Nắm kỹ thuật giỏi như... kỹ sư
Sau khi tốt nghiệp lớp trồng và thu hoạch chuối mô, chị Hồ Thị Sinh (ở thôn Hải Khê, xã Bản Qua) đã có việc làm ổn định tại Công ty TNHH Toàn Thắng với thu nhập 100.000 đồng/ngày.
|
Chị Hồ Thị Sinh sau học nghề đã thành thạo các kỹ thuật trồng chuối. |
Đứng trước vườn chuối sắp cho thu hoạch, chị Sinh mô tả cho chúng tôi kỹ thật trồng và chăm sóc chuối như một kỹ sư nông nghiệp: “Cây chuối mô từ lúc ươm trồng đến khi thu hoạch khoảng 9 tháng. Để sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, thường chỉ lấy khoảng 7 nải mỗi buồng và phải phun thuốc 2 lần cho lá, 6 lần cho quả.
Để nhớ được những ngày bón phân và phun thuốc, chúng tôi thường đánh dấu lên từng quả chuối ở mỗi cây cho dễ nhớ. Từ quy trình chăm sóc đến thu hoạch phải đảm bảo đúng kỹ thuật, quả chuối không chỉ to, đều, mẩy mà còn phải “đẹp không tì vết” mới xuất khẩu được. Chuối không đáp ứng các tiêu chuẩn ấy là bị trả lại ngay”.
Không chỉ có chị Sinh, hơn 100 lao động ở xã Bản Qua sau khi tốt nghiệm lớp kỹ thuật trồng và thu hoạch chuối đã nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối và đều có việc làm ổn định.
Ông Nguyễn Văn Tỵ - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Lào Cai cho biết, qua việc thực hiện một số mô hình đào tạo nghề kết hợp với giải quyết việc làm ở địa phương, lớp kỹ thuật trồng và thu hoạch chuối được nhiều học viên rất quan tâm.
Sau học nghề, nhiều đồng bào dân tộc đã có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trồng và chế biến chuối. Đặc biệt, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư trồng chuối trên chính mảnh đất của gia đình và bước đầu có thu nhập cao. Chỉ riêng trên địa bàn xã Bản Qua đã có gần 100ha chuối bước vào thời kỳ cho thu hoạch.
|
Ban chỉ đạo T.Ư thực hiện Đề án 1956 kiểm tra mô hình trồng chuối mô tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát, Lào Cai. |
Theo báo cáo, trong năm 2011, huyện Bát Xát tổ chức được 3 lớp lớp kỹ thuật trồng và thu hoạch chuối mô, với trên 100 học viên tham gia. Lớp học nghề trồng chuối cũng chính là kết quả đào tạo nghề theo mô hình ký hợp đồng ba bên (doanh nghiệp phối hợp với trung tâm dạy nghề để đào tạo nghề cho lao động nông thôn và bao tiêu sản phẩm của các hộ gia đình) đang được triển khai phổ biến trên địa bàn Lào Cai.
“Quả thật chưa bao giờ cây chuối ở đây lại được người dân quan tâm phát triển như hiện nay. Đây là loại cây tương đối dễ trồng và cho năng suất cao (mỗi gốc chuối cho thu hoạch từ 20-30kg thành phẩm), không tốn quá nhiều công sức chăm bón và ít sâu bệnh phá hoại, nên rất phù hợp với các điều kiện về thổ nhưỡng và tập quán canh tác của nhân dân địa phương, đặc biệt là các hộ gia đình đồng bào dân tộc ít người” - ông Tỵ cho biết.
Làm ruộng cũng được đóng bảo hiểm
Khi vừa đặt chân tới Bản Qua, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là màu xanh bạt ngàn của những vườn chuối trải dài trên các triền đồi, ven sông suối. Cây chuối vốn quen thuộc ở vườn nhà, nay đang vươn rộng để trở thành cây hàng hoá của xã phục vụ xuất khẩu, góp phần xoá đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm cho nhiều đồng bào vùng cao. Bình quân, mỗi ha chuối mô cần tới 30 lao động cho một mùa vụ nên nhu cầu lao động đối với nghề trồng chuối còn rất lớn.
Trao đổi với PV NTNN, anh Phạm Đức Hậu – quản lý công nhân tại Công ty TNHH Toàn Thắng cho biết: “Thực tế, doanh nghiệp có nhu cầu lao động rất lớn, nhất là lao động có tay nghề đã qua đào tạo trồng và thu hoạch chuối, nhưng nhiều bà con dân tộc làm kiểu “bữa đực bữa cái” nên nhiều lúc gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là vào dịp mùa vụ. Vì thế, chúng tôi đang đề nghị ký hợp đồng dài hạn với lao động địa phương để đóng BHYT, BHXH, vừa là để bảo đảm quyền lời cho người lao động vừa đảm bảo sự ổn định nhân lực”.
Trong năm 2011 huyện Bát Xát đã mở được 11 lớp đào tạo các nghề: Sửa chữa xe máy, Kỹ thuật trồng rau an toàn, Kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, Kỹ thuật trồng và thu hoạch chuối… Tổng số học viên 369 người, trong đó hơn 84% có việc làm ổn định.
Anh Hậu cũng cho biết, bà con được học nghề, biết kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối nên công ty giảm được rất nhiều công đoạn hướng dẫn và quản lý quá trình trồng trọt. Hiện nay, công ty đang thuê trung bình 80 lao động mỗi ngày và rất cần thêm lao động đã qua đào tạo cơ bản để phục vụ cho việc tăng diện tích canh tác trong thời gian tới.
Bà Lý Thị Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát khẳng định: “Thực hiện Đề án 1956, nhiều đồng bào dân tộc đã nhận thức được lợi ích của việc học nghề và tham gia học nghề để có thể chuyển đổi một số cây trồng có sản lượng và giá trị kinh tế cao, từ đó xóa đói giảm nghèo. Nhất là nghề trồng cây chuối ở xã Bản Qua, sau đào tạo bà con đã có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc”.
Về triển vọng, cây chuối có khả năng phát triển mạnh ở địa bàn Bát Xát. Bà Vinh cho biết, huyện Bát Xát có đất đai ở dọc biên giới, ven sông, suối rất phù hợp cho việc trồng cây chuối và thuận lợi để xuất bán sang thị trường Trung Quốc cũng như vận chuyển về xuôi.
Bà Vinh cũng cho hay, theo kế hoạch, mô hình trồng chuối sẽ được nhân rộng sang địa bàn các xã lân cận ở huyện Bát Xát, đồng thời sẽ mở thêm các lớp dạy kỹ thuật trồng và thu hoạch chuối cho lao động nông thôn trên địa bàn.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.