Nhận thức chưa rõ ràng
Anh Hồ Tăng Lâm ở thôn Tân Lập, xã Đăk Hring (Đăk Hà, Kon Tum) bộc bạch: “Tôi là lao động chính trong nhà nên công việc thường ngày rất vất vả. Tháng trước tôi phát hiện mình ho có đờm đặc, sốt nhẹ về chiều nhưng không nghĩ mình mắc lao nên chỉ chữa viêm họng. Đến lúc nằm bẹp, không thở nổi tôi mới đi khám và biết mình bị lao”.
|
Khám lao tại Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội Kon Tum. |
Cũng như anh Lâm, anh Lê Thành Vinh ở phường Thắng Lợi, TP.Kon Tum– bệnh nhân lao đang điều trị tại khoa Lao và bệnh phổi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Do chưa nhận thức được sự nguy hại của bệnh lao nên khi thấy trong người không được khỏe tôi vẫn chủ quan. Khi được các bác sĩ chẩn đoán mắc lao, lúc ấy tôi mới ngỡ ngàng”.
BS Hoàng Thị Tuyến – Trưởng khoa Lao phổi – Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội Kon Tum cho biết: “Chủ yếu các bệnh nhân điều trị ngoại trú nên việc cấp phát thuốc và thời gian uống phụ thuộc vào ý thức người bệnh. Song, một số người bệnh mới dùng thuốc 2 tháng, thấy đỡ ho liền bỏ không điều trị nữa. Vì thế, bệnh không khỏi mà còn bị kháng thuốc. Mặt khác, thuốc chống lao có thể mua dễ dàng tại các quầy thuốc tư nhân nên nguy cơ tự ý dùng thuốc bừa bãi dẫn đến lao kháng thuốc là rất lớn”.
BS Tuyến cho biết thêm, cái khó trong công tác phòng, chống lao hiện nay là nông dân vẫn chưa tin tưởng y tế tuyến xã, huyện; tồn tại tình trạng kỳ thị, mặc cảm bản thân về căn bệnh này nên khi bệnh nặng họ mới tìm đến bệnh viện tuyến tỉnh làm xét nghiệm, điều trị. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho một số bệnh nhân lao chỉ được phát hiện tại tuyến tỉnh khi bệnh đã quá nặng.
Tới từng ngõ, gõ từng nhà
Để người dân nhận thức được đúng đắn việc phòng chống lao cho chính mình và cộng đồng. Năm 2011, Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Kon Tum tích cực triển khai các hoạt động truyền thông về phòng chống lây nhiễm lao từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã và các thôn bản; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng về phòng chống bệnh lao cho 100% cán bộ phụ trách chương trình chống lao; tăng cường giám sát, điều trị bệnh nhân tại cộng đồng, cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư hóa chất cho công tác điều trị bệnh lao tại tuyến y tế cơ sở.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội Kon Tum, trong năm 2011 đã phát hiện mới 281 trường hợp nghi mắc lao, trong đó lao phổi AB dương tính 169 trường hợp; quản lý và điều trị khỏi 323 bệnh nhân, đã có 9 bệnh nhân tử vong.
Chị Y Thơm, dân tộc Ba Na (thị trấn Plây Kần, huyện Ngọc Hồi) bị ho kéo dài, sốt về chiều, khi khám tại Trung tâm Y tế huyện, chị được chẩn đoán mắc lao. Chị đã kiên trì uống thuốc trong vòng 8 tháng. Hiện nay, chị trở thành một “kênh” vận động, phát hiện sớm bệnh lao. Chị Thơm cho biết: “Trước nay mình chủ yếu chữa bệnh bằng thuốc dân gian nhưng bệnh không đỡ mà còn lây ra cả người nhà nữa. Giờ thì mình biết rồi”.
Bà Ngô Thị Cúc – Trưởng ban Tuyên huấn Hội Nông dân tỉnh Kon Tum cho biết: “Dân trí còn thấp nên bà con còn xem nhẹ việc phòng chống lao. Tuy nhiên, Hội đã tăng cường thêm cán bộ, đến từng nhà tư vấn, vận động, bà con thấy được lợi ích của việc phát hiện lao sớm. Hiện nay, xã nào có người ho khạc đờm kéo dài đều tự động lên y tế huyện để khám.
Ngô Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.