Tôi còn nhớ như in những ngày trước 1975, thanh niên Hà Nội thì thầm với nhau về cái tin nhóm Hoàng Lộc, Toán (xồm)... bị bắt vì tội "tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy".
|
Ca sĩ Ánh Tuyết. |
Trước 30 tháng 4
Qua vụ án, cánh thanh niên hiểu rằng hát nhạc vàng, nhạc miền Nam... hay chụp ảnh khỏa thân vào giai đoạn đó là không đúng lúc. Cả nước đang hy sinh sức người, sức của cho tiền tuyến, cho cuộc đấu tranh chống xâm lược và thống nhất đất nước, những tình cảm ủy mị chưa có chỗ đứng, thậm chí có thể làm ảnh hưởng đến tinh thần người chiến sĩ nơi tuyến lửa...
Không chỉ nhạc vàng, mà những bài hát tiền chiến của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương và ngay cả "Tình ca" (Hoàng Việt), "Xa khơi" (Nguyễn Tài Tuệ) cũng không mấy khi vang lên ở chốn đông người, trên đài phát thanh.
Người miền Bắc thường nghe "Việt Nam quê hương tôi" (Đỗ Nhuận); "Bài ca hy vọng" (Văn Ký), "Bước chân trên dải Trường Sơn" (Vũ Trọng Hối), "Đường chúng ta đi" (Huy Du- Xuân Sách); "Người là niềm tin tất thắng" (Chu Minh)... cùng rất nhiều những bài hát cách mạng (gọi là nhạc đỏ) khác vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải Phóng và trên môi tất cả mọi người từ hậu phương ra tiền tuyến.
Cũng thời gian đó, ở miền Nam, ngoài dân ca Nam Bộ người ta cũng thường nghe những bài: "Bây giờ tháng mấy" (Từ Công Phụng), "Áo lụa Hà Đông" (Ngô Thụy Miên), "Chiều mưa biên giới", "Em hiền như ma-sơ" (Phạm Duy- Nguyễn Tất Nhiên), "Sài Gòn" (Y Vân), "Lệ đá" (Trần Trịnh), "Ướt mi", "Diễm xưa", "Biển nhớ" (Trịnh Công Sơn) và những ca khúc tiền chiến của các tác giả ngoài Bắc...
Và đúng ngày...
Hai ca khúc vang lên trên Đài Phát thanh Sài Gòn trưa 30.4.1975 là "Tiến về Sài Gòn" (Lưu Hữu Phước) và "Nối vòng tay lớn" (Trịnh Công Sơn) cùng với phong trào ca khúc chính trị đã kéo theo cả một "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" với những ca khúc cách mạng từ phía Bắc tràn vào.
Đó là: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" (Phạm Tuyên); "Đất nước trọn niềm vui" (Hoàng Hà),"Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" (Xuân Hồng), "Việt Nam ơi! Mùa xuân đến rồi" (Huy Du), "Bài ca hy vọng" (Văn Ký), "Hà Nội niềm tin và hy vọng" (Phan Nhân) cùng hàng trăm ca khúc khác đã tưng bừng không chỉ ở Sài Gòn mà trên nửa nước vừa giải phóng.
Ngược lại, những gì một thời bị hạn chế ở miền Bắc thì như được "nới lỏng". Cùng với những băng cối Akai từ miền Nam chuyển ra, nhạc Trịnh Công Sơn và giọng hát Khánh Ly vang lên khắp chốn. Người nghe vẫn yêu thích những bài ca cách mạng trên sóng phát thanh, nhưng mặt khác họ cũng thích những nhạc phẩm đến từ Sài Gòn.
Dĩ nhiên, không phải đều diễn ra suôn sẻ, tiếp nhận cũng có lúc bởi nhu cầu tự thân hồ hởi, song cũng có lúc xuất hiện những tranh cãi. Song nhìn chung là chấp nhận và làm phong phú lẫn nhau. Các đoàn ca múa nhạc hai miền giao lưu biểu diễn cũng góp phần đem lại sự chấp nhận đó.
Tình cảm Việt đã làm nên những tác phẩm âm nhạc Việt và nó sống động trong đời sống người Việt ở mọi không gian và thời gian.
Từ miền Bắc, ngoài các đoàn dân tộc, đoàn Ca múa nhạc nhẹ... có cả Dàn nhạc giao hưởng. Từ miền Nam ra có Đoàn Ca nhạc Tháng Tám, Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen. Người Bắc bấy lâu quen nghe giọng ca Tường Vi, Lê Dung, Quốc Hương, Trần Hiếu, Quý Dương, Ngọc Tân, Thanh Hoa, Thu Hiền... đã đón chờ những Thanh Tuyền, Lệ Thu, Thanh Lan... và sau đó là Cẩm Vân, Lâm Xuân, Bảo Yến, Nhã Phương, Ánh Tuyết...
Cũng như người Nam đón nhận cách biểu cảm và phong cách biểu diễn rất mới của các nghệ sĩ miền Bắc, trong đó nổi bật là Thúy Hà và Vũ Dậu, Trần Hiếu, sau nữa là Ái Vân, Lệ Quyên... cùng với ca khúc của các nhạc sĩ "hành phương Nam" như Trần Tiến, Dương Thụ, Phú Quang...
36 năm đã qua là 36 năm tiếp biến, ảnh hưởng, thu nhận và đào thải, giờ đây chẳng còn ai phân biệt Nam - Bắc, cái gì có giá trị, cái đó còn lại trong lòng người. Ngay cả những ca sĩ hải ngoại cũng đã hát nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam, không phân biệt người Nam hay Bắc. Cũng không ít người đã về Việt Nam biểu diễn trong chương trình chung với ca sĩ trong nước.
Trần Thị Trường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.