Cảm cúm là bệnh thường gặp lúc tiết trời chuyển mùa, khoảng từ cuối năm kéo sang đầu xuân. Sự thay đổi nóng, lạnh đột ngột của thời tiết khiến cơ thể không thể kịp tự điều tiết để kịp thích ứng nên dễ dẫn đến sức đề kháng bị yếu đi. Thêm vào đó, do trời lạnh, mọi người thích đóng cửa sổ, lại càng tạo điều kiện cho virus cúm phát triển.
Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy, có đến hơn 90% người bị cảm cúm ít nhất mỗi năm một lần. Như vậy, tất cả mọi người đều có nguy cơ bị cảm cúm, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ. Bệnh cảm do siêu vi khuẩn (virus) gây ra và lây truyền trong không khí khi: nói chuyện, nhảy mũi, ho, thở... Khi đó các virut cúm sẽ tấn công vào đường hô hấp và cổ họng.
Khi bị bệnh cảm cúm sẽ có cảm giác đau ở họng, đó là nơi đầu tiên virut cúm xâm nhập vào. Các biểu hiện tiếp theo là chảy nước mũi nhiều và liên tục, đau đầu, chóng mặt và sốt .Triệu chứng xảy ra từ 1 đến 4 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Người mắc bệnh cúm thường bị tăng nhiệt, đau đầu, đau cổ họng, đau nhức khắp cơ thể, ho, mệt mỏi. Cúm cũng có thể nhập vào làm viêm phổi, viêm cơ, tấn công hệ thần kinh.
Điều quan ngại là loại vi rút này luôn luôn đột biến gen, do đó rất khó khăn trong phòng ngừa và điều trị. Hệ miễn nhiễm trong cơ thể chúng ta là vũ khí tốt nhất chống lại các loại vi rút này.
Do đó việc chích ngừa cúm không có nghĩa là sẽ miễn nhiễm 100% với cúm, mà vẫn có khả năng bị cúm, nhưng sẽ giảm thiểu được việc cúm trở nặng và sẽ mau chóng khỏi hơn nếu có chủng ngừa..
Với những người có nguy cơ cao hoặc sống chung hay chăm sóc cho những người có nguy cơ bị cúm thì nên chích ngừa cúm. Nên chú ý luyện tập nâng cao sức khỏe để có một sức đề kháng tốt cho cơ thể và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý khi bị cúm.
Nên uống nhiều nước hoặc nước trái cây, súp, trà nóng hoặc xông hơi để mau khỏi bệnh, tránh hút thuốc, không nên tiếp xúc với người khác và trẻ nhỏ, vì bệnh rất dễ lây lan qua không khí. Nên mặc áo ấm, nghỉ ngơi và có chế độ ăn uống hợp lý để cơ thể có đầy đủ năng lượng chống lại bệnh.
Nhưng nguy hiểm vẫn là loại cúm A/H5N1, bởi là loại có độc lực rất cao. Do đó, cần hiểu được triệu chứng và cách phòng ngừa để hạn chế tỉ lệ tử vong.
Khi bị nhiễm virus cúm gà có một số biểu hiện như sốt cao, khó thở, có các dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp (ho, sổ mũi), tổn thương phổi, diễn tiến nặng có thể dẫn đến tử vong. Điều đáng lo ngại là virus cúm gà vào cơ thể người có thể kết hợp với các loại virus cúm khác tạo thành chủng loại virus cúm mới nguy hiểm hơn.
Theo tổ chức Y tế thế giới, chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:
- Áp dụng “ba không”: không ăn – không nuôi – không mua bán vận chuyển các loại chim và gia cầm, bao gồm cả chim cảnh, chim phóng sinh, các loại chim hoang dã và các sản phẩm của gia cầm như lông, trứng.
- Tiêu hủy toàn bộ gia cầm theo đúng hướng dẫn của ngành y tế và thú y địa phương. Sau khi tiêu hủy gia cầm, cần làm vệ sinh chuồng trại và nhà cửa, vật dụng bằng cách phun hay lau bằng dung dịch Chloramin B có bán ở nhà thuốc, hoặc do đội vệ sinh phòng dịch địa phương cung cấp.
Biện pháp vệ sinh phòng chống bệnh lây qua đường hô hấp:
- Tránh tiếp xúc với người bệnh, tránh đến vùng có dịch bệnh, nếu phải tiếp xúc thì giữ khoảng cách 1 – 1,5m. Mang khẩu trang y tế (bán tại các cửa hàng trang thiết bị y tế) khi tiếp xúc với gà hay người bị bệnh.
- Rửa tay và vệ sinh thân thể với nước và xà phòng sau tiếp xúc.
- Dùng khăn che miệng, mũi khi ho, hắt hơi.
- Không đưa tay vào miệng, mũi, mắt.
- Nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.
- Giữ cơ thể khỏe mạnh, ăn uống điều độ, tập thể dục để tăng cường đề kháng bảo vệ cơ thể. Nhỏ mũi họng bằng các thuốc sát khuẩn, uống vitamin C. Khi mắc bệnh cảm cúm cần nghỉ ở nhà, uống nhiều nước, nhất là nước trái cây, không uống rượu, hút thuốc và đến cơ sở y tế để khám bệnh sớm.
Mặt khác cần phải bổ sung cho cơ thể đủ các chất cũng như thực hiện các yêu cầu:
- Bổ sung kẽm: Nghiên cứu cho thấy uống kẽm (có thể là dạng viên ngậm, viên nén, siro) ngay ngày đầu có các triệu chứng cảm có thể giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh. Thường xuyên bổ sung chất này cũng giúp làm giảm nguy cơ mắc cúm.
- Thư giãn: Khi căng thẳng, hệ thống miễn dịch của bạn suy giảm trước sự tấn công của virus và vi khuẩn. Đó là lý do các nhà nghiên cứu tại đại học Wisconsin (Mỹ) thành lập nên một thiền quán nhằm giúp các thành viên tham gia giảm tỷ lệ và thời gian mắc cảm lạnh xuống 35 – 60%.
- Uống nhiều nước: Nước giúp giữ ẩm cho mũi, vì vậy có thể loại bỏ những hạt nhỏ li ti có chứa vi khuẩn.
- Súc miệng thường xuyên: Có bằng chứng cho thấy súc miệng với nước vài lần trong ngày khi bị cảm cúm có thể giúp giảm bệnh.
- Bổ sung probiotic: Kết quả một nghiên cứu gần đây khẳng định, bổ sung probiotic (vi khuẩn thân thiện) có thể rút ngắn thời gian bị cảm lạnh 4-6 ngày, làm các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn 1/3.
- Thử dùng thảo dược: Cũng như kẽm, một số cây thuốc có khả năng giúp giảm triệu chứng, số ngày mắc cảm cúm nếu sử dụng nó ngay khi có những dấu hiệu bệnh đầu tiên. Cụ thể một loại cây có tên khoa học là Pelargonium sidoides (quỳ thiên trúc) được chứng minh có khả năng điều trị ho và các bệnh đường hô hấp.
- Bổ sung vitamin D: Không phải ngẫu nhiên mà cảm cúm tăng mạnh trong những tháng có ít ánh nắng mặt trời nhất. Nghiên cứu cho thấy sử dụng 800 – 1000IU vitamin D mỗi ngày cho người lớn trong suốt mùa lạnh có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và giúp nhanh hồi phục hơn.
- Ngưng tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất giúp tránh vi khuẩn, các nghiên cứu khẳng định. Nhưng khi bị cảm cúm, nên nghỉ ngơi. Và cần lắng nghe cơ thể mình, đừng cố gắng tập luyện nếu thấy mệt mỏi.
- Hít hơi tỏi: Một số bằng chứng cho thấy tỏi có khả năng giúp tránh cảm lạnh, hãy cho thêm tỏi trong khẩu phần ăn bữa tối của mình.
- Ngủ: Giấc ngủ thúc đẩy chức năng miễn dịch của cơ thể và đôi khi cảm lạnh có thể là dấu hiệu cho thấy bạn không ngủ đủ trong thời gian gần đây. Một nghiên cứu cho thấy những người ngủ dưới 7 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị cảm lạnh cao gấp ba lần những ai ngủ đủ 8 tiếng trở lên.
B.S HOÀNG XUÂN ĐẠI
Vui lòng nhập nội dung bình luận.