Sản lượng sữa tươi đạt gần 1 triệu tấn
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)
Thưa ông, Bộ Y tế đã có Công văn 5454/BYT-ATTP về gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có đặt vấn đề cho phép các sản phẩm sữa dạng lỏng được tham gia chương trình sữa học đường với lý do sữa tươi trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Ông có thể cho biết, năng lực thực tế của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi của Việt Nam hiện nay?
Năm 2017, đàn bò sữa cả nước đạt 302.000 con, sản lượng sữa đạt 881.000 tấn. Ảnh: T.L
Ngày 17.9.2018, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề việc ban hành quy định chỉ sản phẩm sữa tươi được tham gia chương trình sữa học đường sẽ dẫn tới việc hạn chế sự lựa chọn các loại sữa khác cũng đáp ứng mục tiêu dinh dưỡng của chương trình, tạo rào cản cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề nghị ngoài sản phẩm sữa tươi, các sản phẩm sữa dạng lỏng khác cũng được tham gia chương trình sữa học đường, để đảm bảo trẻ em được sử dụng đa dạng các sản phẩm sữa khác, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sự tham gia bình đẳng của doanh nghiệp. |
- Tuy không phải là ngành có bề dày truyền thống nhưng chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, số đầu con tăng 7 – 10%/năm, sản lượng sữa tăng 15 – 17%/năm, cao nhất trong ngành chăn nuôi. Năm 2017, tổng đàn bò sữa cả nước đạt 302.000 con, sản lượng sữa đạt 881.000 tấn, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu trong nước. Doanh thu của ngành sữa đạt trên 100.000 tỷ đồng, tương đương trên 4 tỷ USD.
Trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam chỉ có thể phát triển nghề chăn nuôi bò sữa ở một số địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp thì nay với sự tham gia đầu tư cao của những doanh nghiệp (DN) lớn, tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, nghề chăn nuôi bò sữa đã có thể phát triển ở những địa bàn vốn không thích hợp với con bò sữa, mở ra một triển vọng to lớn cho ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa.
Như vậy, triển vọng cũng như dư địa phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của chúng ta vẫn còn lớn, thưa ông?
- Đúng như vậy, khi Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ công nghiệp hóa ngành sữa hiện đại nhất Đông Nam Á. Hiện nay, sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng sữa, vì vậy dư địa phát triển còn lớn.
Năm 2018, dự kiến sản lượng sữa nguyên liệu đạt trên 960.000 tấn, chỉ tiêu đến năm 2020 là 1 triệu tấn là hoàn toàn có thể đạt được nhờ năng lực sản xuất của các nông hộ, DN ngày càng cao.
Theo công văn mới đây của Bộ Y tế, do nguồn sữa tươi không đủ đáp ứng cho chương trình sữa học đường, nên đang đề xuất bổ sung thêm sữa dạng lỏng (sữa hoàn nguyên, pha lại, trong đó có sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài) cùng tham gia. Là cơ quan quản lý trực tiếp về chăn nuôi, ông cho biết thực hư về số liệu này như thế nào?
- Cục Chăn nuôi đã ước tính về nhu cầu của chương trình sữa học đường, cũng như khả năng cung ứng của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước. Theo đó, với nhu cầu mỗi học sinh sử dụng 180ml sữa/ngày, nhân với 260 ngày đến lớp, nhân với khoảng 11 triệu học sinh (mẫu giáo đến lớp 6) thì sản lượng sữa cần cho chương trình sữa học đường khoảng 514.000 tấn, tương đương 22.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, sản lượng sữa năm 2018 đã đạt khoảng 960.000 tấn, vì vậy nhu cầu sữa tươi nguyên liệu chế biến cho chương trình sữa học đường tại các DN hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Hiện nay, các nước có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh như Mỹ, Úc, châu Âu tiêu thụ 100% sữa lỏng được chế biến từ sữa tươi, trong khi Việt Nam mới đáp ứng được 40%. Vì vậy, ưu tiên phát triển đàn bò sữa, đi kèm với các dịch vụ cho chăn nuôi bò sữa để hạn chế sự phụ thuộc nhập khẩu vẫn là ưu tiên hàng đầu, cũng là cách để trẻ em Việt Nam được tiếp cận với nguồn thức uống giàu dinh dưỡng.
Thận trọng khi đưa thêm sản phẩm khác
Ông có quan điểm thế nào về đề xuất của Bộ Y tế?
- Chương trình sữa học đường được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8.7.2016 đã yêu cầu phải sử dụng sữa có nguồn gốc 100% từ sữa tươi nguyên liệu. Việc Bộ Y tế đề xuất đưa thêm các sản phẩm sữa khác vào chương trình như sữa bột hoàn nguyên chẳng hạn cần có sự cân nhắc thận trọng, để trẻ em, học sinh được uống sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng chất lượng, hỗ trợ chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển và giảm nhập khẩu sữa, sản phẩm sữa.
Ngành sữa hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng sữa lỏng của chương trình sữa học đường mà chưa cần bổ sung thêm các loại sữa bột khác.
Về mặt khoa học, khi so sánh hai loại sữa tươi và sữa bột hoàn nguyên cũng có sự khác nhau nhất định. Theo đó, sữa lỏng từ 100% sữa tươi nguyên liệu vẫn còn giữ lại được những hoạt chất sinh học, enzym có lợi cho cơ thể, trong khi sữa bột hoàn nguyên những chất này có thể mất đi do điều kiện trong quá trình chế biến thành sữa khô.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.