Cụ ông 87 tuổi, cụt 2 chân chăm vợ già liệt giường

Chủ nhật, ngày 23/12/2012 07:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chồng bị cụt hai chân, vợ tai biến nằm liệt giường, cùng nhau sống tuổi già quạnh hiu trong mái nhà tình nghĩa. Họ đã sống như vậy suốt 65 năm qua và viết nên câu chuyện tình yêu cảm động nơi miền sơn cước vốn nổi "danh" nghèo đói.
Bình luận 0

Đôi tình già mà chúng tôi đang nói đến chính là ông Phạm Ny (87 tuổi) và bà Đỗ Thị Ny (86 tuổi) trú tại tổ 3, thôn Trà Đức, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Chỉ cần 15 phút chờ đợi tại bến đò nối liền xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên) với xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc), chúng tôi đã có thể dễ dàng vượt dòng Thu Bồn để sang bên kia sông. Hôm chúng tôi về xã Đại Tân là một buổi trưa trời nắng gắt. Cũng không khó khăn lắm khi hỏi thăm đường vào nhà ông bà Phạm Ny.

img
Ông Ny đang đút cháo và dỗ dành người vợ già không còn nhận thức

Chẳng thể nào không khóc

Xe vừa đến cổng nhà, bà Phạm Thị Huệ (77 tuổi, em gái ông Phạm Ny, ở nhà đối diện) đã vội vã chạy ra đón và đưa chúng tôi vào nhà anh trai. Đang chăm vợ trên giường, thấy có người vào nhà, ông cụ tóc bạc da mồi lọc cọc lết đôi chân giả ra tận cửa đón khách.

Ngôi nhà của ông bà Ny trống huơ, không có cái gì đáng giá ngoài chiếc chõng ọp ẹp, thi thoảng lại rung lên từng hồi bần bật và 2 cái ghế đẩu cũ nát mà ông đang mời chúng tôi ngồi. Xin lỗi mấy người khách lạ, ông Ny lọ mọ cúi xuống gầm gường bưng bô nước tiểu của vợ đem đổ để cho đỡ mùi. Ngôi nhà tuềnh toàng này là nơi đôi vợ chồng già tàn tật nương tựa vào nhau sống suốt 65 năm qua.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ny run run kể lại cái buổi chiều “định mệnh” cách đây 40 năm. Hôm đó, ông đang cuốc đất trong vườn thì bổ trúng quả mìn phát nổ khiến ông mất đôi chân vĩnh viễn. Nhớ lại chuyện xưa, bà Huệ lại nước mắt nghẹn ngào.

Tự nguyện thờ liệt sĩ vô danh

Quan sát trong nhà ông Phạm Ny, chúng tôi thấy có rất nhiều bằng khen và huân, huy chương do Nhà nước trao tặng. Bà Phạm Thị Huệ cho hay: "Anh trai tôi tuy không phải là người có công với Cách mạng, không trực tiếp đi ra chiến trường nhưng hơn 30 năm qua anh tôi đã làm được một điều vô cùng lớn lao. Những người nằm xuống vì Tổ quốc mà không có ai thờ phụng, dù không phải máu mủ, nhưng anh Ny vẫn đem về hương khói mỗi ngày. Hiện gia đình anh tui có 6 bàn thờ liệt sĩ được lập. Những liệt sĩ này đều được anh tui nguyện tâm lập bàn thờ để có chỗ “đi về”.

Bà nhớ lại: “Đang cấy thuê, chân tay không dép guốc dính tèm lem bùn đất, chị dâu tôi cuống cuồng chạy ra đồng rồi lên bệnh viện khi nghe tin chồng bổ phải mìn. Chị tôi ngã khuỵu xuống, ngất lịm đi khi các bác sĩ thông báo phải cưa cả 2 chân thì anh tôi mới có thể sống sót. Nhìn cảnh chị Ny lúc ấy mà tôi không cầm được nước mắt.”

Từ ấy, ông Ny nằm liệt giường không đi đâu được suốt 40 năm trời. Một thân bà Ny vừa phải tần tảo nuôi 2 đứa con thơ, vừa gồng gánh mưu sinh chăm chồng bệnh tật. Khi các con trưởng thành, vì nhà nghèo không đủ ăn, người con trai bỏ quê đi biệt xứ, mười mấy năm nay chưa một lần về thăm nhà. Người con gái thì lấy chồng xa nhưng cũng lâm cảnh đói nghèo không cách gì giúp thêm cha mẹ.

Khoảng chục năm trở lại đây, được sự trợ giúp của chính quyền và bà con lối xóm, gia đình ông Ny xây được một ngôi nhà Đại đoàn kết và được cấp 1 bộ chân giả để ông Ny có thể tự đi lại. Niềm vui ngắn chẳng tày gang khi năm 2005, bà Ny lại bị tai biến mạch máu não. Từ một người bình thường, giờ bà chẳng biết gì, nằm bệt một chỗ, không thể cử động được. Ông Ny lại dựa vào đôi chân giả chăm lo cho vợ từ miếng cơm, ngụm nước đến tắm giặt, vệ sinh. Ông không ngại khó, ngại khổ nhưng chỉ lo những lúc bà bài tiết thất thường, không có ai phụ ông đỡ bà dậy để vệ sinh, lau chùi sạch sẽ.

“Cổ tích” tình già

img
Hơn 30 năm nay, vợ chồng ông Ny vẫn thầm lặng hương khói mỗi ngày cho những liệt sĩ vô danh.

Khi chúng tôi đến thăm cũng là lúc ông Ny đang ngồi bón từng thìa cháo với những lời dỗ dành, động viên người vợ không còn nhận thức. 7 năm nay, bà Ny vẫn nằm liệt giường, tứ chi bất động. “Bà ấy sống đó nhưng chẳng làm được gì, người như mất hồn. Thương bà ấy lắm nhưng tui cũng chẳng biết làm chi ngoài việc ân cần săn sóc cho bả.

Hộ nghèo nhất của xã nghèo

Ông Huỳnh Bốn, trưởng thôn Trà Đức, cho biết: “Ở cái xã nghèo miền núi này không có hộ gia đình nào khốn khổ như ông bà Phạm Ny. Tuy nghèo nhưng ông bà lại có nghĩa cử cao đẹp là thờ phụng hương linh liệt sĩ. Việc làm của vợ chồng ông Ny luôn được chính quyền ghi nhận và trân trọng. Nghĩa cử này không phải ai cũng làm được. Chính quyền thôn luôn ưu ái và kịp thời hỗ trợ cho vợ chồng ông bà vào nhưng dịp lễ, Tết nhưng cũng chẳng được bao nhiêu” .

Thức khuya, dậy sớm tui không sợ mô. Tui chỉ sợ những lúc tắm rửa không có ai đưa bả ra giếng. Cực chẳng đã, tui phải lò cò xách từng gàu nước từ giếng vào nhà tắm cho bả. Bữa nào tui khỏe thì tắm bữa một. Bữa nào tui mệt, ốm thì 2 - 3 bữa mới tắm. Năm ngoái có đận tui bị cảm liệt giường khiến bả 10 ngày không được tắm” - Lấy chiếc khăn ấm cẩn trọng lau đôi tay gầy của vợ, ông Ny tâm sự.

Mấy năm trở lại đây, ông Ny lại mắc thêm căn bệnh hở van tim. Cơn đau hành hạ ông chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Các bệnh viện đều không thể cứu chữa cho ông chỉ vì ông không có tiền. Về nhà, ông phó mặc bệnh tật cho trời mà chỉ chú tâm chăm bà. Nhiều khi đang giặt quần áo hay đi lại nấu bát canh ăn, bất thình lình ông ngã ngửa người nằm bất tỉnh dưới nền nhà. May mắn, bà con chòm xóm phát hiện kịp, hô hấp nhân tạo cho đến khi ông hồi tỉnh.

Cuộc sống của hai vợ chồng già chỉ trông chờ vào tiền lương người cao tuổi hằng tháng. “Bữa nào được ai thương tình cho dăm ba chục, tui đem đi mua sữa và ít thịt nấu cháo cho bả ăn” - ông Ny cho biết. Chống tay lên tường bước đi những bước nặng nề tiễn chúng tôi ra cửa, ông Ny lo lắng: “Số tui không biết sống chết lúc nào cả. Tôi chỉ lo lỡ mai này tui chết, ai sẽ lo cho bả. Có khi tôi "đi" rồi thì cũng chừng dăm bữa sau bả cũng đi theo tôi mà thôi”.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem