Di chỉ Vườn Chuối: Có hay không sự "tiếp tay" để DN xâm phạm?

Thành An Thứ tư, ngày 13/11/2019 11:09 AM (GMT+7)
Trong tháng 10/2019, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) tiến hành xây dựng đường nội bộ và san nền khu đô thị đã xâm phạm vào khu vực di tích phân bố ở các gò Mỏ Phượng (san lấp toàn bộ di tích), Dền Rắn (diện tích san lấp vào phạm vi di tích khoảng 50%) và làm đường nội bộ vận chuyển vật liệu ở phía nam gò Vườn Chuối.
Bình luận 0

Ngày 12/11, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TP.Hà Nội có văn bản số 4220 gửi UBND TP.Hà Nội về kết quả sơ bộ thăm dò, khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Theo đó, Sở VHTT khẳng định “Vườn chuối là địa điểm khảo cổ thời tiền sử phân bố trên các gò đất ở thôn Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức. Khu Vườn chuối đã trải qua 9 lần khai quật nghiên cứu khảo cổ và xác định đây là phức hệ di chỉ cư trú-mộ táng phát triển liên tục qua các thời kỳ Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn thuộc thời tiền sử, sơ sử miền Bắc nước ta”.

“Sở VHTT sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức để có ý kiến về việc đưa nửa phía Đông di chỉ (bảo tồn 6.000m2) vào khu vực bảo vệ di chỉ Khảo cổ, làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo của việc đưa di chỉ vào danh mục kiểm kê di tích của Thành phố”, văn bản của Sở VHTT nêu rõ.

img

Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thuộc địa phận làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội), có tổng diện tích 19.000 m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969. 

Đáng chú ý, trong văn bản này, Sở VHTT Hà Nội cho rằng: “Trong tháng 10/2019, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) tiến hành xây dựng đường nội bộ và san nền khu đô thi đã xâm phạm vào khu vực di tích phân bố ở các gò Mỏ Phượng (san lấp toàn bộ di tích), Dền Rắn (diện tích san lấp vào phạm vi di tích khoảng 50%) và làm đường nội bộ vận chuyển vật liệu ở phía nam gò Vườn Chuối.

Theo đó, Sở này đề nghị UBND TP.Hà Nội có văn bản gửi Vietracimex về việc bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối theo pháp luật di sản văn hóa và nội dung có liên quan (văn bản số 3782/UBND-KGVX ngày 20/8/2018; văn bản số 4390/SVHTTDL-QLDT ngày 2/11/2018).

img

Hiện nay phần lớn Di chỉ khảo cổ văn hóa Vườn Chuối đã bị xâm phạm.

Trước đó, Sở VHTT Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư xây dựng đường 3.5 và khu đô thị Thăng Long 9 trong quá trình thi công cần phối hợp với các cơ quan văn hóa, UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Kim Chung theo dõi và dừng thi công khi phát hiện di tích để thông báo cho các cơ quan chuyên môn xử lý di tích theo Luật Di sản.

Về vấn đề trên, một chuyên gia khảo cổ (đề nghị không nêu tên-PV) khẳng định: “Gò Mỏ Phượng đã bị san lấp toàn bộ chưa hay còn 10% di chỉ ở đây còn có thể khai quật được? Gò Dền Rắn còn 50% chưa bị san ủi. Trong trường hợp này, những phần còn lại phải yêu cầu công ty xây dựng dừng thi công ngay để khai quật khảo cổ tiếp chứ không thể vừa thi công vừa xem có cổ vật không thì báo cáo như kiến nghị của Sở”.

Đáng chú ý, vị này cho rằng, công văn của Sở VHTT Hà Nội là sai vì biết rất rõ khu vực này có di tích, di vật rồi. Đơn vị san lấp ủi cả hố khai quật khảo cổ. “Theo Luật thì phải dừng thi công từ lâu. Công văn này thực chất vẫn “tiếp tay” cho chủ đầu tư thi công trên vùng có di chỉ khảo cổ, tức là phá hoại di tích. Hơn nữa, làm sao nhà đầu tư thi công mà lại phát hiện “bảo vật quốc gia” ở dưới lòng đất?”, ông nói.

img

Tuyến đường vành đai 3.5 đang được thi công chạy cận kề chân gò Vườn Chuối, cách vùng lõi chỉ khoảng 50m. 

Như Dân Việt đưa tin, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ VHTTDL đã trả lời Dân Việt xung quanh việc di chỉ Vườn Chuối bị xâm phạm nghiêm trọng.

Theo ông Trần Đình Thành, sau khi Bộ VHTTDL có Quyết định 1470/QĐ-BVHTTDL về việc cho phép thăm dò, khai quật khảo cổ di chỉ Vườn Chuối, các nhà khảo cổ đã có đánh giá giá trị của di chỉ Vườn Chuối, thì Cục Di sản văn hóa nhận được thông tin Mỏ Phượng, gò Dền Rắn đang bị chủ đầu tư san ủi đất làm đường nội bộ cho khu đô thị. Ngay lập tức Cục đã chủ động mời Viện Khảo cổ, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cùng xuống kiểm tra thực tế, và thấy rằng đã có sự đổ đất, san đất tại Mỏ Phượng.

“Tôi cho rằng, ý thức của UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Kim Chung, Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) quá kém và đã thực hiện không nghiêm các quy định pháp luật về di sản văn hoá. Đặc biệt, sau khi có ý kiến tại Hội thảo Báo cáo kết quả thăm dò, khai quật Khảo cổ học di chỉ Vườn Chuối năm 2019 là phải có sự tham gia của ngành văn hoá, thế nhưng chính quyền địa phương đã không thông báo với ngành văn hoá, tôi cho là ý thức của họ quá kém”, ông nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem