Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Phát huy giá trị đa dụng của rừng, khai thác những giá trị tiềm ẩn (bài 7)

Khánh Nguyên (ghi) Thứ ba, ngày 05/12/2023 07:23 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Quang Bảo (ảnh) - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) khẳng định, việc phát huy giá trị đa dụng của rừng là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, cũng là giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.
Bình luận 0
Phát huy giá trị đa dụng của rừng, khai thác những giá trị tiềm ẩn - Ảnh 1.

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT).

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành lâm nghiệp hiện nay đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu?

- Những năm qua, ngành lâm nghiệp đã có những đóng góp vô cùng quan trọng với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia; cùng với đó đã chủ động, tích cực tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Không những thế, ngành lâm nghiệp còn góp phần tạo sinh kế, thu nhập ổn định cho người dân. Đến nay, ước tính có khoảng 25 triệu người, với trên 12 triệu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng hàng ngày thực hiện hoạt động hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng. Ngoài ra hoạt động lâm nghiệp còn được thực hiện tại các khu công nghiệp chế biến lâm sản, các làng nghề sử dụng các nguyên liệu từ rừng để chế biến lâm sản.

Phát huy giá trị đa dụng của rừng, khai thác những giá trị tiềm ẩn - Ảnh 2.

Du khách khám phá vẻ đẹp tự nhiên của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng).

Năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 17,09 tỷ USD, xuất siêu đạt 14,07 tỷ USD. 11 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 12,97 tỷ USD, xuất siêu 10,98 tỷ USD.

Trong giai đoạn tới, theo định hướng của Bộ NNPTNT, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu, kiến nghị các giải pháp để xã hội hóa thu hút các nguồn lực tham gia trồng rừng bởi dư địa phát triển vẫn còn rất lớn.

Như chúng ta đã biết, trong tổng số 14,79 triệu ha rừng hiện có, ít nhất 7 triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo giữ gìn môi trường sinh thái, phòng tránh thiên tai, trong 8 triệu ha còn lại thì có khoảng 4 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên cũng đang đóng cửa để phục hồi. Dư địa để sản xuất lâm nghiệp đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ nằm ở khoảng 4 triệu ha rừng trồng.

Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu gỗ về chế biến thì nay đã gần như tự chủ được đến 75% gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến của các doanh nghiệp trong nước. Thành tựu này có được là nhờ công tác giống lâm nghiệp ngày càng được cải tiến, Việt Nam hiện là nước hàng đầu về sản xuất giống keo lai.

Theo đánh giá của chúng tôi, nhiều địa phương ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên còn quỹ đất lớn, dư địa để phát triển rừng trồng gỗ lớn. Tuy nhiên, có một thực tế là hạ tầng lâm nghiệp ở những vùng này còn hạn chế, việc vận chuyển từ vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến còn khó khăn đã đẩy chi phí, giá thành lên quá cao.

Do vậy, chúng tôi kiến nghị Nhà nước dành nhiều quan tâm đến đầu tư hạ tầng lâm nghiệp, rút ngắn khoảng cách từ nhà máy đến vùng nguyên liệu, phát triển các khu chế biến lâm sản quy mô lớn, công nghệ cao. 

Trong định hướng quy hoạch phát triển lâm nghiệp quốc gia đều đặt ra mục tiêu hình thành các khu lâm nghiệp công nghệ cao, khu chế biến để tạo động lực cho người dân trồng, phát triển và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, để tạo thúc đẩy vùng nguyên liệu, tạo động lực cho người dân bằng những chính sách ưu đãi phát triển trồng rừng gỗ lớn, tăng định mức đầu tư phát triển, bảo vệ rừng để đảm bảo người dân có cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế từ rừng.

Phát triển giá trị đa dụng của rừng đang là một cách tiếp cận mới mà ngành lâm nghiệp triển khai. Theo ông, phát triển giá trị đa dụng của rừng nên hiểu theo cách nào để góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, sinh thái và bền vững?

- Có thể nói, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế của thế giới về phát huy các giá trị đa dụng của rừng, giảm thiểu khai thác giá trị trực tiếp, phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng như: dịch vụ lưu giữ và hấp thụ carbon rừng, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng từ rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu quý dưới tán rừng...

Nhờ thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên nên có thể khẳng định hệ sinh thái rừng vẫn còn được bảo vệ tương đối nguyên vẹn trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia. Do vậy, việc phát huy giá trị đa dụng của rừng là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, cũng là giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.

Điều này có thể thấy rất rõ qua việc thu dịch vụ môi trường rừng, hiện việc thu dịch vụ môi trường rừng đã đạt khoảng 3.700 tỷ đồng, ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên nơi có nhiều hệ thống thủy điện bậc thang, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao thu nhập cho các công động, người dân tham gia trực tiếp bảo vệ rừng, góp phần quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, trong điều kiện ngân sách Nhà nước đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng còn hạn hẹp.

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Phát huy giá trị đa dụng của rừng, khai thác những giá trị tiềm ẩn (bài 7) - Ảnh 3.

Người dân các dân tộc bản địa sống gần Vườn quốc gia Cúc Phương tham gia các hoạt động du lịch sinh thái. Ảnh: Cúc Phương.

Để khai thác giá trị đa dụng của rừng, việc khai thác các giá trị về du lịch sinh thái là hướng ưu tiên của chúng tôi; bên cạnh đó là các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, nông - lâm kết hợp, tham mưu xây dựng các chính sách việc chi trả tín chỉ carbon rừng để cộng đồng, người dân, các chủ rừng có động lực trong việc bảo vệ, phát triển rừng.

Thực tế, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã ký giữa Việt Nam (Bộ NN&PTNT) và Ngân hàng thế giới đối với 6 tỉnh Bắc Trung bộ giai đoạn 2018-2024. Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng thế giới với tổng giá trị là 51,5 triệu USD, tương ứng 1.200 tỷ đồng.

Ý định thư về mua bán giảm phát thải ký kết giữa Việt Nam (Bộ NN&PTNT) và Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Emergent - cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn (tương đương 51,5 triệu USD) cho giai đoạn 2022-2026.

Việc chuyển nhượng, thương mại tín chỉ carbon rừng sẽ huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Để phát huy những giá trị đa dụng của rừng, trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp sẽ tham mưu, đề xuất những giải pháp gì, thưa ông?

- Trong thời gian tới, để xã hội hóa nghề rừng, phát huy giá trị đa dụng của rừng, trong Luật Đất đai sửa đổi đang trình Quốc hội xem xét, Bộ NNPTNT có đề xuất sửa đổi một số điều như cho phép thuê môi trường rừng để trồng dược liệu.

Bộ NNPTNT cũng tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ dự thảo nghị định một số chính sách đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có đề xuất nâng định mức hỗ trợ người dân bảo vệ rừng. Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến lớn cho các chính sách đầu tư, phát triển rừng cũng như thu hút các doanh nghiệp trong chế biến lâm sản.

Chúng tôi cũng đang đề xuất sửa đổi một số điều của Nghị định 156 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó đề cập đến 2 lĩnh vực quan trọng, một là về phát triển du lịch sinh thái, quy định phát triển du lịch, nghỉ dưỡng trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để vừa phát huy giá trị vừa thu hút nguồn lực cộng đồng, người dân, chủ rừng đầu tư bảo vệ, phát triển rừng. 

Hai là phát triển các loại hình chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ lưu giữ và hấp thụ carbon rừng, nhằm huy động thêm nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem