Cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc trên thế giới ngày càng gia tăng?

Thứ hai, ngày 14/06/2021 20:00 PM (GMT+7)
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm đã cảnh báo về cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân, mặc dù vậy họ cũng thừa nhận rằng tình hình chưa nghiêm trọng như trong thời Chiến tranh Lạnh.
Bình luận 0

Số lượng vũ khí hạt nhân đang được triển khai trong các đơn vị tác chiến đã tăng lên. Theo báo cáo mới hôm 14/6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết khoảng 2.000 đầu đạn được thiết lập trong tình trạng báo động cao.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, kho vũ khí hạt nhân của thế giới đã cạn kiệt. Nhưng xu hướng đó dường như đã bị phá vỡ, SIPRI kết luận trong báo cáo này.

Nhà nghiên cứu Hans Kristensen của SIPRI nói với đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT: "Đây là xu hướng mới mà qua đó tất cả các nước nên xem như một lời cảnh báo: chúng ta phải thực sự đề phòng việc quay trở lại cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân".

Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2021, số lượng đầu đạn trong kho hạt nhân quân sự tăng thêm khoảng 300. Đây là những vũ khí hạt nhân được triển khai trong các đơn vị tác chiến và trong kho quân sự.

Cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc trên thế giới ngày càng gia tăng? - Ảnh 1.

Cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc trên thế giới ngày càng gia tăng?

Hiện tại, khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân trên toàn cầu đang ở trong tình trạng báo động cao, hầu hết trong số đó là vũ khí của Nga và Mỹ, SIPRI cho biết.

SIPRI cũng thông tin, cả Nga và Mỹ ước tính sẽ có thêm khoảng 50 đầu đạn hạt nhân nữa được triển khai vào năm 2021. Sự gia tăng chủ yếu diễn ra thông qua việc triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên đất liền và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Bên cạnh đó, bảy quốc gia có vũ khí hạt nhân khác cũng đang phát triển, triển khai các hệ thống vũ khí mới hoặc đã công bố kế hoạch làm như vậy.

Ví dụ, Vương quốc Anh đã xem xét lại chính sách an ninh của mình vào tháng 3/2021 và đảo ngược chính sách trước đó của họ là cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của đất nước. Thay vào đó, Vương quốc Anh đã nâng mức trần dự kiến cho vũ khí hạt nhân từ 180 lên tối đa 260.

Trung Quốc đang trong quá trình hiện đại hóa đáng kể và mở rộng kho dự trữ vũ khí hạt nhân. Ấn Độ và Pakistan dường như cũng đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ.

Triều Tiên được cho là vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân quân sự bất chấp hai hội nghị thượng đỉnh lịch sử về phi hạt nhân hóa với Mỹ dưới thời Donald Trump.

Do đó, xác suất một quốc gia sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh đã tăng lên, các chuyên gia SIPRI đánh giá.

"Tất cả những điều này cho thấy xác suất các nước sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ tăng lên. Chúng tôi thấy rằng các quốc gia không chỉ mở rộng kho vũ khí, mà khi hiện đại hóa lực lượng của mình, họ cũng nhấn mạnh nhiều hơn đến vũ khí hạt nhân trong chiến lược quân sự của họ ".

Tuy nhiên, Kristensen nhấn mạnh rằng tình hình không căng thẳng như thời Chiến tranh Lạnh.

Tổng kho vũ khí của 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên) ước tính vào đầu năm 2021 lên tới 13.080 đầu đạn, giảm so với 13.400 hồi đầu năm 2020. Nguyên nhân sự sụt giảm là do vũ khí hạt nhân cũ được tháo dỡ.

Lê Phương (Sputniknews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem