|
Anh Lê Nguyên Hoàng bên rừng cây sắp thu hoạch. |
Sinh ra, lớn lên ở núi rừng, hàng ngày chứng kiến những cánh rừng xám xịt, trơ trụi, Hoàng đau xót lắm. "Phải làm gì để trả lại màu xanh cho rừng?" - câu hỏi ấy thôi thúc Hoàng từ khi cậu còn là học sinh THPT.
Trước kia, Tiến Xuân và các xã lân cận bạt ngàn màu xanh của rừng. Khi đó rừng chưa ai quản lý, người dân thả sức tàn phá. Năm 1997, nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho dân, gia đình Hoàng được nhận 20ha và bắt đầu trồng keo, bạch đàn, kết hợp chăn nuôi dê, bò.
Năm 1999-2000, thấy đất khô cằn, bạc màu khó canh tác nên nhiều gia đình bán đuổi bán tháo. Anh đánh liều vay vốn ngân hàng, vay mượn khắp nơi mua trên 40ha đất bạc màu trong sự lo lắng, ngờ vực của gia đình, bạn bè. Cũng thời gian này, anh mạnh dạn trồng thử nghiệm giống lát Mexico. Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất của anh.
Khi cây được 1 năm tuổi thì bị mối ăn vỏ, anh tìm mọi biện pháp cứu chữa mà cây vẫn chết, số tiền 250 triệu đồng bỏ ra coi như mất. Không nản, anh chuyển sang trồng keo, bạch đàn kết hợp chăn nuôi.
Trang trại của anh Hoàng đang tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động địa phương và năm nào cũng tiếp nhận hàng trăm sinh viên các trường đại học, cao đẳng đến thực tập.
"Có người bảo tôi tốt nghiệp đại học mà phải về đi leo đồi sao. Tôi cười, mình sinh ra ở rừng, phải gắn bó với rừng"- anh Hoàng lý giải.
Từ năm 2000 đến nay, anh cùng gia đình trồng được 10ha sao đen, 10ha kim giao và gần 20ha trầm hương, còn lại là trám ghép vỏ vàng, dổi, chò chỉ, keo... Đến nay, tính cả phần đất nhà nước giao và đất liên doanh liên kết, anh có tới 103ha đất rừng, tất cả đã được phủ xanh nhiều loại cây gỗ quý như: Sao đen, kim giao, dổi, trầm hương, lát Mexico... Trong đó, trên 30-40ha keo, quế, bạch đàn bắt đầu cho thu hoạch mang về cho anh hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Khu rừng của anh nằm dưới chân núi với quế, trầm hương... xanh ngút tầm mắt. Trong đó có hai ngôi biệt thự, hai con suối và hai hồ rộng khoảng 2.000m2 nằm giữa những dãy núi chẳng khác nào một khu resort (nơi nghỉ dưỡng). Hoàng cho biết, hai hồ nước này được đắp từ năm 2007 để nuôi cá và dự kiến làm hồ sinh thái, đồng thời phục vụ nước tưới cho hàng chục ha lúa của bà con trong xã.
"Mỗi năm, tỉa cây bán cũng thu cả trăm triệu đồng. Mình đang xây dựng trang trại theo mô hình sinh thái, bởi ở đây có hồ, suối, thác nước, sân trượt cỏ... Đặc biệt, trang trại nằm trên tour du lịch suối Ngọc - Vua Bà, Thác Bạc - Suối Sao nên rất thuận lợi" -Hoàng tiết lộ.
Tuy mới hoàn thành trên 50% khối lượng công việc, nhưng trang trại sinh thái của Hoàng được các chuyên gia nông nghiệp và du lịch đánh giá rất cao.
Nguyên Huân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.