Để khôi phục sản xuất, hi vọng vực dậy sau "bão" dịch tả lợn châu Phi (DLTCP), nhiều nông hộ đang rất nóng lòng muốn tái đàn lợn. Tuy nhiên, trước mắt họ đang có quá nhiều trở ngại khiến việc tái đàn không khác nào một "canh bạc".
Niềm tin trở lại?
Xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình) là một trong những địa phương xuất hiện DTLCP đầu tiên trên cả nước. Theo số liệu thống kê của UBND xã Đông Đô, tổng số lợn phải tiêu hủy là 3.333 con với tổng trọng lượng 212.777kg. Đến ngày 10/9/2019 UBND xã Đông Đô đã công bố hết DTLCP.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Vũ Xuân Quân - Chủ tịch UBND xã Đông Đô cho biết, từ sau khi xã công bố hết DTLCP, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã bắt đầu vệ sinh chuồng trại, nhập con giống, tái đàn lợn trở lại. Tính đến thời điểm đầu tháng 5/2020, trên địa bàn xã Đông Đô có 196 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn lợn 8.837 con.
Theo ông Quân, bên cạnh việc thực hiện tái đàn lợn, người dân cần áp dụng triệt để chăn nuôi an toàn sinh học nhằm phòng ngừa dịch bệnh quay trở lại.
Chúng tôi gặp ông Đinh Văn Mừng - một hộ đang chăn nuôi lợn ở thôn Đông (xã Đông Đô). Ông Mừng không giấu được sự phấn chấn khi ông vừa xuất bán tiếp 10 con lợn thịt với giá 100.000 đồng/kg. Ông Mừng cho biết, trước khi DTLCP ập tới, gia đình ông có 40 con lợn nái, 100 con lợn thịt và 2 con lợn đực. Sau đó, dịch bệnh đã cướp mất 25 con lợn nái, 100 con lợn thịt.
"May mắn là gia đình tôi không phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn. Tôi vẫn giữ lại được mấy con lợn nái để tiếp tục chăn nuôi. Hiện, đàn lợn nái đã sinh ra lợn con. Tổng đàn lợn hiện tại là 150 con" - ông Mừng cho biết.
Ông Đinh Văn Mừng dẫn chúng tôi vào thăm khu chăn nuôi mới, điều ngạc nhiên là không có mùi hôi thối. Thời tiết bên ngoài nóng bức, nhưng nhiệt độ trong chuồng trại khoảng 27 - 28 độ C. "Từ hôm chuyển đàn lợn sang trại mới, con nào cũng sạch sẽ, trắng hồng... Sắp tới tôi sẽ mua tiếp 20 con lợn nái, 1 lợn đực để gây giống" - ông Mừng nói.
Sau khi DTLCP đi qua, ông Mừng đã quyết định xây dựng lại hệ thống chuồng trại hoàn toàn mới, nằm cách xa khu dân cư.
Ông Mừng bỏ tiền ra làm lại hệ thống làm mát, quạt thông gió hiện đại, máng ăn hoàn toàn mới. Khu chăn nuôi này có thể nuôi tối đa 300 con lợn. Tổng chi phí ông Mừng đầu tư hết 800 triệu đồng.
Ông Phan Duy Dân (ở thôn Đồng Phú, xã Đông Đô) có gần 15 năm chăn nuôi lợn. Thế nhưng đàn lợn của ông Dân cũng đã bị DTLCP 2 lần "lấy đi" 470 con (trong đó, 40 con lợn nái, và 430 con lợn thịt).
Theo ông Dân, DTLCP đã bùng phát tại đàn lợn của gia đình ông ngày 12/4/2019 khiến đàn lợn 270 con nhận "án tử". Sau khi tiêu hủy đàn lợn, ông Dân đã tiếp tục mua con giống vào lại đàn với 200 con lợn. Nuôi chưa được bao lâu, đến ngày 18/6/2019 một lần nữa DTLCP tìm đến đàn lợn của gia đình ông.
"Thời điểm tiêu hủy lợn bị dịch của đợt 2, mỗi con lúc đó đã đạt 45kg, tổng trong lượng của 2 đợt là 12 tấn lợn. Ước tính, gia đình tôi thiệt hại cả 2 đợt do DTLCP là 1,5 tỷ đồng" - ông Dân cho hay.
Về nguyên nhân cả 2 lần đều bị DTLCP "ghé thăm" đàn lợn, ông Dân cho rằng, do công tác quản lý chuồng trại không tốt, không kiểm soát được người ra, người vào cũng như chim, chuột xâm nhập khu chuồng nuôi.
Rút kinh nghiệm sau 2 lần đàn lợn bị dịch bệnh, đến đầu năm 2020, ông Dân đã bắt đầu tái đàn. Đầu tiên, ông vào 80 con và sau đó đã xuất bán 70 con, với giá 93.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, đàn lợn của ông Dân đã tăng lên 180 con.
Vừa nuôi lợn, vừa run…
Hiện vẫn còn nợ đại lý tiền cám 200 triệu đồng, nhưng gia đình anh Lê Đình Thuần (xã Đông Đô, huyện Hưng Hà) đã quyết định dốc hết nguồn lực của nhà, vay thêm tiền họ hàng để mua 10 con lợn nái với giá 105.000 đồng/kg về chăn nuôi.
"Sau DTLCP, người dân chúng tôi gần như sức cùng lực kiệt. Ở nông thôn chỉ biết trông chờ vào đàn lợn là tài sản lớn nhất, vậy mà nay chẳng còn gì. Gia đình tôi lần này coi như đã dốc toàn lực để mua 10 con lợn nái với mong muốn có lại được đàn lợn như trước kia" - anh Thuần thở dài chia sẻ.
"Để giúp bà con đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngay từ đầu năm UBND xã Đông Đô đã tổ chức 2 đợt phun tiêu độc khử trùng và mới đây là tổ chức tiêm phòng vụ xuân" - ông Vũ Xuân Quân - Chủ tịch UBND xã Đông Đô cho biết.
Không bị thiệt hại do DTLCP gây ra, nhưng anh Lê Huy Mạnh (ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, Hà Nam) cũng rơi vào tình cảnh thê thảm. Trong năm 2017, "bão giá" lợn đã cuốn bay 4 tỷ đồng của gia đình anh Mạnh. Anh Mạnh cho biết, thời điểm đó gia đình anh nuôi 1.000 lợn thịt, 40 lợn nái. Đến khi lợn chuẩn bị được xuất chuồng thì giá lại giảm chỉ còn 16.000 đồng/kg. Trong khi đó, ban đầu phải mua lợn giống với giá 78.000 đồng/kg. Tính ra mỗi con lợn nuôi từ nhỏ đến khi đủ trọng lượng xuất bán, người nuôi lỗ 3 triệu đồng.
Chán nản, bất lực, anh Mạnh đã một mình bỏ vào miền Nam. "Lúc đó tôi quá chán nản, tuyệt vọng. Cứ nghĩ đến nợ nần, số tiền khổng lồ treo trên đầu là tôi thấy mình sắp phát điên. Nhiều người trong gia đình không biết, nghĩ tôi vì nợ nần quá nhiều nên phải bỏ nhà bỏ cửa" - anh Mạnh nói.
Sau đó, có những thời điểm chỉ trong vòng 1 tuần, giá lợn hơi lại bất ngờ tăng lên 47.000 đồng/kg. Nghĩ rằng đây là cơ hội để làm lại để trả nợ, anh Mạnh quay về tiếp tục vay ngân hàng 300 triệu đồng nữa để mua 100 con lợn giống về nuôi. Những tưởng đây sẽ là cơ hội để gượng dậy. Thế nhưng, cũng không khác lần trước, thời điểm gần xuất bán, giá lợn hơi đột ngột giảm xuống còn 25.000 đồng/kg. Thế là 300 triệu lại tiếp tục "bốc hơi".
Lần này anh Mạnh trắng tay thực sự. Nợ tiếp tục chồng nợ.
Sau lần thất bại đó, anh Mạnh gần như "gục ngã". Chuồng trại đành phải cho người khác thuê từ 2017 đến hết năm 2019. Hiện, anh Mạnh vẫn còn nợ khoảng 1,5 tỷ đồng tiền cám.
Tuy nhiên, có lẽ bản chất là nông dân, sinh sống ở nông thôn nên anh Mạnh cũng như nhiều người khác quanh đi quẩn lại vẫn nghĩ đến con lợn, con gà. Thế là đầu 2020, anh Mạnh lấy lại trang trại, dùng số tiền cho thuê trại để tiếp tục chăn nuôi. Mới đây, anh đã dồn sức để đầu tư mua 20 con lợn nái, giá 92.000 đồng/kg.
"Chúng tôi cũng chỉ mong đàn lợn nái này sẽ sinh sôi nảy nở ra nhiều lợn con để nhanh chóng tái đàn. Dịch bệnh thì cũng lo đấy, cứ như là đi trên dây mà chẳng biết ngã lúc nào. Thôi, thì đến đâu hay đến đấy vậy!" - anh Mạnh thở dài.
Triển khai các giải pháp tối ưu để tái đàn, tăng đàn lợn
Ngày 2/6, Bộ NNPTNT đã gửi công văn đề nghị các Chủ tịch UBND tỉnh (thành phố), chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các giải pháp tối ưu để tái đàn và tăng đàn lợn, bảo đảm nguồn cung thịt lợn. Cụ thể, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc tái đàn và tăng đàn.
Kịp thời công bố hết dịch khi đủ điều kiện để các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn sinh học; hoàn thiện thủ tục hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi DTLCP trong thời gian qua.
Các địa phương cần tổ chức thông tin, tuyên truyền chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT.
S.T
Tin cùng chủ đề: Thông tin mới nhất về giá lợn hơi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.