Công ty TNHH Việt Trường triển khai chuỗi sản xuất, cung ứng chế biến thủy sản xuất khẩu tại Thái Bình
Công ty TNHH Việt Trường triển khai chuỗi sản xuất, cung ứng chế biến thủy sản xuất khẩu tại Thái Bình
Hoàng Vĩnh
Thứ ba, ngày 04/10/2022 14:14 PM (GMT+7)
Nằm trong chương trình phát triển 1000 ha diện tích nuôi cá mè thương phẩm phục vụ xuất khẩu, sáng 2/10, tại xã Tân Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Công ty TNHH Việt Trường đã ký kết hợp đồng đầu tiên sản xuất, bao tiêu sản phẩm với HTX Sản xuất và kinh doanh lương thực phẩm hữu cơ Ban Mai Bio với quy mô 47 ha.
Chứng kiến lễ ký kết xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng chế biến thủy sản xuất khẩu giữa doanh nghiệp và hợp tác xã có bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt- Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình cùng đại diện lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Minh Phương- Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Trường khẳng định, Công ty TNHH Việt Trường đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu. Những hợp đồng xuất khẩu này chính là đầu ra ổn định để Công ty tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất, nuôi cá mè với quy mô lớn trên địa bàn Hải Phòng, Thái Bình và một số tỉnh lân cận.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển, mở rộng sản xuất ổn định, lâu dài theo hướng bền vững, Công ty TNHH Việt Trường đã nghiên cứu, được sự hỗ trợ thông tin và định hướng của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, doanh nghiệp bắt đầu triển khai thực hiện mô hình liên kết trên địa bàn Thái Bình, trước hết là triển khai thí điểm tại huyện Thái Thụy, nơi có tiềm năng lớn về diện tích nuôi trồng thủy sản.
Ông Ngô Minh Phương cho biết, thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ cá mè, bà con nông dân sẽ được công ty Việt Trường mời các chuyên gia, các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi, giới thiệu doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn) đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Công ty TNHH Việt Trường sẽ hỗ trợ giống (đối với một số hộ nông dân thực hiện thí điểm) và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo đúng hợp đồng các bên đã ký kết.
Ông Lưu Sỹ Đoán- Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh lương thực phẩm hữu cơ Ban Mai Bio phấn khởi phát biểu, ông rất hy vọng mô hình nuôi cá mè thực sự sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao bởi đây là loài cá có tốc độ tăng trưởng tốt, ít bị bệnh, thức ăn chủ yếu là tảo. Trước đây, hợp tác xã của ông đã triển khai nuôi trên diện tích 47ha, chủ yếu là các loài cá nước ngọt truyền thống như chép trắm, trôi... nhưng hiệu quả kinh tế đem lại thấp do đầu ra bấp bênh, thu nhập không ổn định.
Với mô hình nuôi cá mè liên kết với Công ty TNHH Việt Trường, HTX của ông sẽ yên tâm sản xuất mà không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Ông Lưu Sỹ Đoán chia sẻ, việc nuôi cá mè có thể kết hợp thực hiện mô hình vườn- ao- chuồng truyền thống (trên bờ có thể nuôi lợn, gà, vịt, dưới ao nuôi cá), vừa có thể tận dụng tốt và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, vừa tận dụng, tiết kiệm được thức ăn nuôi cá, do chất thải trong quá trình chăn nuôi có thể xả xuống ao để phát triển tảo, tảo làm thức ăn cho cá. Đây cũng là mô hình giảm thiểu đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường nước và môi trường khu vực khi bà con biết kết hợp hợp lý mô hình nuôi.
Về kiến nghị với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, ông Lưu Sỹ Đoán cho biết, hiện nay, nhiều hộ nông dân, thậm chí các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đều gặp khó khăn về vốn để phát triển quy mô sản xuất lớn. Chính vì vậy, ông mong muốn được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện tạo điều kiện hỗ trợ nông dân, có cơ chế bảo lãnh, tín chấp, đề xuất Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ bà con vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng trang trại, gia trại.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt- Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình ghi nhận và đánh giá cao mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng chế biến thủy sản xuất khẩu được ký kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, Thái Bình là địa phương có diện tích nuôi thủy sản nước ngọt lớn với hàng chục ngàn ha. Những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) để phát triển sản xuất, đặc biệt là mô hình sản xuất theo chuỗi để gia tăng giá trị sản phẩm.
"Việc thắt chặt mối quan hệ giữa "các nhà" nói trên nhằm đảm bảo lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đặc biệt sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Chúng tôi mong rằng mô hình liên kết sản xuất giữa Công ty TNHH Việt Trường và HTX Sản xuất và kinh doanh lương thực phẩm hữu cơ Ban Mai Bio sẽ thành công tốt đẹp, đem lại hiệu quả kinh tế cao và có thể mở rộng không chỉ ở huyện Thái Thụy mà có thể triển khai tới các địa bàn khác trong tỉnh, đem lại công ăn việc làm cho nhiều người lao động, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững cho nông dân. "- bà Nguyệt bày tỏ.
Ông Ngô Việt Trường- Giám đốc Công ty TNHH Việt Trường và ông Lưu Sỹ Đoán- Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh lương thực phẩm hữu cơ Ban Mai Bio ký kết hợp đồng. Video: VTH
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Tân Học, huyện Thái Thụy cho biết, chính quyền địa phương luôn quan tâm và ủng hộ các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, nhất là khâu bao tiêu sản phẩm đầu ra để bà con nông dân yên tâm sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết công ăn việc làm và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. "Chúng tôi rất vui mừng khi doanh nghiệp về địa phương đầu tư liên kết với bà con nông dân. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình trên diện rộng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cần phải căn cứ vào quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh"- ông Hà nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.