Bộ trưởng Bộ Thủy sản Na Uy Elisabeth Aspaker dự đoán ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy sẽ mở rộng quy mô gấp năm lần vào năm 2050. Mức tăng trưởng đầy tham vọng này sẽ phải được thúc đẩy bởi sự phát triển của các thành phần thức ăn mới thay thế các thành phần thức ăn thông thường đang ngày càng khan hiếm là bột cá và dầu cá.
Nguồn thức ăn thủy sản trong tương lai là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Hội đồng Nghiên cứu Na Uy. Tại Hội nghị HAVBRUK 2014, nhà khoa học Trine Ytrestyl của Viện Nghiên cứu Thực phẩm, Khai thác và Nuôi trồng thủy sản Na Uy (Nofima) ghi nhận cuộc cách mạng thức ăn này đã được triển khai tốt.
Năm 1990, ngành nuôi cá hồi Na Uy đã sử dụng 90% nguồn nguyên liệu từ biển làm thức ăn cho cá hồi. Năm 2012, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 32%, các thành phần còn lại là từ thực vật. Từ năm 1990 đến năm 2000, tỷ lệ thành phần thực vật trong thức ăn cho cá tăng gấp ba lần, trong khi protein từ các thành phần có nguồn gốc từ biển đã được giảm đi một nửa. Việc sử dụng các loại dầu thực vật làm thức ăn cho cá ngày càng tăng kể từ năm 2000.
Trong năm 2012, lượng dầu hạt cải đã chiếm tới 18,3% thành phần thức ăn cho cá, trong khi tỷ lệ đậu nành kết hợp với bột cá tạo nguồn protein trong thức ăn. Những thay đổi này giúp tăng sản lượng cá hồi với nguồn cung cấp hạn chế về thành phần thức ăn từ biển trong khi thúc đẩy tính bền vững của nuôi trồng thủy sản.
Tỷ lệ Fish-in/fish-out (FIFO) là một công tính toán xem cần bao nhiêu cá để sản xuất bột cá và dầu cá làm thức ăn, từ đó thu được một đơn vị của cá hồi nuôi. Ví dụ, FIFO = 1 có nghĩa là cần 1 kg cá tự nhiên để sản xuất 1 kg cá hồi nuôi. Tỷ lệ FIFO cho dầu cá giảm từ 7,5 xuống 1,25 trong giai đoạn 2000 - 2013. Trong hai năm qua, FIFO cho bột cá là 0,7.
Việc thay đổi thành phần thức ăn phần lớn là dùng protein thực vật và dầu thực vật thay thế cho bột cá và dầu cá có nguồn gốc từ cá tự nhiên. Đây là sự thay đổi hoàn toàn thành phần của thức ăn dựa trên nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng của cá hồi nuôi. Các nhà nghiên cứu định lượng chính xác các thành phần thức ăn cần phải có và tìm kiếm các nguyên liệu thức ăn thay thế có thể đáp ứng nhu cầu của cá hồi.
Bente Torstensen, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng và Thủy sản Quốc gia (NIFES) cho biết: “Khi tỷ lệ dầu cá trong thức ăn giảm, thành phần chất béo cần phải được thay thế bằng các nguồn chất béo khác như dầu thực vật hoặc mỡ động vật. Để đảm bảo cá có tốc độ tăng trưởng tốt, chúng ta phải biết nhu cầu tối thiểu của cá hồi về các chất dinh dưỡng khác nhau bao gồm vitamin và khoáng chất.”
Tiến sĩ Marta Bou Mira và nhà nghiên cứu Marte Avranden Kjær hiện đang nghiên cứu về sự phát triển của cá hồi với các chế độ ăn khác nhau từ trọng lượng ban đầu là 40 gram cho đến khi đạt được 4,5 kg.
(Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.