Trước sự việc di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị xâm phạm, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá - Trần Đình Thành cho hay, Viện Khảo cổ cùng Sở VHTT Hà Nội đã có báo cáo sơ bộ việc khai quật khảo cổ di chỉ Vườn Chuối. Di chỉ Vườn Chuối là tổng thể chung, trong đó được chia làm 3 gò, gồm gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn và gò Vườn Chuối.
“Sau khi Bộ VHTTDL có Quyết định 1470/QĐ-BVHTTDL về việc cho phép thăm dò, khai quật khảo cổ di chỉ Vườn Chuối, các nhà khảo cổ đã có đánh giá giá trị của di chỉ Vườn Chuối, thì chúng tôi nhận được thông tin Mỏ Phượng, gò Dền Rắn đang bị chủ đầu tư san ủi đất làm đường nội bộ cho khu đô thị. Ngay lập tức chúng tôi đã chủ động mời Viện Khảo cổ, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cùng xuống kiểm tra thực tế, và thấy rằng đã có sự đổ đất, san đất tại Mỏ Phượng.
Đọc bản báo cáo, tôi nhận thấy không có bất cứ thông tin, báo cáo nào cho ngành văn hoá. Tôi cho rằng, ý thức của UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Kim Chung, TCty CP Thương mại Xây dựng quá kém và đã thực hiện không nghiêm các quy định pháp luật về di sản văn hoá. Đặc biệt, sau khi có ý kiến tại Hội thảo Báo cáo kết quả thăm dò, khai quật Khảo cổ học di chỉ Vườn Chuối năm 2019 là phải có sự tham gia của ngành văn hoá, thế nhưng chính quyền địa phương đã không thông báo với ngành văn hoá, tôi cho là ý thức của họ quá kém.
Nghe báo cáo chúng tôi đã rất bức xúc. Phòng Văn hoá, UBND xã Kim Chung trả lời UBND huyện Hoài Đức chưa có chỉ đạo. Bản thân UBND huyện Hoài Đức cũng không đưa ra ý kiến về sự việc đã xảy ra. Tôi cho rằng đó là hành động coi thường di sản.
Một di sản đã được khai quật, được các nhà khảo cổ học đánh giá vậy mà không tôn trọng. Qua việc này chúng tôi mong muốn UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo mạnh mẽ, kiên quyết trong việc bảo tồn, bảo vệ di chỉ Vườn Chuối. Bởi nếu di chỉ Vườn Chuối mất đi thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể lấy lại được”.
Với câu hỏi, tại sao Cục Di sản lại chỉ tập trung bảo vệ, bảo tồn gò Vườn Chuối trong khi Mỏ Phượng và gò Dền Rắn cũng là nơi có nhiều hiện vật, ông Trần Đình Thành cho biết: “Qua kết quả khai quật khảo cổ trước đó, Cục Di sản nhận thấy Mỏ Phượng vốn trước kia là nghĩa trang cũng đã có sự đào bới, chôn cất, hoả táng mộ nên các địa tầng ở Mỏ Phượng đã bị xáo trộn rất nhiều và nơi đây lưu giữ các hiện vật ít hơn ở gò Vườn Chuối.
Gò Dền Rắn khi chúng tôi xuống khảo sát thấy vẫn còn nguyên chưa bị san lấp, nhưng qua khảo sát trước đó, các hiện vật ở gò Dền Rắn cũng không nhiều và giá trị như gò Vườn Chuối".
Theo ông Trần Đình Thành, đứng giữa việc bảo tồn và phát triển, Cục đã có giải pháp. Các nhà khảo cổ học sau khi khảo sát đã xác định giá trị di sản tại Mỏ Phượng, gò Dền Rắn không lớn, không nhiều địa tầng như ở gò Vườn Chuối nên chỉ yêu cầu chủ đầu tư khi thực hiện thi công nếu phát hiện ra hiện vật, cổ vật phải báo với ngành văn hoá, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời và đưa hiện vật về bảo tàng lưu giữ và trưng bày.
Với gò Vườn Chuối trong di chỉ Vườn Chuối, Cục Di sản Văn hoá nhận thấy các lớp văn hóa từ Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra 3 tầng văn hóa liên tiếp ở di chỉ này từ văn hóa Đồng Đậu (3500-3000 năm), văn hóa Gò Mun (3000-2500 năm) cho đến văn hóa Đông Sơn (2500-1800 năm). Đây là một địa điểm cư trú lâu dài của người Việt cổ, góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người rất sớm trên địa bàn Hà Nội và chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền-sơ sử, vì vậy sẽ tập trung bảo tồn và khoanh vùng tại gò Vườn Chuối.
“Cục Di sản Văn hoá đã có văn bản trên cơ sở kết luận từ Viện Khảo cổ về việc xác định giá trị di sản, xác định được ranh giới gò Vườn Chuối, nên chúng tôi đã có văn bản gửi lên UBND thành phố Hà Nội đưa ra hai giải pháp song song. Giải pháp đầu tiên, quan trọng là chỉ đạo cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch chỉ giới đường vành đai 3,5 ra khỏi di chỉ Vườn Chuối. Đó là mục đích quan trọng nhất để bảo vệ di chỉ Vườn Chuối. Giải pháp tiếp theo là lập hồ sơ di tích xếp hạng để có căn cứ pháp lý bảo vệ lâu dài. Cục Di sản và Sở VHTT Hà Nội sẽ kiên quyết thực hiện để bảo vệ di chỉ Vườn Chuối”, ông Trần Đình Thành chia sẻ.
Về việc báo chí và người dân phản ánh tình trạng đào trộm cổ vật tại di chỉ Vườn Chuối, ông Trần Đình Thành cho biết: "UBND xã Kim Chung, UBND huyện Hoài Đức đã cho hay, đó là dư luận đồn thổi vậy. Còn cụ thể đã bắt được người đào trộm cổ vật thì chưa. Vì vậy, để khẳng định có chuyện đào trộm cổ vật là không có cơ sở".
Theo ông Trần Đình Thành, việc khai quật tại gò Vườn Chuối với những cổ vật, hiện vật như vậy là đủ và giờ giải pháp bảo tồn có thể thực hiện như ở Hoàng Thành Thăng Long, quay 3D, 4D hoặc bảo vệ bằng kỹ thuật theo nguyên tắc khoa học khảo cổ là phủ bạt, phủ cát, lấp đất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.