng này đã kéo dài từ năm 2012-2013 nhưng Bộ Y tế vẫn cho rằng đó là một bộ phận nhỏ có tiền, sính ngoại hoặc hiểu chưa đúng về Quinvaxem.

Do đó, Bộ Y tế vẫn kiên trì đường lối đã theo đuổi trước đó: Khẳng định Quinvaxem là an toàn, hiệu quả. Các lý do biện minh cho Quinvaxem cũng cũ kỹ- tử vong ngẫu nhiên, trùng hợp với bệnh lý, tỷ lệ tai biến nằm trong giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới, thậm chí thấp hơn. Bộ Y tế không nhận ra rằng, các lý do này không “lọt tai” đông đảo người dân.

Vậy cần làm thế nào để xây dựng lại niềm tin cho người dân vào Quinvaxem nói riêng và Chương trình TCMR nói chung?

- Bộ Y tế cần thay đổi cách truyền thông. Thay vì “nói ra rả”: Quinvaxem tốt, tử vong ngẫu nhiên... thì nên đặt vào vị trí của người làm cha mẹ để giải toả nỗi lo cho họ về Quinvaxem. Nên lập ra ủy ban khẩn cấp chuyên về tiêm chủng, với nhiều thành viên, chuyên gia của các ngành khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là Hội đồng đánh giá phản ứng sau tiêm chủng.

Theo tôi, nếu cứ sử dụng mãi lý do “tử vong trùng hợp, ngẫu nhiên” sẽ không thuyết phục được người dân. Bộ Y tế nên trả lời được các câu hỏi mà người dân hiện nay đang băn khoăn: Tại sao nước sản xuất vaccine Quinvaxem cũng không dùng? Liệu việc tiêm vaccine có khiến bệnh tiềm ẩn của trẻ nặng lên hay không? Có làm tăng số lượng cái chết ngẫu nhiên hay không?

Để vén được “bức màn bí mật” của Quinvaxem, Bộ Y tế cần một cuộc điều tra trên diện rộng, về tỷ lệ tai biến, phản  ứng nặng nhẹ, tử vong sau tiêm Quinvaxem và so sánh với các nước trên thế giới. Nghiên cứu này phải được một tổ chức độc lập thực hiện thì kết quả đưa ra mới khiến người dân thấy thuyết phục...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem