Quê đã tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, sau đó đi học thêm ngành Viễn thông, làm công chức nhà nước - công việc mà biết bao người mơ ước. Song, hình ảnh quê nghèo luôn làm nặng lòng chàng trai trẻ phải làm gì đó cho quê hương.
Năm 2011 được sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là người bạn đời, anh quyết định bỏ công chức về quê… nuôi lợn. "Ngày nhận 1 ha đất xã giao để làm trang trại, tôi hăng hái lắm. Nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy khó vì không có vốn. Nhiều đêm tôi thức trắng tính toán đường đi, nước bước của mình" - anh Quê tâm sự.
|
Anh Phạm Đồng Quê. |
Trang trại của anh ra đời đúng vào thời điểm tỉnh Thanh Hóa có cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại (100 triệu đồng/trang trại). Huyện Nga Sơn cũng có chính sách khuyến khích người dân xây dựng trang trại, với mức hỗ trợ 300 triệu đồng/ha.
Nắm được cơ hội này, anh vay mượn bạn bè, người thân và dồn hết vốn liếng tích cóp của mình, đầu tư xây dựng trang trại nuôi thương phẩm và lợn hậu bị công nghiệp. Với khoảng 2 tỷ đồng vốn, anh xây hai khu chuồng trại, mỗi chuồng nuôi từ 600-800 con lợn/lứa. Trang trại của anh được xây dựng theo mô hình khép kín với hệ thống xử lý nước thải áp dụng công nghệ biogas phủ bạt, sức chứa hơn 1.200m3.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh tâm sự: "Mỗi năm, hai khu chuồng này xuất bốn đợt, mỗi đợt khoảng 50-60 tấn lợn thương phẩm, chưa kể lợn hậu bị. Trừ hết chi phí đi, tôi lãi khoảng 100 triệu đồng/đợt".
Để chăm sớc đàn lợn, anh phải thuê 4 lao động thường xuyên, lương 3 triệu đồng/người/tháng, chi phí ăn ở, chủ trang trại bao cấp. Thời điểm lợn chuẩn bị xuất chuồng, anh phải thuê thêm hơn chục lao động. Anh đang có kế hoạch mở rộng trang trại để tạo thêm công ăn, việc làm cho thanh niên và lao động quê mình.
Thế Lượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.