Trong những năm qua, những định hướng lớn về phát triển nông nghiệp, nông thôn Thái Bình đã từng bước được thực hiện. Đặc biệt với việc triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, diện mạo nông nghiệp, nông thôn Thái Bình đã có cuộc bứt phá mới.
Quyết liệt trong chỉ đạo
Từ khi bắt tay thực hiện chương trình XDNTM, có lẽ ít tỉnh có sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền như Thái Bình. Trong các hội nghị, hội thảo mối quan tâm lớn đều tập trung vào việc tìm giải pháp cho XDNTM. Các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cấp huyện, xã đều có chung mối lo tìm nguồn lực cho XDNTM.
Lãnh đạo T.Ư thăm mô cánh đồng màu cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ) (Tư liệu)
Trên cơ sở Nghị quyết 07 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 10) và các hướng dẫn của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, ngày 28.4.2011, Tỉnh ủy Thái Bình đã có Nghị quyết 02-NQ/TU về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó đã đề ra mục tiêu, lộ trình và cả những giải pháp thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM.
Tiếp đó, nhiều Nghị quyết của Tỉnh uỷ về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, dồn điền đổi thửa, phát triển làng nghề, đẩy nhanh công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn, phát triển kinh tế tập thể, xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới... đã được triển khai. Để nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, từng bước cải thiện, nâng cao mức sống nông dân, Thái Bình đang quyết tâm đẩy nhanh tiến trình XDNTM, phấn đấu trở thành tỉnh công - nông nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG XDNTM tỉnh Thái Bình, cho biết: Tỉnh Thái Bình đã ban hành các cơ chế chính sách, kịp thời điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với điều kiện của tỉnh, nhất là cơ chế trong quản lý và hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Cơ chế chính sách đồng bộ trong hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng NTM tạo nên bước đột phá, thu hút được một lượng khá lớn nguồn lực đối ứng của địa phương, cộng đồng dân cư, là động lực khơi dậy các nguồn lực, khắc phục khó khăn và tâm lý trông chờ cấp trên, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua XDNTM ở tất cả các địa phương trong tỉnh.
Sự quyết liệt của Thái Bình thể hiện ở chỗ giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng thanh viên Ban chỉ đạo NTM cũng như các ủy viên trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, các tỉnh ủy viên và lãnh đạo các sở, ngành. Các cá nhân sau khi được phân công phải chịu trách nhiệm về địa phương mình phụ trách, có báo cáo định kỳ. Xây dựng NTM không còn là việc của ngành nông nghiệp hay của cấp xã, thôn mà là sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở Thái Bình.
Người dân vào cuộc
Khởi đầu cho XDNTM của Thái Bình là việc chọn 8 xã làm mô hình điểm chỉ đạo. Mỗi huyện, thành phố cũng chọn từ một đến 2 xã làm điểm. Từ huyện tới xã đều xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu cụ thể, phân công cán bộ trực tiếp phụ trách, kiểm tra, đôn đốc XDNTM ở từng cơ sở, lấy kết quả XDNTM để đánh giá cán bộ, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi. Sau 5 năm XDNTM, Thái Bình đã có 165 xã đạt chuẩn NTM, vượt mục tiêu đề ra và được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước.
Để có được bước tiến vượt bậc trong XDNTM, theo ông Nguyễn Xuân Dương, bên cạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức của đảng bộ và chính quyền địa phương, một động lực quan trọng không thể thiếu đó là Thái Bình đã phát huy được nội lực, sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của người dân.
Mô hình trồng giống khoai tây sạch bệnh ở xã Trọng Quan (Đông Hưng - Thái Bình) (Tư liệu)
Ở xã Đông Các (huyện Đông Hưng), vai trò, ý nghĩa của sức dân đã được thể hiện một cách sinh động trong suốt lộ trình XDNTM. Từng được đánh giá là 1 trong 8 xã khó khăn nhất huyện Đông Hưng, năm 2013, Đông Các mới đạt 11 tiêu chí NTM.
Vì vậy, xã đã đặt ra quyết tâm phải hoàn thành 3 tiêu chí trong năm 2014, trong đó có tiêu chí khó nhất là giao thông nông thôn. Theo ông Phạm Văn Quảng - Chủ tịch UBND xã, để tạo nguồn lực, Đông Các xác định phải tích cực vận động người dân tham gia, xã còn thành lập ban liên lạc để tổ chức những cuộc vận động con em xa quê đóng góp cho quê hương.
Không chỉ ủng hộ về tiền mặt, con em xa quê còn tự đứng ra đảm nhận thi công một số tuyến đường, chia sẻ phần việc với nhân dân và chính quyền địa phương. Đến cuối năm 2014, xã đã hoàn thành trên 21,8km đường giao thông. Các công trình hạ tầng cơ sở được sửa chữa, xây mới khang trang và đến cuối năm 2015, Đông Các đã đạt chuẩn NTM.
Nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân, ở tỉnh Thái Bình việc huy động sức dân tập trung chủ yếu ở các công trình như đường nhánh cấp một trục thôn, đường trục thôn, nội đồng, kênh cấp một loại ba… Còn hầu hết đường trục xã, trường học, trạm y tế dùng ngân sách các cấp.
Một cách làm sáng tạo khác trong XDNTM ở Thái Bình là cộng đồng dân cư thành lập Ban kiến thiết, lập khái toán tổng kinh phí rồi rà soát con em quê hương có điều kiện kinh tế vận động ủng hộ, sau khi cân đối thiếu bao nhiêu sẽ chia khẩu đóng góp. Thực tế, qua cách thức này có nơi người dân chỉ phải đóng góp 50.000 đồng/khẩu.
Để tạo đột phá, từ năm 2013, tỉnh Thái Bình đã ban hành cơ chế dân tự làm, chính quyền định hướng và chủ trương hỗ trợ xi măng. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã mua 1 triệu tấn xi măng theo phương thức trả chậm để hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh xây dựng hạ tầng nông thôn. Đây thật sự là cú hích, thúc đẩy phong trào XDNTM phát triển sâu rộng, tạo khí thế mới.
Kỳ vọng vào tái cơ cấu nông nghiệp
Cùng với nỗ lực đầu tư hạ tầng nông thôn, tỉnh Thái Bình cũng coi trọng đến các tiêu chí thúc đẩy phát triển sản xuất. Trước khi thực hiện XDNTM, Thái Bình đã tiến hành dồn điền đổi thửa (DĐĐT) từ năm 2007 và đến hết tháng 6.2013, có 99,6% số xã trong tỉnh đã hoàn thành DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng, vượt kế hoạch đề ra. Sau DĐĐT, Thái Bình đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với 143 cánh đồng mẫu có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp; 99 xã đã quy hoạch 137 khu chăn nuôi tập trung với trên 700 trang trại, 1.600 gia trại, trong đó có 69 trang trại quy mô lớn. Tỉnh còn hỗ trợ các địa phương hơn 153 tỷ đồng mua gần 3.500 máy móc, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT và lãnh đạo tỉnh kiểm tra mô hình chuyển đổi sản xuất xen canh màu tại huyện Quỳnh Phụ (Tư liệu)
Hiện nay, Thái Bình đang xây dựng đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, nhằm điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho hộ nông dân thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, tăng quy mô hộ sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa các tác nhân, nhất là giữa doanh nghiệp và hộ nông dân.
Đề án cũng chỉ ra 4 nhóm giải pháp đột phá: tăng quy mô đồng ruộng, tiến lên nền sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; phát triển khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, coi đây là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp; đột phá cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư cả trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Các bài học kinh nghiệm của Thái Bình
Một là, làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về XDNTM theo tinh thần người dân là chủ và làm chủ; huy động nội lực là chính.
Hai là, coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở.
Ba là, mỗi địa phương có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng địa phương, tránh rập khuôn, máy móc.
Bốn là, đa dạng hoá việc huy động nguồn lực. Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch.
Năm là, cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thúc đẩy thực hiện chương trình.
(Nguồn: Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thái Bình)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.