CPI tháng 7 tăng trở lại: Lơ là kiểm soát

Thứ hai, ngày 25/07/2011 09:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 1,17% so với tháng trước. Như vậy, CPI tháng 7 tăng 14,61% so với tháng 12.2010 và tăng 22,16% so với cùng kỳ 2010.
Bình luận 0

Lạm phát 7 tháng đầu năm đã lên tới 14,61%, gần với chỉ tiêu cả năm là 15-17% trong khi vẫn còn 5 tháng nữa mới hết năm. Rõ ràng áp lực không giữ được lạm phát ở 15-17% như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là rất lớn. Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng khó có thể kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 17%.

Trong tháng này, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 2,12%, trong đó, tăng chủ yếu là thực phẩm 3,2%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,78%; và do nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tới 42% trong rổ tính CPI nên việc CPI tháng 7 tăng mạnh là điều khó tránh khỏi.

img
Giá thực phẩm “đóng góp” lớn làm CPI tháng 7 tăng trở lại.

CPI tháng 7 tăng cao bất thường đã phát đi tín hiệu leo thang của lạm phát trong những tháng cuối năm 2011. Đáng chú ý, theo nhiều ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực này, nguyên nhân của lạm phát không đến từ tâm lý của người dân như vẫn thường xảy ra, mà bắt nguồn từ sự quản lý nền kinh tế chưa thực sự hiệu quả của bộ, ngành hữu quan.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng: Chúng ta cứ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở ngưỡng này, ngưỡng kia, nhưng chưa đưa ra được biện pháp hành động kiểm soát đúng.

Ông Đỗ Văn Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo kinh tế xã hội (Bộ KHĐT) phân tích: CPI tháng 7 tăng như vậy rõ ràng có sự bất thường. Nếu đi sâu phân tích nguyên nhân thì thấy rằng trong việc kiềm chế lạm phát những tháng qua, chúng ta đã quá tập trung vào các mục tiêu tiền tệ, tài khóa mà quên kiểm soát mối quan hệ cung - cầu hàng hóa. Dẫn đến tình trạng cung hạn chế mà cầu lại cao, khiến cho giá cả biến động bất thường.

Về diễn biến CPI các tháng tiếp theo, ông Thành dự báo: Khả năng bình ổn quan hệ cung - cầu, nhất là với nhóm hàng thực phẩm chưa thể giải quyết trong một vài tháng tới. Ít nhất phải 3 tháng nữa, nếu tích cực vận dụng các giải pháp thì mới khắc phục được hạn chế về cung - cầu thực phẩm. “Như vậy, các tháng tới, CPI mỗi tháng vẫn có khả năng cao trên 1%. Do đó dự báo lạm phát cả năm ít nhất cũng phải từ 20% trở lên” - ông Thành nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem