Điện ảnh “mất điểm”
Trong “hàng ngũ” nghệ thuật chào mừng 1000 năm Thăng Long, có lẽ điện ảnh là “đấu sĩ” bị “liểng xiểng” nhất. Dự án đồ sộ làm phim về đức Vua Lý Công Uẩn được nhà nước, Bộ VH-TT&DL tin cậy giao phó, sau một thời gian dài rùm beng với nhiều tranh luận, bất đồng làm tốn rất nhiều giấy mực, đến mức PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái phải phát biểu: Người dân, chúng tôi không xem phim bằng bất cứ giá nào.
|
Phim “Long thành cầm giả ca” dù mang lại giải quốc tế cho Nhật Kim Anh vẫn bị chê là nhiều sạn. |
Cuối cùng kế hoạch làm phim rất lớn lao đã “ngậm ngùi” từ giã. Trao đổi với NTNN, TS Minh Thái khẳng định: “Tác phẩm phi nghệ thuật thì không có lý do ra đời”.
Những bộ phim truyền hình khác, như phim “Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long” sau những tháng ngày “đánh vật” bên Trung Quốc với nhiệt tình của nhà sản xuất, ê kíp dàn dựng, diễn viên…, ngay khi tung đoạn trailer đầu tiên lên mạng đã bị phản đối và cả những người thẩm định cũng yêu cầu phải chỉnh sửa.
Việc cấp cứu một “tác phẩm nhạy cảm” không kịp để phim song hành với Đại lễ, phim đành “ngậm ngùi” nhìn Đại lễ trôi qua, đến tận hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa.
Bộ phim “Huyền sử thiên đô” “mắc lỗi” trước công chúng và di sản khi gây ảnh hưởng đến lăng Vua Minh Mạng với mong muốn kịp tiến độ làm phim. Nhưng dù đã “mắc lỗi”, hôm nay bộ phim này vẫn chưa “về đích” dù Đại lễ đã qua gần 1 tháng. “Trượt đà” Đại lễ là một tổn thất lớn về mặt thời gian và ý nghĩa lịch sử với những tác phẩm “chậm chân”.
Phim nhựa “Khát vọng Thăng Long” cũng chỉ có được một buổi chiếu ra mắt tối 7-10 rồi “im hơi lặng tiếng” đến tận ngày 12-11 mới được khởi chiếu toàn quốc. Với phim này, nhà nghiên cứu sân khấu điện ảnh Nguyễn Văn Thành đánh giá tốt về công phu thể hiện, mỗi tội chủ đề dời đô liên quan đến 1000 năm Thăng Long lại chỉ diễn ra ở “phút thứ 89”.
Với bối cảnh chung như vậy, ông Thành cho rằng thật đáng quan ngại, vậy là khát vọng lớn đối với điện ảnh về Thăng Long đã không được thoả mãn!
Diễn xướng buồn vắng
Nhìn sang địa hạt sân khấu có vẻ khả quan hơn khi trước thềm Đại lễ, từ 19 đến 22-8 đã có một liên hoan các vở diễn đề tài lịch sử, huy động được 14 tác phẩm trong Nam ngoài Bắc góp mặt. Đây cũng được coi là một cuộc ra quân, biểu dương lực lượng của nghệ sĩ sân khấu.
Nhưng theo đánh giá chuyên môn thì số lượng còn hạn chế và chất lượng nhìn chung không cao lắm. Và mục tiêu là hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhưng dường như tác phẩm tập trung vào mảng đề tài này còn khiêm tốn nên BTC phải nới rộng chủ đề để có thể nói về lịch sử chung của đất nước.
Trong số các vở đó, theo nhà nghiên cứu Văn Thành, vở “Dời đô” của Nhà hát Cải lương Đồng Nai bám sát chủ đề dời đô của Vua Lý Công Uẩn nhưng lại được “đánh đồng” với các vở khác, và chỉ diễn có mấy đêm.
Nhìn về sân khấu, nhạc sĩ Thao Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN buồn rầu: Có những đơn vị ra vở này vở khác, hoan nghênh được một chút rồi thôi ngay! Mà đầu tư cho mỗi vở đâu có ít, hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Cả Hà Nội gần 45 đơn vị nghệ thuật của nhà nước và thành phố, tính đến nay thử hỏi diễn được mấy buổi?
Những tác phẩm như vậy, có lẽ dư vang cũng đã khó với được đến ngày hôm nay, trong khi nhiều chương trình, hoạt động được hy vọng sẽ gây dấu ấn, tạo dấu mốc cho sự phát triển của sân khấu hoá. Nhưng ngay cả đêm hội “Thăng Long – Hà Nội – thành phố rồng bay” tối 10-10 tại SVĐ Mỹ Đình cũng không tạo được điểm nhấn ngoài việc tái hiện tiến trình lịch sử. Đây cũng là “lối mòn” chung của nhiều chương trình sân khấu hoá lâu nay.
Đại lễ có một loạt tác phẩm sân khấu ca ngợi con người, cuộc sống, các anh hùng dân tộc, nhưng chúng được dàn dựng từ rất lâu rồi, giờ mới công diễn. Năm 2008, nhà nước phát động thi kịch bản mừng Đại lễ và học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã trao giải. Nhưng số lượng dự thi đã ít, tác phẩm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu khán giả và mục đích chương trình lại càng thiếu. Đó là tình trạng chung vẫn còn tồn đọng.
Nhà viết kịch Đăng Chương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn
Tiếc cho Đại lễ thiếu đi một loại hình nghệ thuật. Năm 1922, cụ Tạ Duy Hiển lần đầu tiên khai mạc và công chiếu xiếc ở chợ Hàng Da khi dân mình vẫn chịu ách thống trị của thực dân Pháp. Đó là dấu ấn rất đậm trong lòng người dân Hà thành xưa, vậy mà lại không được tái hiện lại trong một dịp quan trọng như Đại lễ. Tôi cũng có đề xuất kịch bản nhưng không được đồng ý.
NSƯT Tạ Duy Nhẫn - Trưởng đoàn nuôi dạy thú - Liên đoàn Xiếc VN
Phí Hà (ghi)
Dương Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.