Ớt chết lụi hàng loạt
Hơn 5 năm trở lại đây, cây ớt được xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy đưa vào cơ cấu giống cây trồng nông nghiệp chính trong vụ đông, góp phần mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, đến vụ đông năm 2014 này, lại không được như mong muốn, mới ngay đầu vụ xuống giống, hơn 50ha ớt trồng bỗng nhiên vàng lá, chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.
Đang lúi húi nhổ bỏ ớt chết, ông Nguyễn Duy Tăng (70 tuổi) ở thôn Thanh Lương, xã Thái Nguyên buồn rầu bảo: “Thê thảm quá, gia đình tôi có 2 sào ớt mà trồng đi trồng lại đến 5 lần, tiền vốn bỏ ra cả chục triệu đồng (gồm giống, phân, thuốc trừ sâu...) mà ớt vẫn cứ chết lụi đi”. Vừa giãi bày, ông vừa cầm cây ớt chết mới nhổ lên nói:
“Cũng như mọi năm, gia đình tôi vẫn mua giống ớt giống chỉ thiên “Hai mũi tên đỏ” của Công ty TNHH East-West Seed có trụ sở trong tỉnh Bình Dương về trồng, nhưng xuống giống trồng được mấy ngày ớt giống bắt đầu có biểu hiện lạ như vàng rồi rụng hết lá, thân cây cứ chết khô dần, dù 2 vợ chồng tôi đã chạy khắp nơi hỏi, đi mua các loại thuốc trừ sâu về phun cũng không cứu được”.
Ông Nguyễn Duy Tăng (70 tuổi) chỉ cho phóng viên xem cây ớt chết do bệnh lạ tại khu ruộng của gia đình ở thôn Thanh Lương, xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Không chỉ khu đồng của thôn Thanh Lương mới xuất hiện tình trạng ớt chết hàng loạt, mà tại khu đồng của 2 thôn Thanh Bằng và Ngọc Thịnh, tình trạng ớt chết có vẻ nặng hơn. Tại đây, khi phóng viên đến khảo sát, nhìn đâu cũng thấy la liệt vỏ, lọ, bao bì thuốc trừ sâu, tại các ruộng có 5-6 nông dân đều đang đeo bình, chăm chú phun thuốc trừ sâu. Ông Bùi Văn Việt ở thôn Thanh Bằng cho biết, nhà trồng gần 3 sào ớt, cũng không thoát khỏi cảnh “trồng đi, giặm lại” 5 lần, khiến vốn đầu tư bị đội lên hơn 10 triệu đồng (trong đó nhiều nhất là tiền thuốc trừ sâu và cây giống). Ông Việt nói: “Năm nay ở xã, cứ hộ nào thắng vụ ớt 2013, lao đầu vào làm lớn trong vụ đông 2014 này thì đều chịu cảnh thê thảm như tôi cả đấy”.
Ông Việt cho biết thêm, tính ra, cả xã có đến hàng trăm hộ, đầu tư lớn cả chục triệu đồng đều phải nhổ đi, trồng mới lại nhiều đến 5-6 lần, hộ ít cũng 2- 3 lần, đến nay, một số diện tích còn lại dù đã có quả nhưng cũng đều đang có hiện tượng vàng lá, lụi chết dần đi.
Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, không chỉ riêng nông dân ở xã Thái Nguyên chịu thiệt hại nặng, mà nông dân ở một số xã lân cận của huyện Thái Thụy như Thái An, Thái Học... cũng không tránh khỏi tình trạng trên.
Ông Tạ Văn Toán – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Thái An cho biết: Với trên 10ha ớt được đưa vào cơ cấu cây trồng vụ đông năm 2014 đều xuất hiện tình trạng vàng lá, chết khô cây, tuy nhiên, chỉ có trên 50% số diện tích trên bị chết nặng nhất, nhiều nông dân phải trồng giặm mới đến 3-4 lần vẫn không tránh được để ruộng trống.
Không có hỗ trợ
Ông Đàm Văn Đương – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Thịnh cho biết: “Theo kế hoạch, trong vụ đông 2014 này, toàn xã sẽ triển khai trồng trên diện tích 368ha, trong đó, hành, tỏi khoảng 54ha, tiếp đó là cây ớt (giống chỉ thiên của Công ty TNHH East-West Seed), giống này chiếm trên 70% và ớt của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Điền...
Tuy nhiên, chỉ có diện tích hành, tỏi và các cây rau màu khác phát triển tốt, còn lại cây ớt từ ngay sau khi bắt đầu trồng đã xuất hiện tình trạng bệnh lạ, chết lụi hàng loạt.
Theo ông Đương, với diện tích 52ha (chiếm 100%), ớt trồng đều xảy ra tình trạng chết, song, chỉ có trên 45ha (chiếm trên 80%) diện tích với trên 200 hộ bị thiệt hại nặng nhất với số tiền có thể lên đến gần 4 tỷ đồng.
Lý giải thêm về nguyên nhân dẫn đến ớt chết, ông Đương cho biết, theo nguyên nhân ban đầu có thể là do diện tích ớt trên bị chịu ảnh hưởng của mưa trong cơn bão số 3 vừa qua, song cũng không loại trừ khả năng do kỹ thuật và giống kém chất lượng... “Để xác định được nguyên nhân chính xác, phải chờ đến khi lứa ớt cùng giống mới trồng thu hoạch mới nhận biết được” -ông Đương khẳng định.
Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Nguyễn Thị Nga – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thái Bình cho biết: Với thông tin mà các địa phương báo cáo lên, có thể ớt chết do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua. Để khắc phục tình trạng trên, Sở đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng thông báo, hướng dẫn người dân trồng giặm ớt mới và phun thuốc trừ sâu ngay để tránh bị chết tiếp. “Ngoài việc giao các địa phương trực tiếp hướng dẫn người dân mua giống trồng mới và chăm sóc, phun thuốc trừ sâu lại, tỉnh sẽ không có hỗ trợ gì thêm” -bà Nga nhấn mạnh.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với Công ty TNHH East-West Seed (Hai mũi tên đỏ) có trụ sở trong tỉnh Bình Dương theo số điện thoại mà nông dân ở đây cung cấp, tuy nhiên, điện có đổ chuông nhưng không ai nghe máy. Một số chuyên gia khuyên bà con nông dân, do hiện đang bước vào sản xuất vụ đông, có rất nhiều giống cây trồng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, nên bà con cần mua giống ở những đại lý có địa chỉ rõ ràng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.