Hết cảnh “mạnh ai nấy làm” khi nông dân tham gia mô hình liên kết này
Hết cảnh “mạnh ai nấy làm” khi nông dân tham gia mô hình liên kết này
Đức Thịnh
Chủ nhật, ngày 03/01/2021 22:49 PM (GMT+7)
Tham gia mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, nhiều hội viên, nông dân trên cả nước đã không còn sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm” mà chủ động trao đổi kinh nghiệm, liên kết sản xuất để giúp nhau cùng làm giàu.
Năm 2015, hộ anh Vi Văn Lương (thôn Dọc Mùng, xã Giáp Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) gây dựng nghề nuôi chim bồ câu. Từ 50 đôi bồ câu giống ban đầu, nay anh đã có đàn hơn 3.000 đôi. Thấy hiệu quả, hơn 10 hộ trong thôn, xã học theo anh Lương nuôi chim bồ câu. Do số hộ nuôi và tổng đàn chim tăng nhanh đã nảy sinh chuyện "mạnh ai nấy làm", cạnh tranh không lành mạnh…
Trước thực tế này, tháng 9 vừa qua, Hội ND xã Giáp Sơn đứng ra thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn. Theo anh Vi Văn Vít - Chi hội trưởng Chi Hội ND thôn, đồng thời là tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn cho biết: Hiện Tổ có 8 thành viên nuôi hơn 11.000 đôi bồ câu. Hộ ít nhất 300 đôi, nhiều có 3.000 đôi.
"Mục tiêu chung là tập hợp các hội viên cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề vào các chi, tổ hội nghề nghiệp. Hướng tới thành lập HTX để xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị".
Ông Nguyễn Văn Nguồn
- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang
Ngoài gặp gỡ hàng ngày, định kỳ hằng tháng, các thành viên trong tổ họp một lần, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng chống dịch bệnh, thống nhất giá bán và đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tìm nguồn thức ăn rẻ, ổn định cho cả tổ. Nhờ đó đến nay, việc sản xuất kinh doanh của các hộ đi vào nền nếp, cho thu nhập khá. Cứ 1.000 đôi bồ câu bố mẹ, trừ chi phí, chủ nuôi lãi khoảng 30 triệu đồng/tháng, vai trò của tổ chức Hội ND nâng lên.
Với 168 thành viên tham gia canh tác với tổng diện tích 83ha, Chi hội nghề nghiệp nuôi thuỷ sản xã Minh Hoà, huyện Kinh Môn là chi hội có nghề nghiệp có số hội viên đông nhất ở tỉnh Hải Dương.
Anh Vũ Văn Yên - Chi hội phó chi hôi nghề nghiệp nuôi thuỷ sản xã Minh Hoà là 1 trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Hiện nay, khu vực chuyển đổi của gia đình anh rộng 2ha, quy hoạch vườn cây, khu chuồng trại chăn nuôi khép kín gồm ba ba, cá lồng, gà siêu trứng. Trang trại của gia đình anh nuôi 16.000 con gà siêu trứng cho sản lượng gần 4 triệu quả trứng/năm; 10.000m2 mặt nước nuôi cá diêu hồng, cá lăng với sản lượng khoảng 12 tấn/năm; 3.000 con ba ba gai thương phẩm… Trừ mọi chi phí, bình quân mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 800 triệu đồng. Hay mô hình Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản xã Tân Việt, huyện Thanh Hà gồm có 20 thành viên, diện tích canh tác 1,2ha. Trong chi hội có nhiều hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Thành viên tổ hội nghề nghiệp đã giúp đỡ 5 hộ nghèo, trong đó có 1 hộ thoát nghèo.
Nhiều nguồn lực hỗ trợ mô hình
Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Thực hiện Đề án số 24 của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, đến nay, Hội ND tỉnh Hải Dương đã có hơn 100 chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập, với hơn 3.000 thành viên tham gia.
Sau khi các chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập, Hội ND tỉnh cùng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tạo điều kiện để các đơn vị này hoạt động hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn Nguồn - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN (khóa VII) về "Đẩy mạnh xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp", toàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập mới nhiều Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp. Trong đó, riêng từ đầu năm đến nay, Hội ND tỉnh Bắc Giang đã thành lập 22 chi hội nông dân nghề nghiệp và 84 Tổ hội nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số lên 258 đơn vị với gần 3.000 hội viên tham gia. Các mô hình này phát huy hiệu quả, góp phần đổi mới hình thức hoạt động Hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.