“Cuộc chiến” khốc liệt giữa máy bay dân sự và bọn khủng bố với tên lửa vác vai

Văn Biên (theo Wired) Thứ bảy, ngày 09/08/2014 09:04 AM (GMT+7)
Tên lửa vác vai (MANPADS) được phát triển từ những năm 1940 với mục đích dùng cho các lực lượng quân đội trên mặt đất tiêu diệt các máy bay của kẻ địch. Song điều đáng tiếc là tên lửa này lại trở thành loại vũ khí ưa thích của nhiều nhóm khủng bố dùng để bắn hạ các máy bay dân sự.
Bình luận 0

Đến nay lịch sử hàng không ghi nhận vụ MANPADS bắn rơi máy bay dân sự đầu tiên xảy ra vào năm 1978 khi một chiếc máy bay Viscount của Air Rhodesia trong chuyến bay Filght 825 đã bị bắn rơi khiến 38 hành khách thiệt mạng.

Năm kế tiếp, cũng một chiếc máy bay của Air Rhodesia đã bị bắn rơi bởi MANPADS loại Strela 2 do Liên Xô sản xuất khiến 59 hành khách cùng phi hành đoàn thiệt mạng. Vụ việc nghiêm trọng nhất trong cuộc đụng độ giữa MANPADS và máy bay dân sự có lẽ là năm 1993 khi ba chiếc máy bay chở khách liên tiếp bị tên lửa vác vai bắn hạ khiến hơn 100 người thiệt mạng.

Các chuyên gia chống khủng bố đã kiên quyết lập trường lên án tội ác những kẻ xấu đã tung ra tên lửa vác vai để bắn máy bay dân sự, giết chết hàng trăm người. Riêng ở Mỹ, năm 2003, giới chức trách bắt giữ kẻ buôn lậu tìm cách bán tên lửa cho bọn khủng bố ở New Jersey. Bộ An ninh Nội địa nước này cũng chi 60 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển hệ thống bảo vệ 6.800 máy bay thương mại của Mỹ.

img

Máy bay bay theo đường xoắn ốc khiến tên lửa vác vai khó mà lập trình tấn công được.

Theo thống kê hiện có các loại tên lửa vác vai phổ biến có sự đe dọa nguy hiểm đối với máy bay dân sự gồm SA-7 (Strela) do Liên Xô sản xuất, tên lửa HN-5 do Trung Quốc sản xuất và tên lửa Redeye và Stringer do Mỹ sản xuất. Gần 150.000 tên lửa vác vai được cho là đang nằm trong tay những kẻ khủng bố, trong đó có khoảng 70-80 loại mô hình tên lửa vác vai sử dụng các hệ thống hồng ngoại để dò tìm hơi nóng của động cơ máy bay.

Xạ thủ tên lửa vác vai sẽ thiết lập tầm nhìn đối với một máy bay, đợi khi tín hiệu hồng ngoại chuẩn xác thì sẽ bật cò bắn tên lửa. Thậm chí những loại tên lửa cũ cũng có thể tấn công mục tiêu máy bay ở độ cao 15.000 feet.

Tuy nhiên, không phải lúc nào tên lửa vác vai cũng thành công khi bắn máy bay dân sự. Một số chuyên gia tin, những kẻ khủng bố bằng tên lửa chưa hẳn đã có kĩ năng đáng tin cậy và có thể bị cản trở bởi những công nghệ mới hơn. Thực tế, một số máy bay phản lực lớn đã sống sót trong  khi bị tên lửa vác vai tấn công.

Vào năm 1984, một máy bay chở khách của Angola Airlines mang theo 130 hành khách bị trúng tên lửa vác vai nhưng vẫn hạ cánh bình thường. Năm 2002, hai quả tên lửa SA-7 liên tiếp bắn sượt chiếc máy bay Boeing 757 mang theo 271 hành khách do thiếu hệ thống dẫn đường. Tháng 11.2003, một quả tên lửa SA-14 nã trúng máy bay chở hàng Airbus A300B4-203 khi cất cánh từ thủ đô Baghdad nhưng sau đó máy bay vẫn hạ cánh an toàn.

img

Bên cạnh chọn đường bay xoắn ốc, máy bay dân sự cũng đang được thiết lập các hệ thống đánh chặn tên lửa như pháo trấu, laser.

Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng, trước đây một máy bay chiến đấu có thể cố gắng thoát được sự tấn công của tên lửa còn một chiếc máy bay thương mại muốn tranh rủi ro phải hạn chế tối đa thời gian bay của mình trong vùng nguy hiểm. Nhưng ngày nay, máy bay có thể điều chỉnh bay trong phạm vi 30 dặm khi cất cánh và 50 dặm trước khi hạ cánh, có tốc độ lên nhanh hơn, bay cao hơn và hạ xuống với đường xoắn ốc có độ dốc hơn. Đường bay đổi hướng như vậy sẽ khiến những kẻ khủng bố khó có thể lập được kế hoạch ngắm bắn bằng tên lửa vác vai.

Mặc dù vậy, nó cũng đặt ra vấn đề việc máy bay lên cao nhanh và bay theo đường xoắn ốc cũng tốn nhiên liệu hơn và mô hình bay ngẫu nhiên thường bị kiểm duyệt gắt gao bởi kiểm soát không lưu nhất là những vùng có nhiều máy bay.

Trong “cuộc chiến” chống lại tên lửa vác vai, các máy bay dân sự hiện nay còn đang có xu hướng trang bị các công nghệ có nguồn gốc từ máy bay quân sự như trấu pháo để đánh lạc hướng hệ thống dẫn đường của tên lửa. Đồng thời, máy bay có thể phát ra các bức xạ hồng ngoại, bắn tia laser, làm nhiễu sóng hồng ngoại để làm gián đoạn sự theo dõi của hệ thống ngắm, dẫn đường của tên lửa. Tuy nhiên, trấu pháo hoa lại tỏ ra yếu thế trước những loại tên lửa mới và nó lại có nhiệt độ quá cao 2.500 độ C có thể làm cháy mặt đất. Còn hệ thống laser lại đòi hỏi khoản chi lớn cho ngành hàng không dân sự ước tính chi phí cho hệ thống này khoảng 100 triệu USD.

img

Đồng thời việc kiểm soát chặt chẽ khu vực cất cánh và hạ cánh xung quanh sân bay cũng là một biện pháp hữu hiệu để chống lại các cuộc tấn công khủng bố bằng tên lửa vác vai.

Ngoài ra, để chống lại các đe dọa của tên lửa vác vai, các chuyên gia an ninh cho rằng, cần đảm bảo tốt hơn khu vực cất cánh và hạ cánh của máy bay, bằng cách kiểm soát chặt chẽ hơn để tránh sự xâm nhập của lực lượng khủng bố. Ở những sân bay như La Guardia tại New York, Mỹ, lực lượng an ninh đã rà soát câc thuyền qua lại và tiến hành công việc này cả ở một số khu vực lân cận.

Nhưng tin xấu cho máy bay dân sự là những kẻ khủng bố có thể đứng cách xa sân bay cả hàng dặm, ẩn trên những mái nhà cao và vẫn có thể bắn tên lửa khá chuẩn xác. Thêm vào đó, việc tăng cường an ninh kiểm soát sân bay nhiều khi lại phụ thuộc vào mỗi quốc gia. Chẳng hạn ở Mỹ thì chỉ có thể bảo đảm cho máy bay Mỹ chứ không có bảo vệ như vậy ở nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem