Công dân Thủ đô ưu tú: "Bà tiên" hơn 20 năm làm từ thiện chưa từng kêu gọi tiền mặt

Xuân Trường Chủ nhật, ngày 10/10/2021 19:35 PM (GMT+7)
"Tôi sợ nhất những tin đồn ác ý, nên chưa bao giờ tôi đứng ra kêu gọi tiền mặt, chỉ những vật dụng như quần áo, đồ dụng học tập... để ủng hộ trẻ em vùng cao", bà Phan Thị Bính - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2021 chia sẻ với PV Dân Việt.
Bình luận 0

21 năm hoạt động thiện nguyện giúp đỡ hàng nghìn người ở Việt Nam, người phụ nữ ở Hà Nội được mệnh danh là "bà tiên" giữa đời thường.

Bán đất mua xe cấp cứu giúp người nghèo

Trong căn hộ nhỏ ở chung cư Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) bà Phan Thị Bính (65 tuổi) điều hành "một chuỗi" các hoạt động thiện nguyện qua điện thoại. 

Bà Bính bắt đầu làm công tác thiện nguyện từ năm 2000, ban đầu bà cũng chỉ hay quyên góp từ thiện. Sau con cái lớn bà bắt đầu kêu gọi và bỏ tiền túi tổ chức những chương trình ủng hộ học sinh nghèo vùng cao, xây cầu, điểm trường…

Trong đợt cao trào của dịch Covid-19 ở Hà Nội, bà đã cho chính quyền mượn chiếc xe cứu thương được mua từ tiền bán mảnh đất của gia đình và tiền người thân hỗ trợ.

Công dân Thủ đô ưu tú: "Bà tiên" hơn 20 năm làm từ thiện chưa từng kêu gọi tiền mặt - Ảnh 1.

Hơn 20 năm hoạt động thiện nguyện giúp đỡ hàng nghìn người ở Việt Nam, bà Phan Thị Bính (Hoàng Mai, Hà Nội) được mệnh danh là "bà tiên" giữa đời thường. Ảnh: NVCC.

Trò chuyện với PV Dân Việt, bà Bính kể, quyết định bán đất mua xe cứu thương giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn của bà cũng không có gì to tát. 

"Lần đó, tôi có đọc được trên báo câu chuyện về một trường hợp vì hoàn cảnh quá nghèo, không có đủ tiền để thuê xe cấp cứu đưa bệnh nhân đã mất về nhà. Người anh đành phải bó chiếu thi thể của em rồi chở về bằng xe máy. Câu chuyện khiến tôi không cầm được nước mắt. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ phải mua xe để giúp đỡ người nghèo có phương tiện di chuyển lúc ốm đau, bệnh tật”, bà Bính kể và cho biết sau câu nói ấy cứ trăn trở với bà mãi không thôi.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, bà Bính đã quyết định lên đường đến những địa phương có mô hình xe cấp cứu từ thiện hoạt động như ở Cần Thơ, An Giang. Khi đã nắm vững các bước tổ chức, vận hành, bà quyết định bán mảnh đất của mình với giá trị hơn 1 tỷ đồng để có tiền mua xe cứu thương giúp đỡ những bệnh nhân nghèo vào năm 2018. 

Công dân Thủ đô ưu tú: "Bà tiên" hơn 20 năm làm từ thiện chưa từng kêu gọi tiền mặt - Ảnh 2.

Bà Bính bên chiếc xe cứu thương mà bà đã tự nguyện bán đất và vận động bạn bè, gia đình góp thêm tiền mua xe cấp cứu nhằm tổ chức vận chuyển những bệnh nhân là người nghèo các tỉnh về Hà Nội hoặc từ Hà Nội về quê. Ảnh: Xuân Trường.

Tuy nhiên, để xe cấp cứu hoạt động được không phải chuyện dễ dàng, bà Bính bộc bạch: “Một chiếc xe cấp cứu phải đăng ký các quyền ưu tiên như: Sử dụng đèn, còi tín hiệu, đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ… Quá trình vận hành phức tạp, có đơn vị ngỏ ý muốn để họ giúp. Nhưng tôi nghĩ việc thiện đã làm phải làm đến cùng. Biết đâu nếu giao cho đơn vị khác, chỉ một vài tháng họ miễn phí, sau đó lại thu tiền thì tôi không thể kiểm soát được”.

Nghĩ vậy, bà Bính “ôm” hết việc vào mình. Từ việc dùng số điện thoại cá nhân làm số điện thoại đường dây nóng, liên hệ với Phòng Công tác Xã hội của các bệnh viện, cho đến thuê lái xe. Vào thời điểm đó, mô hình xe cứu thương chở miễn phí bệnh nhân nghèo của bà Bính lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội nên chưa nhiều người biết... Sau này, cảm thông với tấm lòng thiện nguyện của bà Bính, ông Mai Văn Toàn cùng vợ ở An Giang đã lặn lội ra Hà Nội tự nguyện làm lái xe cấp cứu và cùng bà Bính tiếp tục công tác thiện nguyện.

Công dân Thủ đô ưu tú: "Bà tiên" hơn 20 năm làm từ thiện chưa từng kêu gọi tiền mặt - Ảnh 3.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Hà Nội, bà Bính đã bàn giao xe cứu thương cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận Hoàng Mai mượn để phục vụ đưa đón bệnh nhân và vận chuyển máy móc. Ảnh: NVCC.

“Bà tiên” giữ đời thường

Khi chuẩn bị thực hiện mô hình xe cứu thương, nhiều người hoài nghi về tấm lòng của bà và đặt ra câu hỏi: "Liệu có tồn tại một người có tấm lòng Bồ tát như vậy không?".

Không giải thích, thanh minh, bà Bính và các cộng sự vẫn hàng ngày lặng lẽ làm việc. Sau hơn 3 năm, hơn 300 trường hợp bệnh nhân "bị bệnh viện trả về" có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hóa được bà đưa về miễn phí.

Nhiều người "ái mộ' tấm lòng của bà Bính, đăng kí tham gia danh sách lái xe miễn phí. Hiện tại có khoảng 10 người tài xế trong đội lái xe này luôn sẵn sàng lên đường, bất kể ngày hay đêm.

Công dân Thủ đô ưu tú: "Bà tiên" hơn 20 năm làm từ thiện chưa từng kêu gọi tiền mặt - Ảnh 4.

Bà Bính trao quà cho người gặp hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC.

Không dừng lại ở đó, đến tháng 7/2019, bà Bính cùng nhóm thiện nguyện còn hỗ trợ miễn phí thay thủy tinh thể cho 400 người tại Bệnh viện Mắt Hà Nội và tài trợ và vận động các nhà hảo tâm triển khai xây dựng các điểm trường vùng cao, khó khăn tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình), xây cầu và làm đường giao thông ở các tỉnh Bến Tre, An Giang, Cao Bằng.

Các bệnh viện lớn ở Hà Nội cũng thường xuyên xuất hiện bóng dáng dung dị của người phụ nữ sinh năm 1956 tổ chức phát cơm, cháo miễn phí cho các bệnh nhân.

"Tôi sợ nhất những tin đồn ác ý, nên chưa bao giờ tôi đứng ra kêu gọi tiền mặt, chỉ những vật dụng như quần áo, đồ dụng học tập... để ủng hộ trẻ em vùng cao",

Bà Phan Thị Bính - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2021

Năm 2021, thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước, bà Bính cũng đã đứng ra huy động các nhà hảo tâm ủng hộ gạo, khẩu trang gửi đến các khu cách ly, cùng các nhóm từ thiện ủng hộ lương thực, thực phẩm cho các vùng dịch phía Nam. Còn tại các tỉnh phía Bắc bà trực tiếp đi chợ, mua lương thực tiếp tế cho đội ngũ chống dịch và người dân.

"Ban đầu tôi chỉ gửi đồ ăn, thức uống nhưng nhận ra những người trong khu cách ly có cả nữ giới và họ cần cả đồ tế nhị nên đã mua và gửi vào thêm những vật dụng khác", bà Bính cười chia sẻ.

Đang trò chuyện với PV Dân Việt, điện thoại bà Bính rung lên, một dòng tin nhắn xây trường và cầu ở một địa phương phía Nam vừa chuyển cho bà, kèm theo đó là hình ảnh ngôi trường mới với tường vàng, mái lợp tôn đỏ rực trong màn hình điện thoại khiến bà mỉm cười rạng rỡ.

"Tốt quá rồi, hy vọng dịch nhanh chóng qua đi, để các bé được cắp sách tới trường", bà nhắn lại cho người đã báo tin vui. Bà Bính tâm sự đây là một trong số ít hoạt động thiện nguyện của bà vẫn tiếp tục trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp.

Công dân Thủ đô ưu tú: "Bà tiên" hơn 20 năm làm từ thiện chưa từng kêu gọi tiền mặt - Ảnh 6.

Bà Bính thăm các bệnh nhân trong bệnh viện. Ảnh: NVCC.

Mong ước có thể tiếp tục nhiều chương trình thiện nguyện

Theo dòng chia sẻ, bà Bính cho biết, từ lúc dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội, bà lui lại, đóng cửa ở nhà, hạn chế tiếp xúc với hàng xóm. "Tôi từng mắc ung thư vú đã điều trị được hơn 10 năm nhưng thời gian gần đây bệnh tái phát, di căn, tôi phải vào viện để điều trị. Cơ thể cũng vì thế mà yếu đi nhiều, không đủ khả năng tiêm phòng vaccine Covid-19 để di chuyển sợ ảnh hưởng đến cộng đồng", bà Bính giải thích.

Anh Đỗ Phát Đạt - cư dân Nơ 6, Khu đô thị Bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) kể, thời điểm dịch bùng phát ở đây, nhiều người nháo nhào vì khu chung cư bị phong tỏa, nhiều người không ra ngoài mua đồ ăn, thức uống được đã được bà Bính hỗ trợ lương thực, thực phẩm, giúp mọi người an lòng thực hiện lệnh phong tỏa của thành phố.

Công dân Thủ đô ưu tú: "Bà tiên" hơn 20 năm làm từ thiện chưa từng kêu gọi tiền mặt - Ảnh 7.

Trong dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn Hà Nội và một số tinh thành khác, bà Bính đã đứng ra huy động các nhà hảo tâm ủng hộ gạo, khẩu trang gửi đến các khu cách ly; cùng các nhóm từ thiện ủng hộ lương thực, thực phẩm cho các vùng dịch phía Nam. Ảnh: NVCC.

Anh Đạt biết đến bà Bính từ nhiều năm trước thông qua các hoạt động kêu gọi ủng hộ quần, áo, sách, vở... gửi tặng trẻ em nghèo vùng cao vào mùa đông lạnh giá. "Tôi rất cảm phục tấm lòng của bà Bính - người dành nửa đời người để hỗ trợ cộng đồng", anh Đạt chia sẻ.

Trong suốt thời gian hoạt động thiện nguyện, tất cả số tiền đều do bà Bính tự nguyện đóng góp với sự đồng ý, ủng hộ của gia đình. Hai người con lớn của bà Bính (một trai, một gái) đã lập gia đình luôn là nguồn động viên, khích lệ lớn cho bà được sống cùng cộng đồng, san sẻ những khó nhọc, bất hạnh trong cuộc sống. Nhiều lần, số tiền bà đi từ thiện được các con hỗ trợ từ công việc kinh doanh, đầu tư.

Công dân Thủ đô ưu tú: "Bà tiên" hơn 20 năm làm từ thiện chưa từng kêu gọi tiền mặt - Ảnh 8.

Nén cơn đau khi điều trị bệnh ung thư di căn, bà Bính vinh dự nhận giải "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2021. Trong ảnh: Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh trao danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú cho bà Phan Thị Bính, hôm 9/10. Ảnh: NVCC.

Bà Bính kể, duy chỉ một lần, bà đứng ra kêu gọi tiền từ thiện vào thời điểm mùa lũ miền Trung 2019 do một thành viên nhờ bà đứng ra kêu gọi ủng hộ cho quê hương ruột thịt. Lúc đầu bà đắn đo song rồi cũng đồng ý, nhưng bà chỉ kêu gọi trong nhóm "Thiện nguyện Từ Tâm" có khoảng 90 thành viên do bà làm nhóm trưởng. Số tiền các thành viên trong nhóm quyên góp được đưa đến tay người dân phần nào giúp bà nguôi ngoai nỗi lo lắng.

Các đơn vị, tổ chức cũng tìm đến bà ngỏ ý hỗ trợ, song bà đều từ chối, những đơn vị này sau đó được bà giới thiệu cho các tổ chức như bệnh viện, hội chữ thập đỏ để tự làm việc, chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. "Tôi sợ nhất những tin đồn ác ý, nên chưa bao giờ tôi đứng ra kêu gọi tiền mặt, chỉ những vật dụng như quần áo, đồ dụng học tập... để ủng hộ trẻ em vùng cao", bà Bính chia sẻ.

"Khi tôi làm từ thiện, có trường hợp người thân nạn nhân đưa tiền cảm ơn, nhiều người khuyên nên lấy một chút tiền xăng xe nhưng tôi từ chối. Tôi luôn tâm niệm, bản thân mình chỉ có một cuộc đời, tôi cũng đang mang bệnh trong người, giữ tiền bạc mà làm gì, tôi chỉ cần sống sao cho thật có ích. Tôi đã dặn con cháu, khi tôi "khuất núi", chiếc xe chở bệnh nhân nếu được duy trì vẫn sẽ không lấy của bệnh nhân một đồng. Tôi còn mong muốn xây dựng được một nhà thuốc nam, chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân nghèo", bà Bính tâm sự.

Ghi nhận những đóng góp thiện nguyện của bà Phan Thị Bính, năm 2019 và năm 2021, UBND TP.Hà Nội đã trao tặng bằng khen và huy hiệu "Người tốt - việc tốt" cho bà. Bà Bính cũng được vinh dự được dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X và nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ. Mới đây, ngày 9/10, bà Bính được chính quyền TP.Hà Nội trao tặng danh hiệu công dân ưu tú của Thủ đô năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem