Cuộc chiến Nga - Ukraine giúp các nhà thầu quốc phòng Mỹ kiếm hàng tỷ USD

Phương Đăng (theo Greek Reporter ) Thứ bảy, ngày 12/03/2022 09:05 AM (GMT+7)
Cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến chi tiêu quốc phòng tăng vọt, phần lớn mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu đang cung cấp vũ khí cho cả hai bên tham chiến, theo Greek Reporter.
Bình luận 0
Cuộc chiến Nga-Ukraine giúp các nhà thầu quốc phòng Mỹ kiếm được hàng tỷ USD - Ảnh 1.

Các thiết bị quân sự hạng nặng đang được kéo khỏi biên giới Ukraine. Ảnh Bộ Quốc phòng Nga

Khi cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào diễn biến chiến sự giữa Nga và Ukraine, điều ít được thảo luận hơn là ngành công nghiệp quốc phòng trị giá gần nửa nghìn tỷ USD cung cấp vũ khí cho cả hai bên đang thu được lợi nhuận khổng lồ.

Xung đột đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. EU tuyên bố sẽ mua và giao gói hỗ trợ vũ khí trị giá tới 450 triệu euro (gần 500 triệu USD) cho Ukraine. Riêng Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự 350 triệu USD cùng với hơn 90 tấn vật tư quân sự và 650 triệu USD cho Ukraine trong năm qua.

Tổng cộng, Mỹ và NATO đã gửi 17.000 vũ khí chống tăng và 2.000 tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine. Một loạt các quốc gia khác cũng sẵn sàng trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine bao gồm Anh, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada.

Tất cả những điều đó mang lại lợi nhuận kếch xù cho các nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới. Có thể kể ra một vài ví dụ, tập đoàn Raytheon - nhà thầu quốc phòng Mỹ - chế tạo tên lửa Stinger và cùng Lockheed Martin chế tạo tên lửa chống tăng Javelin.

Khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, thì cả hai tập đoàn quốc phòng Mỹ, Lockheed và Raytheon có cổ phiếu đều tăng lần lượt khoảng 16% và 3% trong khi S&P 500 (một chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ) giảm 1%.

Cuộc chiến Nga-Ukraine giúp các nhà thầu quốc phòng Mỹ kiếm được hàng tỷ USD - Ảnh 2.

Cam = Lockheed Martin; xanh lơ = Boeing; vàng = Raytheon; màu tím đậm = BAe Systems; màu tím = Northrop Grumman; xanh da trời = S&P 500. Ảnh

Cổ phiếu của BAE Systems, công ty quốc phòng lớn nhất ở Anh và châu Âu, cũng tăng tới 26%. Trong số 5 nhà thầu quốc phòng hàng đầu thế giới tính theo doanh thu, chỉ có Boeing bị tụt hạng, ngành hàng không bị ảnh hưởng đáng kể.

Trước cuộc xung đột, các công ty vũ khí hàng đầu của phương Tây thậm chí đã thông báo cho các nhà đầu tư về khả năng lợi nhuận của họ tăng vọt. Gregory J. Hayes, Giám đốc điều hành của tập đoàn quốc phòng khổng lồ Raytheon của Mỹ ngày 25/1 tuyên bố rằng, căng thẳng ở Đông Âu và những nơi khác đang gây áp lực lên chi tiêu quốc phòng của một số quốc gia. "Vì thế tôi rất kỳ vọng rằng, chúng ta sẽ đạt được lợi nhuận từ đó".

"Chúng ta chỉ cần nhìn vào tuần trước, nơi chúng ta đã chứng kiến cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở UAE ... Và tất nhiên, căng thẳng ở Đông Âu, căng thẳng ở Biển Đông, tất cả những điều đó đang gây áp lực lên một số chi tiêu quốc phòng. ở đó. Vì vậy, tôi hoàn toàn mong đợi chúng ta sẽ thấy một số lợi ích từ nó".

Thậm chí vào thời điểm đó, ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu đã được dự báo sẽ tăng 7% vào năm 2022.

Hiện các công ty quốc phòng đang hưởng lợi theo nhiều cách. Ngoài việc trực tiếp bán vũ khí cho các bên tham chiến và cung cấp cho các quốc gia khác đang tài trợ vũ khí cho Ukraine, họ cũng nhận thấy lợi nhuận tăng thêm từ các quốc gia như Đức và Đan Mạch. Đây là những nước cho biết họ sẽ tăng chi tiêu quốc phòng.

Mỹ đang dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp quốc phòng, chiếm 37% tổng doanh số bán vũ khí trên toàn cầu từ năm 2016-2020. Tiếp theo là Nga với 20%, Pháp (8%), Đức (6%) và Trung Quốc (5%).

Ngoài 5 nhà xuất khẩu hàng đầu trên còn có nhiều nhà xuất khẩu tiềm năng khác được hưởng lợi từ cuộc chiến ở Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ đã bất chấp cảnh báo từ Nga và kiên quyết cung cấp vũ khí cho Ukraine bao gồm cả máy bay không người lái công nghệ cao - sản phẩm mang lại lợi nhuận cao cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này, khi chiếm thị phần gần 1% thị trường thế giới.

Israel chiếm khoảng 3% doanh thu bán vũ khí trên toàn cầu, do đó, cũng giành được lợi nhuận đáng kể từ cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, Nga đã nhắm tới một loạt khách hàng quốc tế. Xuất khẩu vũ khí của nước này giảm 22% trong giai đoạn 2016-2020, nhưng điều này chủ yếu là do doanh số bán cho Ấn Độ giảm 53%. Trong khi đó, Nga đã tăng cường đáng kể doanh số bán hàng sang các nước như Trung Quốc, Algeria và Ai Cập.

Một báo cáo ngân sách của Quốc hội Mỹ nhận định: "Các loại vũ khí của Nga có thể ít tốn kém hơn và dễ vận hành và bảo trì hơn so với các hệ thống phương Tây".

Tuy nhiên, Nga đang chịu một loạt các biện pháp cấm vận bổ sung do Mỹ và các đồng minh áp đặt sau khi phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine và điều này được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc xuất khẩu vũ khí của họ.

Tổng thống Joe Biden gần đây tuyên bố rằng Mỹ sẽ trực tiếp trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng Nga, khiến họ khó mua được nguyên liệu thô và bán sản phẩm ra thế giới để tái đầu tư sản xuất các thiết bị quân sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem