CPTPP và bài toán “nâng cấp” doanh nghiệp trong nước lớn mạnh có lộ trình

Anh Đức Thứ hai, ngày 14/01/2019 08:00 AM (GMT+7)
Nói về CPTPP, TS Võ Trí Thành cho rằng đây là một hiệp định thách thức sự cải cách thể chế và giúp doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước cần phải làm việc hiệu quả hơn dựa trên nguyên tắc cơ bản là cạnh tranh, minh bạch nếu không muốn “lạc” khỏi dòng chảy hội nhập.
Bình luận 0

img

TS. Võ Trí Thành

Hôm nay, ngày 14.1.2019, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực ở Việt Nam. Trao đổi với “Góc nhìn chuyên gia” của Dân Việt, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng CPTPP gắn liền với cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ 14.1.2019, ông đánh giá thế nào về sự tác động của hiệp định đối với nền kinh tế Việt Nam?

Sau rất nhiều những thách thức, khó khăn và nỗ lực của nhiều nước thành viên. Trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp về địa chính trị, những “va đập” của những quan điểm về toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, việc ký kết và đi vào thực thi Hiệp định CPTPP có rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt là với Việt Nam.

Điều này chứng tỏ Việt Nam vẫn tiếp tục con đường cải cách theo những chuẩn mực, thông lệ tốt của nền kinh tế thị trường, vẫn là một đất nước tiếp tục đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, vì sự phát triển của Việt Nam, của khu vực và của thế giới.

Có thể Hiệp định không còn tác động lớn như TPP vì không còn Mỹ, một nền kinh tế lớn trên thế giới, một nhà đầu tư cực kỳ quan trọng của Việt Nam, nhưng CPTPP vẫn còn những tác động hết sức ý nghĩa.

Thứ nhất, đó là sự tác động đến vấn đề cải cách thể chế, cụ thể là những cam kết liên quan đến chính sách, đến cải cách trong lòng nền kinh tế này. Ví dụ như: quyền sở hữu trí tuệ, DNNN, cạnh tranh, mua sắm Chính phủ… ; Hay là những đòi hỏi mới về đầu tư thương mại của thế kỷ 21, ví dụ như thương mại điện tử, những vấn đề liên quan đến xử lý tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước, tiêu chuẩn lao động, môi trường…

Cho nên, hiệp định CPTPP gắn với cải cách, những va vấp mà chúng ta cần hoàn thiện cũng như đòi hỏi chúng ta phải hướng đến những xu hướng mới.

img

Thứ nữa là sản xuất kinh doanh thương mại. Cũng giống như các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, đây là sân chơi mới để Việt Nam mở rộng xuất khẩu dựa trên lợi thế của mình, tất nhiên với mức độ có thể chưa bằng TPP.

Lưu ý rằng, với mức độ mở cửa sâu hơn, ngay cả đối với những nước đã có FTA rồi thì CPTPP vẫn có những tác động bổ sung ít nhiều. Bên cạnh đó, có nhiều nền kinh tế chưa có FTA với mình (ví dụ như Canada, một số nước Mỹ Latinh), tác động của CPTPP cũng rất tích cực.

Nếu chỉ nhìn vào vấn đề xuất khẩu và thương mại để đánh gia tác động của CPTPP là rất chưa đủ, còn nhiều lĩnh vực khác được tạo điều kiện trong bối cảnh hiện nay. Cùng với các FTA khác, CPTPP mở ra các cơ hội rất lớn đối với các lĩnh vực hướng tới người tiêu dùng như: du lịch, giải trí, bán lẻ, giáo dục, y tế…

CPTPP gắn với thương mại mở rộng tạo điều kiện phát triển các ngành logicstic. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện tốt hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, các mạng sản xuất khu vực và thế giới do được các tập đoàn lớn dẫn dắt.

Cùng với sự phát triển kinh tế, rất nhiều các lĩnh vực khác như hạ tầng, bất động sản có điều kiện phát triển, phục vụ cả sản xuất, đời sống hay nhiều ngành nghề, lĩnh vực mà chúng ta nói đến nhiều như kinh tế sáng tạo, kinh tế xanh, start up…

Như vậy, CPTPP đang mở ra những chân trời mới, không gian mới, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh nói chung. Ngoài ra, CPTPP tạo ra sức hấp dẫn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nói chung, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Cùng với các FTA, CPTPP gắn liền với cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Ông vừa nói về vấn đề cải cách thể chế khi Việt Nam gia nhập CPTPP. Cụ thể của những cải cách này là gì và Việt Nam đã sẵn sàng với dòng chảy hội nhập này chưa?

Việt Nam đã mở cửa và hội nhập được 30 năm, bươn chải, “va đập” cũng nhiều, thành công cũng nhiều và vượt qua khó khăn cũng có. Câu chuyện này nói lên rằng, cả ở cấp hoạch định chính sách hay cấp doanh nghiệp, cũng đã đủ tự tin để hội nhập. Sự tự tin này được thể hiện qua việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý để phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường, với đòi hỏi của sự hội nhập. Sự tự tin này cũng được thể hiện qua các con số khi Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, để nói rằng Việt Nam đã sẵn sàng ở mức cao chưa, đã chuẩn bị đầy đủ, trọn vẹn chưa, thì chắc chắn là chưa. Điều này thể hiện đâu đó ở nhận thức, ở việc nắm bắt thông tin. Đối với CPTPP, chúng ta còn nhiều khuôn khổ pháp lý phải hoàn thiện cho phù hợp.

Có một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ biết chưa đủ tốt để lồng ghép, gắn liền các chiến lược, kế hoạch làm ăn của mình. Tâm thế gắn với cách làm ăn bài bản chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn khá yếu. Đây là những điểm mà chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện.

CPTPP có lợi gì cho xuất khẩu nông sản?

Sáu thành viên CPTPP bắt đầu được hưởng lợi từ giảm thuế đợt 1 vào ngày 30.12. Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của 6 nước sẽ lập tức bắt đầu hướng được các quyền lợi như: ưu tiên thông quan hàng xuất nhập trong 48 tiếng đồng hồ; Miễn giảm thuế cho hàng hoá có xuất xứ từ CPTPP (ROO); Cắt giảm các thủ tục quan liêu, phức tạp và nhà xuất khẩu có thể tự làm chứng chỉ hàng hoá xuất xứ (CERTIFICATE OF ORIGIN). Điều khoản này sẽ tác động thế nào tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam?

img

Đây là Hiệp định “mở cửa” nói chung và mức độ cắt giảm thuế quan là rất cao, gần như 100%, có thể có những hàng hóa phải theo lộ trình. Như đã nói, CPTPP không chỉ tạo điều kiện tiếp cận thị trường, khiến Việt Nam có điều kiện cạnh tranh tốt hơn khi xuất khẩu, nó còn gắn liền với cải cách thể chế.

Mặt thuận lợi ở đây là giảm được chi phí cho doanh nghiệp. Thế nhưng, để xuất khẩu được, câu chuyện không đơn giản chỉ có vậy. Chúng ta phải đáp ứng, tuân thu rất nhiều điều kiện như nguyên tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, minh bạch thông tin, tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn về lao động môi trường… phải đáp ứng, rồi những hiểu biết, cách thức phân phối để kết nối thị trường. Như vậy, chi phí cho việc đáp ứng tuân thủ không phải là nhỏ, đó là chưa kể vấn đề cạnh tranh.

Cho nên, đây mới chỉ là cơ hội, còn có hiện thực hóa được cơ hội hay không còn phụ thuộc vào cách thức hỗ trợ hợp lý của nhà nước, cách thức đồng hành của hiệp hội và nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp.

Với việc cắt giảm một loạt thuế trong năm 2019 khi CPTPP có hiệu lực sẽ tác động thế nào tới nguồn thu ngân sách?

Thật ra đây không phải là câu chuyện mới. Câu chuyện này chúng ta đã bàn rất nhiều khi chúng ta tham gia Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) từ đầu những năm 90. Câu chuyện này trở nên lớn hơn khi chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều FTA với mức thuế cơ bản về 0%.

Về cơ bản, nguồn thu ngân sách vẫn ngày càng tăng. Nguồn thu từ thương mại, đặc biệt là từ nhập khẩu xét theo tỷ trọng đóng góp ngày càng giảm mạnh so với trước đây, nhưng tổng thu ngân sách của Việt Nam thì không thấp nếu xét theo tỷ trọng GDP, nếu không muốn nói là khá cao so với nhiều nước đang phát triển.

Nguyên nhân đến từ việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng, sản xuất kinh doanh bùng phát hơn khiến cơ sở thuế gia tăng, gắn việc hoàn thiện các sắc thuế. Trong sự gia tăng ấy, có một phần đóng góp của mở cửa hội nhập. Do đó, khi tham gia các FTA nói chung, có khu vực giảm tỷ trọng nhưng lại được bù đắp bởi các yếu tố khác. Đó là chưa nói đến, hiện nay, từ vấn đề thu thuế, chi tiêu ngân sách của chúng ta nhiều vấn đề còn phải cải thiện.

Từ ngày 14.1, Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu cho Cá tra da trơn của Canada từ 18% hiện nay xuống còn 0% và tôm hùm Canada từ 35% xuống còn lại 15%. Vậy cuộc chơi CPTPP có lợi gì cho nông sản và hoạt động xuất khẩu nông sản Việt?

"Chúng ta phải đứng trên lập trường, Việt Nam là một nước mạnh về nông nghiệp, và phải tận dụng cho tốt lợi thế này. Các FTA nói chung và CPTPP đem lại một cơ hội to lớn cho xuất khẩu nông sản và phát triển nông nghiệp Việt Nam. Vấn đề ở đây là chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh, khéo léo xử lý những áp lực này như thế nào", TS. Võ Trí Thành.

Phải nói rằng, nông nghiệp Việt Nam phát triển được, một phần rất lớn nhờ mở cửa hội nhập, bên cạnh cải cách thị trường. Nhìn chung trong rất nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có lợi thế. Trong những đàm phán liên quan đến các hiệp định, từ WTO đến các FTA, các đối tác coi Việt Nam là một nước xuất khẩu nông sản, thủy sản rất mạnh. Đặc biệt là gần đây, với cách nhìn nhận về vai trò của phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển bền vững bao trùm, khu vực nông nghiệp đang trở nên hấp dẫn đối với giới đầu tư.

Với một số mặt hàng nông nghiệp mà chúng ta không có hoặc ít có lợi thế cạnh tranh như ngành chăn nuôi, phải làm sao tính toán chi phí chuyển đổi cho những doanh nghiệp, những người lao động trong lĩnh vực này thấp đi, để có thể chuyển sang lĩnh vực khác, hay lựa chọn phân khúc trong ngành mà mình chưa có lợi thế phù hợp. Khi đó, vai trò của nhà nước thể hiện vai trò ở việc cung cấp thông tin, hỗ trợ đào tạo nghề…

img

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Bên cạnh đó, với những lĩnh vực chúng ta có lợi thế, cũng phải giải quyết vấn đề giảm thiểu chi phí tuân thủ để tận dụng được lợi thế mà vẫn tuân thủ cam kết.

Minh bạch để khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển

Một trong những thách thức lớn nhất đối diện với Việt Nam khi CPTPP được thực thi vào năm 2019 là sự cam kết của Việt Nam lần đầu tiên mở cửa thị trường đấu thầu mua sắm công cho nhà đấu thầu của 10 nước thành viên khác. Điều này có tác động thế nào tới hoạt động đầu thầu đầu tư công của Việt Nam, vì hiện, các dự án BT hay BOT chủ yếu là chỉ định thầu chứ ít đấu thầu công khai? Doanh nghiệp SME của Việt Nam đã chuẩn bị gì cho cuộc chơi mới này chưa?

Năm 2019, CPTPP được thực thi, một trong những điều khoản cần phải thực hiện là sự cam kết của Việt Nam lần đầu tiên mở cửa thị trường đấu thầu mua sắm công cho nhà đấu thầu của 10 nước thành viên khác. Các gói đấu thầu mua sắm công có giá trị trên 2,8 triệu USD đều phải nắm trong luật chơi của CPTPP. Trong đó quy tắc, luật chơi và thủ tục đấu thầu là sẽ hoàn toàn khác với những gì Việt Nam đang trải nghiệm, như: tất cả cuộc đấu thầu phải được công khai thông báo trên báo điện tử; Tất cả các cuộc đấu thầu được nghi vấn đều có khả năng bị chất vấn; Bên gói thầu buộc phải trả lời mời thắc mắc công khai và khả năng bị trừng phạt nếu có gian lận; Hình sự hoá các hành vi vi phạm trong đấu thầu công. Tuy nhiên, CPTPP cũng đưa vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi lần đầu tiên SME của 6 nước được ưu tiên tham gia các thị trường mua sắm đấu thầu công với nhau.

Về nguyên tắc, những cam kết về đấu thầu có tính tích cực về mặt dài hạn khi dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch. Qua đó, hạn chế được tiêu cực, và quan trọng là chọn được “người chơi” tốt nhất.

CPTPP đặt ra vấn đề phải “nâng cấp” doanh nghiệp trong nước để họ “lớn” hơn một cách có lộ trình, có những linh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, có thế có những cách về mặt kỹ thuật để làm sao các dự án đấu thầu lôi kéo được sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Một điểm nữa của CPTPP là điều khoản cam kết về việc giảm yếu vai trò của công ty quốc doanh trên thị trường cạnh tranh, để tạo một cơ chế bình đẳng giữa DN tư nhân và quốc doanh. Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ, tuy nhiên, khu vực tư nhân cần phải làm gì để tận dụng được cơ hội này để lớn mạnh và hội nhập?

Phải nói rằng cam kết này rất phù hợp với định hướng cải cách doanh nghiệp khu vực nhà nước. Những lĩnh vực nào nhà nước không quá chú trọng thì nên chuyển cho tư nhân. Những lĩnh vực nào còn lại, phải làm việc hiệu quả hơn, và hiệu quả này dựa trên nguyên tắc cơ bản là cạnh tranh, minh bạch. Như vậy, cam kết này cơ bản là phù hợp và có đóng góp rất tích cực. Đây là một khía cạnh quan trọng thúc đẩy cải cách thể chế, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, đàng hoàng cho doanh nghiệp làm ăn và phát triển.

Nguyên tắc thị trường là cạnh tranh, việc thúc đẩy mạnh hơn cải cách doanh nghiệp nhà nước theo cam kết làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường, góp phần vào phát triển doanh nghiệp hiệu quả. Bên cạnh đó, với cam kết này, sự tham gia của khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp tư nhân có thêm cơ hội trở thành những đối tác quan trong, qua đó góp phần cải thiện việc làm ăn của doanh nghiệp nhà nước. Tất nhiên đây là trên lý thuyết, thực tế câu chuyện có thể không đơn giản như vậy. Vẫn đề cuối cùng vẫn là sự giám sát, cạnh tranh, minh bạch để phát triển khu vực tư nhân và hạn chế các hành vi tiêu cực, làm méo mó thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem