Cung ứng DVMTR, dân được hưởng lợi kép

Lê Kiến Thứ sáu, ngày 10/05/2019 14:21 PM (GMT+7)
Sau gần 10 năm triển khai chính sách chi trả DVMTR, người dân Kon Tum đã không còn tâm thế trông chờ ỉ lại, thay vào đó là chủ động bảo vệ rừng để hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ nguồn tiền cung ứng dịch vụ và lâm sản phụ từ rừng. 
Bình luận 0

DVMTR giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nói về chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (QBV&PTR) tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Sau gần 10 năm chính sách đi vào hoạt động, nếp nghĩ và cách làm của người dân đã thay đổi rõ rệt. Từ chỗ ban đầu người dân có tâm lý ỷ lại “muốn hưởng mà không làm”, thì nay bà con đã ý thức được việc bảo vệ rừng chính là làm dịch vụ, cung ứng dịch vụ tốt thì được hưởng tiền cao.

Cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng sẽ hưởng lợi rất lớn từ rừng. So với trước đây khi chưa có chính sách chi trả DVMTR, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, lấy gỗ diễn ra phức tạp rất khó quản lý nhưng nay đã giảm hẳn, nhiều địa phương không còn xảy ra phá rừng. Minh chứng là ở nhiều địa phương, các cộng đồng dân cư đã dần tự giác thành lập nhiều mô hình hay về quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng rất hiệu quả”.

img

         Người dân xã Ya Xiêr tham gia tập huấn bảo vệ rừng và thảo luận về mô hình sinh kế. Ảnh: L.K

Hiện nay, nhiều cộng đồng dân cư ở các thôn, làng của các huyện như: Đắk Glei, Đắk Hà, Tu Mơ Rông… đã làm rất tốt, người dân tự thành lập các tổ bảo vệ rừng và có sự phân công, nhắc nhở nhau tuần tra bảo vệ rừng không bị xâm phạm. Gần đây nhất, tại xã Đắk Pxi (huyện Đắk Hà), Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng mạnh dạn thành lập mô hình “Phụ nữ tham gia quản lý bảo vệ rừng”. Nhờ bảo vệ rừng tốt nên số tiền nhận được từ việc cung ứng DVMTR cũng tăng cao, góp phần thay đổi bộ mặt thôn làng.

Theo ông Hồ Thanh Hoàng- Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Kon Tum, nguồn kinh phí chi trả DVMTR thường được các cộng đồng chia ra sử dụng theo 3 phần chính: Thứ nhất là dành cho việc tuần tra, bảo vệ rừng (chiếm khoảng 40%); Hai là sử dụng việc chung của cộng đồng thôn và còn lại dùng để cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sinh kế.

Người dân đi tuần tra rừng được hỗ trợ chi phí ngày công, xăng xe và các khoản phí sửa chữa nhà rông, kéo dây điện thắp sáng đường làng ngõ xóm… đều sử dụng từ tiền DVMTR, không còn tư tưởng trông chờ vốn Nhà nước. Hiệu quả thiết thực nhất là nguồn tiền DVMTR còn được dành cho các hộ nghèo vay vốn làm ăn và luân chuyển cho nhiều hộ khác cùng nhau thoát nghèo. Vì thế số vốn tích lũy của các cộng đồng thôn năm sau luôn cao hơn năm trước và nhiều hộ nghèo được hưởng lợi theo.

img

    Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Hà tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn. Ảnh: L.K

Chia sẻ về việc sử dụng nguồn vốn DVMTR sao cho hiệu quả, chị Y Vân – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đắk Pxi (huyện Đắk Hà) nói hóm hỉnh: “Trước đây, việc nhận tiền chi trả DVMTR đều do các ông chồng nhận hết, nhiều ông nhận tiền về không đưa ngay cho vợ mà ra quán nhậu hoặc “ém” làm của riêng. Việc này phụ nữ chúng tôi thấy không công bằng nên quyết tâm đăng ký nhận khoán cùng chồng.

Sau đó, thấy đa số chị em đều đồng lòng, quan tâm đến công tác bảo vệ rừng nên Hội mạnh dạn thành lập mô hình phụ nữ giữ rừng và được đông đảo chị em tham gia, phân công nhau làm việc. Phụ nữ đi tuần tra rừng so với đàn ông cũng có lợi lớn, vừa kiểm tra rừng, vừa tận dụng thời gian rảnh hái rau rừng, măng đem về bán có thêm thu nhập. Cũng nhờ nguồn tiền DVMTR mà nhiều hộ nghèo được vay vốn để sản xuất vượt qua khó khăn”.

Ông Phạm Ngọc Nhẫn – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Hà cho biết: “Giờ giao rừng cho cộng đồng quản lý là rất an tâm, người dân đã có ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng rất tốt. Năm 2018, chúng tôi giao cho các cộng đồng dân cư thôn ở 4 xã nhận khoán hơn 12.000ha nhưng chỉ để xảy ra 1 vụ phá rừng làm rẫy. Chính nhờ hiệu quả thiết thực từ công tác nhận khoán rừng là động lực lớn giúp bà con gắn bó với công tác bảo vệ rừng hơn”.

Cán bộ Quỹ BV&PTR tỉnh Kon Tum kiêm “chuyên gia sinh kế”

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum, toàn tỉnh hiện có khoảng 568.000 ha rừng (chưa tính cây cao su, cây đặc sản), trong đó có hơn 360.000 ha cung ứng DVMTR do 22 đơn vị, tổ chức; 74 UBND xã, thị trấn và gần 3.600 hộ gia đình, 34 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao bảo vệ. Năm 2017, thu nhập trung bình của 1 hộ gia đình, cá nhân là 5.186.000 đồng, thu nhập trung bình của 1 cộng đồng dân cư thôn là 53.936.000 đồng; Năm 2018 thu nhập trung bình của 1 hộ gia đình, cá nhân là 8.789.373 đồng, thu nhập trung bình của 1 cộng đồng dân cư thôn là 88.389.000 đồng.

Năm 2018, Quỹ BV&PTR Kon Tum đã tổ chức 50 Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR với hơn 5.300 lượt người tham gia. Đồng thời tổ chức 6 hội nghị hỗ trợ đánh giá cách quản lý, sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế và 3 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho Quỹ BV&PTR cấp xã. Cùng với đó là nhiều chương trình truyền thông lồng ghép “đồng hành cùng em đến trường” đã góp phần nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh vùng có diện tích rừng cung ứng DVMTR. Mặt khác, hoạt động tuyên truyền thông qua các cơ quan báo đài đã mang lại hiệu ứng tích cực trong nhận thức người dân.

Theo ông Hồ Thanh Hoàng- Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Kon Tum, năm nay hoạt động của Quỹ BV&PTR tỉnh Kon Tum tiếp tục thực hiện 3 nội dung chính, gồm: Truyên truyền chính sách chi trả DVMTR với 59 hội nghị cấp xã; Quản lý bảo vệ rừng và hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền DVMTR hiệu quả thông qua các mô hình sinh kế. Quan trọng là việc tuyên truyền không chỉ đơn thuần nói về chính sách, vì như thế sẽ nhàm chán, không thu hút người dân. Thay vào đó, người dân tham gia các buổi tập huấn đều được lồng ghép, hướng dẫn làm các mô hình sinh kế phù hợp với từng địa phương. Người dân không chỉ nghe nói mà con được tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng nhưng nói lên tâm tư của mình.

Ông Hoàng chia sẻ thêm, “để dân nghe, dân hiểu, dân tin và làm theo” thì cán bộ của Quỹ BV&PTR tỉnh Kon Tum không chỉ thành thạo về chuyên môn mà còn phải am hiểu về các mô hình nông lâm nghiệp và không ngừng tìm tòi, học hỏi để tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm theo sinh kế phù hợp nhất. Mục tiêu của chương trình là làm sao cho người dân dùng nguồn tiền DVMTR một cách khoa học, hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo và ngăn chặn mất rừng. Việc thực hiện kế hoạch, cán bộ của Quỹ BV&PTR tỉnh Kon Tum cũng chịu áp lực rất lớn, bởi nếu các địa bàn phụ trách để xảy ra mất rừng mà không hay biết, vẫn thực hiện chi trả tiền DVMTR thì sẽ bị xử lý nghiêm.

“Năm 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình “đồng hành cùng em đến trường”, in thông điệp về chính sách chi trả DVMTR lên 400.000 cuốn vở để tặng cho học sinh ở những vùng có diện tích rừng cung ứng DVMTR. Mục đích nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân, không chỉ giúp học sinh nhận biết và nâng cao ý thức bảo vệ rừng, mà các thầy cô, phụ huynh cũng có góp phần không nhỏ. Đồng thời, để đảm bảo việc chi trả tiền DVMTR được minh bạch và hiệu quả, chúng tôi cũng tiến hành mở tài khoản ngân hàng chuyển tiền trực tiếp cho 100% hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao đất, giao rừng”, ông Hoàng nói.

Theo báo cáo mới đây của Quỹ BV&PTR Kon Tum gửi UBND tỉnh Kon Tum và Quỹ BV&PTR Việt Nam thì “vẫn còn tình trạng một số đơn vị chây ỳ chưa nộp tiền hoặc chấp hành còn chậm so với quy định, dẫn đến nợ đọng tiền DVMTR và trồng rừng thay thế còn kéo dài”. Đồng thời đề nghị Chính phủ ban hành quy định về việc xử lý đối với các chủ đầu tư có dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng không chấp hành nộp tiền trồng rừng thay thế và các đơn vị sử dụng dịch vụ không chấp hành nộp tiền lãi phát sinh do chậm nộp tiền theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem