Viết tiếp khúc khải hoàn ca về ngày Giải phóng Thủ đô

Ngô Khiêm Chủ nhật, ngày 10/10/2021 10:01 AM (GMT+7)
Thực tế đã chứng minh âm nhạc luôn song hành cùng lịch sử dân tộc, là "vũ khí" sắc bén trên "mặt trận" văn hóa, tư tưởng. Và ngày giải phóng Thủ đô (10/10) cách đây 67 năm – một sự kiện quan trọng của không chỉ thành phố bên bờ sông Hồng mà còn của cả dân tộc Việt Nam – cũng không là ngoại lệ.
Bình luận 0

Ra đời như số mệnh

Một sự ngẫu nhiên của lịch sử là ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) (ngày 2-9-1945) và ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954) đều diễn ra mùa Thu. "Mùa Thu" và "Hà Nội" là hai từ khóa đã đi vào trong nhiều các sáng tác âm nhạc, nếu không muốn nói là chiếm hầu hết các ca khúc hay về mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Không xúc động sao được khi trong những ngày này xem lại những thước phim tư liệu hay những bức ảnh về đoàn quân "trùng trùng như sóng" tiến về với những khuôn mặt rạng ngời rồi hình ảnh người dân bên đường vui cười trên tay với cờ hoa rực đỏ rồi những cái ôm, cái bắt tay thật chặt giữa những chiến sĩ với người dân Thủ đô như những người thân lâu ngày chưa gặp. 

Và càng xúc động hơn khi giai điệu hùng tráng: "Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi reo vui, lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố!..." trong bài hát "Tiến về Hà Nội" của nhạc sĩ Văn Cao vang lên. Đó là bài hát đã tạc vào lòng người về khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội ngày giải phóng sau 9 năm mòn mỏi đợi chờ.

Viết tiếp khúc khải hoàn ca về ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 1.

Cố nhạc sĩ Văn Cao đã để lại nhiều tác phẩm âm nhạc bất hủ. Ảnh: TL.

Cùng nhìn lại sự kiện lịch sử này, rồi nghe lại bài hát "Tiến về Hà Nội" mới thấy tài dự báo hơn người của tác giả Quốc ca Việt Nam. Bởi đó là bài hát nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1949, tức là tận 5 năm trước khi Hà Nội hoàn toàn được giải phóng.

Với tài năng, trí tuệ của mình, nhạc sĩ Văn Cao đã khiến người nghe có cảm giác ông viết nên bản hùng ca này từ chính những hình ảnh đoàn quân về tiếp quản Thủ đô vậy. Nhưng sự thật thì không phải vậy, tất cả đều trong trí tưởng tượng của tác giả, thậm chí trong ngày vui ấy ông cũng không được chứng kiến, bởi đang có chuyến công tác đặc biệt ở nước ngoài.

Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ: Ca khúc này được ông sáng tác từ lời hứa với đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3 vào cuối năm 1948.

Khi đó, lãnh đạo Thủ đô đã gửi gắm người nhạc sĩ rằng nếu yêu Hà Nội, hãy sáng tác một ca khúc vừa hùng tráng vừa trữ tình về Hà Nội. Và ông đã không mất quá nhiều thời gian để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của đời cầm bút.

Như vậy, những dự cảm tuyệt vời của ông bắt nguồn từ tình yêu Hà Nội, nói lên khát vọng lớn nhất của người Hà Nội vào thời điểm ấy là quét sạch quân thù, giải phóng Thủ đô.

Viết tiếp khúc khải hoàn ca về ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 2.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu).

Cùng thời điểm ra đời với "Tiến về Hà Nội" còn có một số ca khúc khác sau đó cũng được vang lên trong ngày đặc biệt của Thủ đô, như "Người Hà Nội" của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, "Ngày về" của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác (lời thơ Chính Hữu), "Hà Nội đây rồi" của nhạc sĩ Văn Đức, "Sẽ về Thủ đô" của nhạc sĩ Huy Du... Tất cả những bài hát này đều toát lên lòng hoài niệm, nỗi nhớ thương về thành phố đang quằn quại trong chiến tranh và niềm khát vọng mong chờ của người chiến sĩ Thủ đô nóng lòng trở về giải phóng mảnh đất "rồng cuộn hổ ngồi".

Trong số những khúc khải hoàn ca ngày giải phóng Thủ đô, "Hà Nội giải phóng" của thầy giáo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, người được mệnh danh là "Beethoven của Việt Nam" là một ca khúc khá đặc biệt.

Nó được viết ra bởi người ở trong thành đón chào chiến sĩ giải phóng Thủ đô tiến vào. Đó cũng chính là nhiệm vụ mà lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội giao cho người thầy giáo trẻ có tài sáng tác nhạc phải cho ra được ca khúc phục vụ công tác đón đoàn quân chiến thắng trở về mang màu sắc của thanh niên, học sinh Thủ đô.

Viết tiếp khúc khải hoàn ca về ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ cùng nhân dân Hà Nội đón chào đoàn quân Giải phóng về tiếp quản Thủ đô (10/10/1954). Ảnh: Roman Carmen.

Và ông đã không phụ lòng lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội cũng như đông đảo học sinh, sinh viên Thủ đô lúc bây giờ, khi bắt đầu bằng giai điệu hào sảng, tự hào: "Hà Nội ơi! Vui lên Hà Nội ơi! Qua tám năm sống nhục nhằn u buồn, ngày nay ta ra thoát vòng tăm tối…".

Rõ ràng đó đều là những ca khúc ra đời như số mệnh, như lựa chọn của lịch sử vậy. Điều đó càng là luận cứ xác đáng hơn khi ai đó nói rằng, nhạc sĩ như những người chép sử bằng âm nhạc. Không dài dòng, chi tiết bằng những con số, sự kiện khó nhớ. Không khô khan, học thuật, nặng về lý thuyết đơn thuần. Âm nhạc với lời ca súc tích, cô đọng, giai điệu hoành tráng, hào hùng hàm chứa biết bao điều muốn nói, muốn kể về những sự kiện lịch sử trọng đại, trong đó có sự kiện ngày 10/10/1954 tại Hà Nội.

Viết tiếp khúc khải hoàn ca

Lịch sử là những gì đã trôi qua và chắc chắn không thể quay lại được nữa, nhưng bài học để lại cùng tinh thần và ý chí thì sẽ luôn còn mãi, luôn thúc giục mỗi người hôm nay hãy sống có trách nhiệm hơn với Tổ quốc, với thế hệ cha ông đã từng làm nên lịch sử. Và âm nhạc chính là một phương thức hữu hiệu để trỗi dậy khát vọng ấy, tinh thần và ý chí ấy.

Viết tiếp khúc khải hoàn ca về ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 4.

Áp phích cổ động chào mừng Kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô trên đường Xã Đàn (quận Đống Đa). Ảnh: Phạm Hưng.

Sở dĩ người viết nói như vậy là bởi khi gõ những dòng chữ này thì trên ti vi đang phát sóng chương trình nghệ thuật "Sao độc lập" do Tạp chí Cộng sản và Thành ủy, UBND TP.Hà Nội phối hợp tổ chức được truyền hình trực tiếp tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình như một khúc ca khải hoàn đầy tự hào về những mùa thu cách mạng, là niềm tin về lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Ai cũng biết một thực tế là đất nước thân yêu của chúng ta, Thủ đô linh thiêng và hào hoa của chúng ta đã và đang trải qua những ngày dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử.

Viết tiếp khúc khải hoàn ca về ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 5.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Lời ca dâng Bác” chào mừng kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: KTĐT.

Đến thời điểm này chúng ta có thể vui mừng nói với nhau rằng, chúng ta đã từng bước kiểm soát dịch bệnh bằng chiến dịch, phương pháp đúng đắn. Phải nói rằng, chúng ta bước đầu đã giành được chiến thắng, dù lúc này nói hai từ chiến thắng có thể nhiều người sẽ nghĩ là có phần vội vàng.

Bởi thế mà khi xem chương trình "Sao độc lập" trong giờ phút đặc biệt này, chúng ta càng tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc, của thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo.

Tinh thần Việt Nam trong quá khứ và trong cả cuộc chiến giữa thời bình chống "giặc Covid-19" luôn bất biến. Một dân tộc đã trải qua hàng ngàn năm đấu tranh kiên cường để giữ gìn nền hòa bình độc lập không dễ bị gục ngã trước mọi kẻ thù, dù cho đó có là kẻ thù hữu hình hay vô hình đi chăng nữa.

Và đồng hành trong công cuộc vượt qua thử thách, chinh phục những đỉnh vinh quang luôn có sự có mặt của âm nhạc. Và chúng ta sẽ còn viết tiếp khúc khải hoàn ca…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem