“Cuộc chiến” giữ nhà cho voọc mông trắng (bài cuối): Khai thác núi đá vôi làm mất nơi sống của voọc

Nguyễn Đức (thực hiện) Thứ năm, ngày 18/03/2021 13:00 PM (GMT+7)
Việc khai thác đá vôi, săn bắt đã làm ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động thực vật, đặc biệt là loài voọc mông trắng quý hiếm, loài được coi là "bảo vật quốc gia" của Việt Nam.
Bình luận 0

Đó là khẳng định của ông Lê Đắc Phúc - Điều phối dự án bảo tồn voọc mông trắng, Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) trong cuộc trao đổi với PV Báo NTNN.

Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) chính thức ghi nhận về loài voọc mông trắng tại Kim Bảng (Hà Nam) từ thời gian nào thưa ông?

- Từ năm 2016 cho đến nay, FFI và một số tổ chức bảo tồn khác đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nam khảo sát quần thể voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng và ghi nhận được 13 đàn với khoảng 100 cá thể voọc mông trắng. Các đàn voọc phân bố rộng khắp khu vực vùng lõi của rừng Kim Bảng và tập trung lớn tại phía đông của khu rừng huyện Kim Bảng.

Hiện tại, theo đánh giá của tôi và các chuyên gia linh trưởng, rừng Kim Bảng (bao gồm diện tích rừng của xã Liên Sơn, Thanh Sơn) rất phù hợp cho loài voọc mông trắng phát triển.

Bằng chứng là những ghi nhận gần nhất về các đàn voọc tại đây có trạng thái khỏe mạnh, cơ cấu đàn có đủ cá thể trưởng thành, bán trưởng thành và con non, số lượng cá thể có xu hướng tăng so với các ghi nhận trước đây.

“Cuộc chiến” giữ nhà cho voọc mông trắng (bài cuối): Khai thác núi đá vôi làm mất nơi sống của voọc  - Ảnh 1.

Đàn voọc mông trắng phát triển tốt ở khu vực rừng Kim Bảng. Ảnh: B.V.M.T

FFI hiện đang phối hợp với Sở NNPTNT Hà Nam đề xuất thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng trên diện tích rừng Kim Bảng hiện có và một phần rừng thuộc huyện Thanh Liêm. Việc này kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để bảo tồn lâu dài và bền vững cho quần thể voọc quý hiếm này.

Hoạt động khai thác núi đá vôi đang diễn ra gần nơi ghi nhận voọc mông trắng sinh sống ảnh hưởng thế nào đến hệ sinh thái ở nơi này, đặc biệt đối với voọc mông trắng?

- Khu vực khai thác đá hiện nay bao gồm các khu vực đang khai thác và quy hoạch khai thác đang chồng lấn với sinh cảnh của voọc mông trắng (khu vực sống của các đàn voọc).

Ảnh hưởng lớn nhất của hoạt động này là làm mất dần môi trường sống của các động, thực vật rừng trong đó có loài voọc mông trắng.

Voọc mông trắng có tập tính sống theo lãnh thổ, mỗi đàn chỉ sống và kiếm ăn tại một khu vực nhất định, trong tự nhiên chúng có xu hướng bảo vệ khu vực sống của chúng trước các đe dọa từ các đàn khác hay từ động vật rừng khác.

Việc mất đi sinh cảnh sẽ đẩy các đàn voọc này di chuyển sang lãnh thổ của các đàn voọc khác hay các động vật rừng khác.

Điều này làm tăng sự cạnh tranh để tranh giành về lãnh thổ, đực, cái, thức ăn và chỗ ngủ (chúng có thể cắn nhau đến chết), hoặc chúng có thể bị đuổi đến khu vực thiếu sự an toàn như quá gần khu vực sống của con người... làm cho cơ hội tồn tại của đàn ngày càng bị đe dọa.

“Cuộc chiến” giữ nhà cho voọc mông trắng (bài cuối): Khai thác núi đá vôi làm mất nơi sống của voọc  - Ảnh 3.

Ông Lê Đắc Phúc - Điều phối dự án bảo tồn voọc mông trắng, Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI).

Vậy FFI đã có những hành động, đề xuất gì để bảo vệ bảo tồn loài voọc mông trắng?

- FFI hiện đang phối hợp với Sở NNPTNT Hà Nam đề xuất thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng trên diện tích rừng Kim Bảng hiện có và một phần rừng thuộc huyện Thanh Liêm. Việc này kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để bảo tồn lâu dài và bền vững cho quần thể voọc quý hiếm này.

Ngoài ra, FFI cũng hỗ trợ Hạt Kiểm lâm Kim Bảng thành lập tổ bảo tồn cộng đồng để thường xuyên tuần tra, giám sát các hoạt động ảnh hưởng đến rừng kim bảng và quần thể voọc mông trắng. Khi phát hiện các vi phạm, tổ sẽ thông báo Kiểm lâm để được xử lý.

Song song với đó, FFI cũng làm việc với các tổ chức bảo tồn khác cùng gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT và Bộ TNMT đề xuất các hành động khẩn cấp bảo tồn loài này trên địa bàn Hà Nam.

Trong văn bản kiến nghị nhấn mạnh ba việc chính: Xem xét dừng các hoạt động khai thác đá tại các diện tích rừng nơi có voọc mông trắng sinh sống; duy trì kết nối, hành lang sinh cảnh với các khu bảo tồn, khu rừng xung quanh nhằm tạo điều kiện bảo tồn lâu dài quần thể voọc. Bổ sung nguồn lực để cải thiện cơ sở vật chất, trang bị, nâng cao năng lực bảo vệ khu rừng, nghiên cứu, phát triển và phục hồi rừng. Nâng cao nhận thức, cải thiện sinh kế người dân xung quanh nhằm giảm bớt các áp lực đến khu rừng.

Từ năm 2016 đến nay, FFI đã phối hợp với lực lượng chức năng "giải cứu" bao nhiêu cá thể động vật quý hiếm, đặc biệt là voọc mông trắng?

- Hiện tại việc săn bắn, đặt bẫy động vật hoang dã ở khu vực núi huyện Kim Bảng đã giảm mạnh do việc tuần tra kiểm soát của tổ bảo vệ rừng nhưng vẫn còn diễn ra tại rừng Kim Bảng.

Hằng năm, tổ tuần tra bảo vệ rừng đã phá và thu gom các loại bẫy các loại khác nhau như bẫy dây phanh (bẫy dây), bẫy kiềng và bẫy bán nguyệt...

Năm 2018, một cá thể voọc mông trắng được phát hiện đã chết bởi một loại bẫy dây, xương cốt của cá thể voọc này sau đó đã được bàn giao cho Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam phục dựng.

Trân trọng cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem