Cuộc chiến tuyệt vọng suốt 24 giờ ngăn vỡ đập thủy điện ở Lào

Phương Đăng (tổng hợp) Thứ tư, ngày 25/07/2018 15:00 PM (GMT+7)
Các kỹ sư đã vật lộn suốt 24 giờ nhằm ngăn chặn sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở Lào nhưng thất bại vì mưa lớn, Chủ thầu Hàn Quốc SK Engineering & Construction Co khẳng định và cho biết thêm rằng, họ đã hỗ trợ nỗ lực cứu hộ sau khi một đập phụ trị giá 1 tỷ USD bị vỡ, đẩy khoảng 6.600 người vào cảnh vô gia cư.
Bình luận 0

Kỹ sư vật lộn sửa đập suốt 24 giờ 

img

Trẻ em và người lớn ngồi trên mái của ngôi nhà bị ngập giữa biển nước chờ cứu hộ.

Ngày 25.7, công tác tìm kiếm cứu hộ hàng trăm người mất tích vì sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở tỉnh Attapeu, phía Nam Lào vẫn tiếp diễn.  

Con đập bị vỡ đêm 23.7 được gọi là "Đập yên D". Đây là một con đập phụ trong mạng lưới 2 đập chính và 5 đập phụ của dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy do các nhà thầu Thái Lan, Hàn Quốc và Lào phụ trách. Con đập này thực tế mới hoàn thành 90% và dự kiến bắt đầu được đưa vào hoạt động thương mại vào năm tới.

Sau khi đập vỡ, công ty SK Engineering & Construction, chủ thầu Hàn Quốc cho biết, họ đã cảnh báo trước với chính quyền về thảm họa đồng thời phối hợp với các nhà chức trách để sơ tán các làng nằm dưới hạ lưu của dự án trong khi các kỹ sư cố hết sức để ngăn đập vỡ.

Theo SK Engineering & Construction, các vết nứt đầu tiên được phát hiện trên đập vào ngày 22.7. Đến 21h cùng ngày theo giờ địa phương - Đập yên D bị phát hiện hư hại một phần. 

Lúc này, nhà thầu bắt đầu phát cảnh báo với chính quyền và dân làng gần đập được yêu cầu sơ tán. Một đội kỹ sư được cử đến gia cố vết nứt trên đập nhưng gặp nhiều khó khăn vì mưa lớn gây hư hại nhiều con đường, khiến giao thông bị gián đoạn.

Khoảng 3h sáng ngày 23.7, người ta bắt đầu xả nước từ một trong các đập chính (đập Xe-Namnoy) để cố gắng giảm mực nước trong đập phụ.Đến 12h trưa cùng ngày, chính quyền địa phương đã ra lệnh cho dân làng ở hạ lưu sơ tán ngay lập tức sau khi biết rằng con đập có thể bị hư hại nghiêm trọng hơn.

Vào 18h ngày 23.7, giới chức trách xác nhận có nhiều vết nứt nghiêm trọng hơn ở đập yên D và khoảng 2 tiếng sau đó (tức 20h cùng ngày) con đập phụ này bị vỡ, xả thẳng 5 tỷ lít nước xuống hạ lưu, nhấn chìm nhiều ngôi làng cùng hàng nghìn ngôi nhà.

Theo BBC, 1h30 ngày 24.7, một ngôi làng gần đập nhất bị nước "nuốt chửng" và đến 9h30 thì 7 ngôi làng khác cũng chịu chung số phận.

img

Dòng nước lũ ào ào đổ về hạ lưu

Trong một tuyên bố ngày 24.7, Ratchaburi Electricity Generating Holding, nhà thầu Thái Lan cũng cho biết con đập bị vỡ do "mưa lớn liên tục" dẫn đến một lượng nước lớn chảy vào hồ chứa của dự án".

Kết quả là, nước tràn xuống vùng hạ lưu và chảy vào sông Xe-Pian khiến mực nước sông dâng cao gây ngập lụt cho các ngôi làng. Ước tính, có 1.005 gia đình đã bị ảnh hưởng, ít nhất 20 người thiệt mạng và khoảng 100 người vẫn còn mất tích trong vụ vỡ đập, theo Boomberg.

Hiện nhà thầu SK Engineering and Construction đã thành lập đội xử lý khủng hoảng để ứng phó với trận lũ sau sự cố vỡ đập ở Lào. Phát ngôn viên công ty cho biết chủ tịch Ahn Jae-hyun và nhiều quan chức đã lên đường tới Lào để đánh giá thiệt hại do lũ gây ra. Nhà thầu này cũng triển khai một số trực thăng để phối hợp với giới chức tỉnh Attapeu trong hoạt động cứu hộ nhằm giải cứu những người còn đang bị mắc kẹt.

Hoạt động cứu hộ khó khăn

img

Nỗ lực cứu hộ khó khăn vì mạng lưới giao thông, thông tin liên lạc bị gián đoạn

Lực lượng cứu hộ Lào đang sử dụng trực thăng và thuyền để sơ tán những người dân còn bị mắc kẹt đồng thời kêu gọi các cơ quan chính quyền và cộng đồng viện trợ khẩn cấp quần áo, lương thực, nước uống và thuốc men cho người dân vùng bị ảnh hưởng.

Những cảnh quay tại hiện trường vụ vỡ đập cho thấy, nhiều người sống sót tụ tập trên mái những ngôi nhà bị ngập nước, mong ngóng được cứu thoát. Một số người khác ôm theo con cái và đồ đạc cố lội qua vùng bị ngập để đến nơi an toàn hơn. Trong một video của ABC Laos, một người phụ nữ vừa khóc vừa cầu khấn và nói với nhân viên cứu hộ rằng mẹ cô vẫn đang mắc kẹt trên cây khi cô được sơ tán trên một chiếc thuyền.

Thông tin về vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy với Reuters, một quan chức cao cấp của chính phủ Lào từ chối nêu tên vì không được phép phát ngôi với truyền thông cho biết, công tác cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn vì vùng bị ảnh hưởng là khu vực xa xôi, hẻo lánh, hơn nữa mưa lớn đã khiến giao thông và thông tin liên lạc bị gián đoạn. Attapeu là một tỉnh nông nghiệp, nằm ở cực nam của Lào chủ yếu giáp với Việt Nam ở phía đông và Campuchia ở phía nam.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cứu hộ hôm nay nhưng rất khó khăn. Tình hình rất khó khăn. Hàng chục người đã chết. Con số này có thể cao hơn", vị quan chức cho biết qua điện thoại trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters.

Trong khi đó, nhà thầu SK Engineering and Construction cho biết, khu vực này đang phải chịu lượng mưa lớn gấp ba lần bình thường. Dòng nước chảy nhanh xuống hạ lưu, nơi vốn đã ngập nước và gây ra nhiều thiệt hại hơn.

Hiện 7 ngôi làng với 1.300 hộ và hơn 6.000 người vẫn đang bị ngập trong nước lũ sau vụ vỡ đập. Ông Soulichanh Phonkeo, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Attapeu cho biết nhiều nạn nhân bị nước lũ cuốn đi, nhưng một số người đã bám được vào các ngọn cây và thoát đến nơi an toàn.

"Chúng tôi đang cần một lượng lớn thuyền để cứu họ khỏi khu vực nguy hiểm", ông nói.

Theo Boomberg, Liên Hợp Quốc lo ngại, nhiều người trong số những nạn nhân bị mất tích có thể đã thiệt mạng. Liên Hợp Quốc và các quốc gia bao gồm Singapore, Thái Lan cho biết, họ sẵn sàng giúp đỡ nếu Lào cần trợ giúp.

Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã thông báo Quân khu 5, Quân đoàn 3, Quân chủng Phòng không - Không quân và Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp nước bạn theo lệnh của của Bộ khi được yêu cầu. 

Ông Võ Văn Mừng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Attapeu, cho biết theo báo cáo từ Sở Ngoại vụ tỉnh Attapeu, số người Việt Nam sinh sống tại khu vực bị ảnh hưởng của vụ vỡ đập thủy điện Xepien Senamnoi đều an toàn. Hiện người dân khu vực bị ảnh hưởng đã được hỗ trợ lương thực gồm gạo, mỳ tôm, cá khô...

Ông Nguyễn Duy Quận, Tham tán phụ trách lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cũng cho biết, tất cả 15 gia đình người Việt ở khu vực bị ảnh hưởng sau vỡ đập thủy điện đều an toàn. Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cũng đang phối hợp với giới chức sở tại để tiến hành công tác bảo hộ công dân nếu có người Việt bị ảnh hưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem