Khi nào người trồng lúa thực giàu?
Từ tháng 9-1989, khối lượng lúa dư thừa khổng lồ mà nông dân ta sản xuất đã đưa Việt Nam tham gia trở lại thị trường xuất khẩu khẩu gạo và đến nay lượng gạo xuất khẩu đã không ngừng tăng cao. Nước ta đã đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo.
|
Người trồng lúa vẫn chưa giàu |
Ngoài các lý do như nông dân đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật và một số biện pháp liên hoàn như: Giống mới năng suất cao, đẩy mạnh làm thủy lợi, mở rộng diện tích cao sản, tăng thêm phân bón cùng các vật tư nông nghiệp khác, phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại cây trồng... thì lý do cơ bản, quyết định nhất là sự đổi mới chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp. Đó là chính sách giao quyền sử dụng ổn định và lâu dài đối với đất canh tác thông qua cơ chế khoán 10 đến từng hộ gia đình nông dân, chính sách về giá nông sản và các vật tư nông nghiệp, ổn định giá trị của đồng tiền Việt Nam...
Tuy vậy, mặc dù đổi mới đã trải qua hơn hai thập niên, nhưng tiếc thay nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt thóc, lực lượng chiếm hơn 70% dân số cả nước, đến nay vẫn có mức thu nhập thấp nhất so với những người lao động trong các thành phần kinh tế khác.
Thực tế cho thấy, dù giá lúa của nông dân được Nhà nước bảo hộ, thì mức thu nhập của nông dân Việt Nam so với nông dân nước láng giềng Thái Lan vẫn chưa bằng nửa mức thu nhập của họ (600 USD/người/năm).
Vào những ngày cuối năm 2010, giá lúa có nhích cao hơn nhưng đâu có bao nhiêu nông dân còn lúa để bán! Cái vòng luẩn quẩn của nông dân trồng lúa là như thế: Vào mùa gặt thì giá lúa thấp nhưng phải bán đổ bán tháo vì con nợ bủa vây; đến khi hết lúa thì giá lúa lại tăng, làm giàu cho thương lái và các doanh nghiệp. Thế thì chừng nào người trồng lúa mới làm giàu được? Chỉ một cách duy nhất: Phải có quyết tâm chính trị của Đảng mới đem công bằng lại cho nông dân.
Xây dựng mô hình Công ty cổ phần nông nghiệp
Chỉ 5 năm sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra những chính sách về kinh tế nhiều thành phần. Vì vậy, có thể nói thập niên 80 của thế kỷ trước là giai đoạn quá độ chuyển từ mô hình tập trung, quan liêu, bao cấp sang mô hình hạch toán kinh doanh, phát triển kinh tế hàng hóa.
Nhiều thành phần kinh tế cùng có chung một thị trường và hoạt động đan xen nhau, người nông dân được tự do đầu tư kinh doanh. Với những đổi mới trong cơ chế quản lý, nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến rõ rệt, Nhà nước ngày càng thấy rõ vai trò quan trọng của khu vực nông nghiệp và lương thực, góp phần tạo thêm việc làm, tăng lợi tức và sức mua, tiền tiết kiệm trong dân tăng, ngoại tệ thu về nhiều, an ninh lương thực cho cả nước được bảo đảm.
Nhưng thực tế đầu tư của Nhà nước cho khu vực nông nghiệp vẫn chưa đạt mức yêu cầu của tiềm năng; và cơ chế tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của nông dân vẫn còn nhiều bất cập khiến cho nông dân vẫn chịu cảnh nghèo, phần lớn nông thôn vẫn còn lạc hậu…
Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư (khóa X, ngày 5-8-2008) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời thực sự là động lực mới cho nông dân có cơ hội giàu lên và đưa nông nghiệp thực sự là mặt trận hàng đầu, làm nền tảng cho sự đổi mới trong phát triển kinh tế toàn diện của nước ta.
Nghị quyết đã xác định vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong tiến trình CNH-HĐH đất nước. Nhưng thực hiện như thế nào, bằng giải pháp gì để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra, cần phải tìm một chiến lược hữu hiệu nhất để thật sự làm tăng lợi tức của nông dân, và bộ mặt nông thôn sẽ khang trang hơn, kinh tế nông thôn sẽ đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Có thể nói, Nghị quyết 26 như là một "cứu tinh" cho nông dân trồng lúa Việt Nam. Những hợp phần của một hệ thống sản xuất nông nghiệp theo thị trường hội nhập đã được Nghị quyết nêu lên gần như đầy đủ. Vấn đề quan trọng ở đây là để Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách bền vững cho nông dân và nông nghiệp nước ta, Đảng ta cần phải mạnh dạn chủ trương tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng: Xây dựng mô hình Công ty cổ phần nông nghiệp.
Mục tiêu của Công ty cổ phần nông nghiệp là tổ chức nông dân thành những HTX, tập đoàn sản xuất hoặc cụm sản xuất nguyên liệu nông sản theo phương thức hiện đại đạt mọi tiêu chuẩn thị trường cạnh tranh để cung cấp cho doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với giá trị cao.
Gắn kết chuỗi giá trị sản xuất nông sản, từ nguyên liệu đến thành phẩm đưa ra thị trường, để lợi tức được phân bổ hợp lý cho các thành phần tham dự, trong đó bảo đảm cho nông dân luôn luôn có cơ hội tích lũy lợi tức trong khi doanh nghiệp cũng bảo đảm mức thu nhập.
Trong những năm tới, lúa gạo vẫn còn là một nhu cầu khá lớn cho bảo đảm an ninh lương thực thế giới mà cũng chính là hàng hoá sở trường, thế mạnh phổ biến nhất của đại đa số nông dân Việt Nam, Nhà nước cần sớm tổ chức lại hệ thống mậu dịch gạo xuất khẩu. Thiết nghĩ đây là một sự đổi mới cơ bản trong chính sách nông nghiệp của ta để thật sự chấm dứt thời kỳ nông dân làm thuê rẻ mạt, để các thương lái, doanh nghiệp làm giàu, chuyển sang thời kỳ nông dân làm chủ doanh nghiệp cổ phần để ngày càng đạt lợi tức cao hơn trong sản xuất - thị trường.
Giáo sư Võ Tòng Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.