'Cuộc chiến' giành nguồn Titanium khổng lồ - thứ Mỹ khao khát giành được ở Ukraine

Phương Đăng (theo Newsweek) Chủ nhật, ngày 29/01/2023 19:12 PM (GMT+7)
Giờ đây, có một nỗ lực mới đang được tiến hành ở Mỹ và các quốc gia đồng minh nhằm xác định, phát triển và sử dụng Titanium - kim loại chủ chốt khổng lồ của Ukraine để phát triển công nghệ quân sự tiên tiến nhất, thứ sẽ tạo thành xương sống cho sự răn đe của phương Tây đối với Nga và Trung Quốc trong tương lai.
Bình luận 0
'Cuộc chiến' giành nguồn Titanium khổng lồ - thứ Mỹ khao khát giành được từ Ukraine - Ảnh 1.

Titanium được sử dụng để phát triển các công nghệ quân sự tiên tiến nhất, từ máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tàu hải quân, xe tăng, tên lửa tầm xa và nhiều loại khác. Ảnh IT

Titanium là một kim loại nhẹ nhưng quý hiếm và quan trọng vì được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng quân sự tiên tiến như máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tàu hải quân, xe tăng, tên lửa tầm xa và nhiều loại khác.

Nếu Kiev thắng trong cuộc chiến với Nga, Mỹ và các đồng minh của họ sẽ ở vị trí cực kỳ có lợi để khai thác nguồn Titanium khổng lồ và dồi dào mới của Ukraine. Nhưng nếu Nga thành công để chiếm giữ các mỏ và nhà máy Titanium của nước láng giềng, Moscow sẽ tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của mình đối với nguồn tài nguyên chiến lược này.

Bộ Nội vụ Mỹ đã phân loại Titanium là một trong 35 mặt hàng khoáng sản quan trọng đối với an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ. Nhưng Mỹ vẫn nhập khẩu hơn 90% bọt biển Titanium và không phải tất cả đều từ các quốc gia thân thiện. (Bọt biển titan có thể được nấu ở nhiệt độ cao để có được một thỏi titan dày đặc).

Mỹ cũng không còn bọt biển Titanium trong Kho dự trữ quốc phòng của mình và nhà sản xuất Titanium trong nước cuối cùng đã đóng cửa vào năm 2020.

Ukraine là một trong 7 quốc gia duy nhất sản xuất bọt biển Titanium, cơ sở để tạo ra Titanium. Trung Quốc và Nga – những đối thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ – nằm trong nhóm 7 quốc gia trên.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc đã sản xuất hơn 231.000 tấn bọt biển Titanium vào năm ngoái, chiếm 57% sản lượng toàn cầu. Tiếp đến là Nhật Bản với 17% và Nga với 13%. Kazakhstan sản xuất gần 18.000 tấn và Ukraine sản xuất hơn 4.000 tấn bọt biển Titanium.

Xu hướng Moscow "vũ khí hóa" các nguồn năng lượng đã khiến Washington, DC và các thủ đô NATO khác lo ngại rằng một ngày nào đó Điện Kremlin cũng có thể đóng băng xuất khẩu Titanium. Điều này sẽ khiến các công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng của họ gặp khó khăn.

Sự phụ thuộc của phương Tây vào Titanium của Nga có nghĩa là kim loại này cho đến nay vẫn thoát khỏi các chiến dịch trừng phạt chống lại Moscow của Mỹ, EU và các đồng minh của họ.

Gã khổng lồ hàng không vũ trụ Boeing vẫn duy trì liên doanh với VSMPO-Avisma của Nga—nhà xuất khẩu Titanium lớn nhất thế giới mặc dù các đơn đặt hàng bị đóng băng vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Những đối tác khác, như tập đoàn máy bay thương mại Airbus của châu Âu, cũng tiếp tục tìm nguồn Titanium từ VSMPO.

Một nguồn tin giấu tên am hiểu về ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã tiết lộ với Newsweek rằng tầm quan trọng của Titanium đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ.

"Chúng tôi đang nói về khả năng và điều kiện để sản xuất nhiều máy bay hơn, chúng tôi đang nói về khả năng sản xuất nhiều đạn dược hơn. Tất cả đều dựa vào Titanium. Nhưng chúng tôi ngày càng phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài cho thứ này. Nga trước đây đã từng một trong những nhà cung cấp chính", nguồn tin tiết lộ.

Dự luật chi tiêu quốc phòng hàng năm năm ngoái của Mỹ đã yêu cầu Bộ Ngoại giao điều tra "tính khả thi của việc sử dụng các nguồn Titanium từ Ukraine như một giải pháp thay thế tiềm năng cho các nguồn của Trung Quốc và Nga".

Khi ngày càng có nhiều cuộc tranh luận khắp phương Tây về lý do tại sao nên tiếp tục ủng hộ Ukraine, thì Titanium được xem là một trong những lập luận đang được nhắc đến ngày càng nhiều hơn.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Nga có trữ lượng khoáng sản Titanium tương đối thấp và mặc dù kiểm soát được nguồn Titanium của Ukraine không phải là một trong những mục tiêu công khai của Điện Kremlin, nhưng nó sẽ là một lợi ích cho Moscow.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem