Bình Nguyên
Thứ tư, ngày 20/07/2022 11:36 AM (GMT+7)
Trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn có 4 cây xanh tuổi đời hơn 300 năm là cây di sản, biểu tượng chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Cuối tháng 6/2022, thời tiết nắng như đổ lửa, gió muối mặn rát dịu lại dưới tán cây mù u di sản ở đảo Sơn Ca. Cây cao hơn 20m, xòe tán rộng khắp một khoảng sân. Cây là nơi trú ngụ của rất nhiều loài chim, trong đó có loài chim sơn ca, biểu tượng của đảo.
Mù u tán thấp, sinh trưởng chậm, theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xác định cây mù u trên đảo Sơn Ca có tuổi đời trên 300 năm.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng cây mù ù này cùng với 3 cây di sản trên đảo Song Tử Tây, Nam Yết và Sinh Tồn được trồng gần thời điểm với nhau từ triều Nguyễn (1802 - 1945). Trải qua hàng trăm năm dưới tác động của bão gió biển khơi, những cây này vẫn trụ vững.
Hai cây mù u di sản hơn 300 tuổi ở đảo Sơn Ca và đảo Sinh Tồn. Video: Bình Nguyên.
47 năm kể từ sau ngày giải phóng (1975), để những cây cổ thụ tiếp tục xanh tốt như hiện tại, các thế hệ chiến sĩ đã bỏ nhiều công sức để chăm sóc.
Trung tá Nguyễn Như Tuyến, Chính trị viên đảo Sơn Ca cho hay, trước các đợt bão lớn, chiến sĩ trên đảo cắt tỉa gọn cành cây tránh bật gốc. Mùa khô, nước ngọt rất quý giá nhưng các chiến sỹ vẫn giữ gốc cây được phủ lớp lá giữ ẩm, tưới hằng ngày.
"Cây di sản không chỉ đem lại cảnh quan, chắn gió che bóng mát cho người dân, chiến sĩ trên đảo, cây còn có giá trị đặc biệt, một cột mốc xanh khẳng định chủ quyền từ xa xưa của nước ta với quần đảo", Trung tá Tuyến nói.
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa cho hay, việc trồng mới, bảo vệ cây xanh được coi là một trong những nhiệm vụ của chiến sĩ, người dân trên đảo.
Những cây cổ thụ, cây di sản trên quần đảo Trường Sa không chỉ mang ý nghĩa về lịch sử, văn hóa và đa dạng sinh học, là cột mốc chủ quyền thiêng liêng, những cây xanh này còn là mái nhà che chở cho quân và dân trên đảo, là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ và chứng kiến biết bao thế hệ chiến sỹ từng công tác giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Giáo sư - TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, việc công nhận và cấp bằng cho 4 cây di sản ở Trường Sa không chỉ không chỉ khẳng định được ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, hóa giáo dục truyền thống, và sự có mặt của người Việt trên đảo Trường Sa từ rất sớm; mà còn minh chứng với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa là mảnh đất bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.