Cuộc di dân lịch sử: Bao giờ hết lênh đênh?

Thứ hai, ngày 16/04/2012 12:55 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vẫn thiếu một giải pháp để ngăn chặn hiệu quả tình trạng dân vạn đò TP. Huế ngày càng nghèo thêm sau khi về khu tái định cư.
Bình luận 0

Vòng quay nghiệt ngã

Vợ chồng anh Dương Văn Điền ở khu tái định cư thôn Lại Tân (xã Phú Mậu, Phú Vang) có 3 đứa con tuổi từ 10 -14, nhưng chưa đứa nào biết đến cái chữ. Hàng ngày, những đứa trẻ này theo cha mẹ lênh đênh trên sông nước chài lưới mưu sinh.

“Tui tưởng về đây cuộc sống sẽ bớt cực khổ hơn và con cái được đến trường. Nhưng giờ gia đình tui vẫn sống trên đò do nhà cửa chật chội và phải chạy ăn từng bữa nên mấy đứa con không có điều kiện đi học”- anh Điền buồn nói.

img
Trẻ vạn đò thất học ở khu tái định cư Hương Sơ đến lớp học tình thương của cô Hồng ngày càng thưa dần.

Chị Lê Thị Bé - vợ anh Điền, nói rằng kiếp vạn đò lênh đênh khiến vợ chồng chị thất học, nên luôn khát khao con cái được biết đến cái chữ. “Ai chẳng muốn tụi trẻ được học hành để nên người, nhưng nghèo rớt mùng tơi như vợ chồng tui thì lấy gì để cho con đến trường”- chị Bé bộc bạch.

Nghe hỏi chuyện con cái học hành, chị Dương Thị Cúc sống ở đò cạnh bên, kể rằng trẻ em ở khu tái định cư này thất học rất lớn. “Hồi ở đò trên thành phố đã không có điều kiện cho con cái đến lớp, đến đây cuộc sống khó khăn hơn thì mơ chi được chuyện học với hành”- chị Cúc giải thích.

Ông Trần Vãng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, cho biết, do cuộc sống quá khó khăn nên hiện rất nhiều trẻ em ở khu tái định cư Lại Tân không được đến trường. Những em được đến trường thì cũng phải bỏ học sớm, do gia đình không đủ sức nuôi và do các em phải cùng cha mẹ mưu sinh. Tại khu tái định cư vạn đò Hương Sơ, tình trạng trẻ em thất học cũng hết sức phổ biến.

Theo ông Nguyễn Văn Tín - Tổ trưởng Tổ dân phố 13, toàn tổ có 120 hộ thì có đến 40% gia đình con em thất học toàn bộ. Những hộ còn lại, con cái nếu được đến trường thì hầu hết chỉ học hết cấp 1.

Từ ngày hơn 300 hộ dân vạn đò được đưa về khu tái định cư Hương Sơ, một lớp học tình thương được mở tại nhà cộng đồng khu tái định cư để dạy chữ cho những trẻ em không có điều kiện đến trường. Chị Nguyễn Thị Hồng - một trong 2 giáo viên của lớp học tình thương này cho biết, thời kỳ đầu mở lớp, trẻ em đến học rất đông, nhưng rồi bỏ học từ từ. “Hầu hết các em đều phải mưu sinh từ sớm, nên dù được học miễn phí cũng không có điều kiện theo học. Nhiều em đến học được dăm bữa nửa tháng đã bỏ học để đi làm thuê làm mướn”- chị Hồng kể.

Một vòng quay nghiệt ngã đã và đang tiếp tục xảy ra với dân vạn đò TP. Huế từ khi còn ở sông cho đến khi được đưa về khu tái định cư: Cha mẹ thất học vì nghèo đói, con cái sinh ra cũng “theo lối” đấng sinh thành. Nghèo đói sinh ra thất học và thiếu sự soi sáng của con chữ sẽ khiến giấc mơ thoát nghèo của những hộ dân này không biết bao giờ thành hiện thực.

Đào tạo nghề “chết yểu”

Sau khi được đưa về các khu tái định cư Hương Sơ, Phú Hậu, Phú Mậu, 1.069 hộ dân vạn đò TP. Huế được hỗ trợ học nghề và chuyển đổi nghề nghiệp theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thừa Thiên- Huế giai đoạn 2011-2020. Các nhóm ngành nghề được đào tạo chủ yếu là may công nghiệp, thiết kế thời trang, dịch vụ du lịch, trang điểm, nuôi cá lồng, thêu. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp cho những hộ dân vạn đò này chưa mang lại hiệu quả.

Tổ trưởng Tổ dân phố 13 khu tái định cư vạn đò Hương Sơ Nguyễn Văn Tín bảo rằng, khi có chủ trương đào tạo nghề, ông đi khắp tổ vận động người dân tham gia và số người đăng ký cũng được vài chục. “Nhưng đến ngày khai giảng thì không một người dân nào đi học, mặc dù mỗi ngày đi học được hỗ trợ 10.000 đồng”- ông Tín kể.

Theo ông Tín, nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với việc học nghề là do phải đi học quá xa, trong khi không có phương tiện đi lại. Mặt khác, vấn đề tìm việc làm cũng không đơn giản. “Vừa rồi có xưởng may ở thành phố nhận 10 người trong tổ vào làm việc, nhưng chỉ một thời gian ngắn, tất cả những người này đều bỏ việc vì mức lương hàng tháng chỉ 750.000 đồng/người”- ông Tín cho biết thêm.

“Giờ để giải quyết nạn thất học phải có dự án, còn để người dân tự “bơi” thì tình trạng này còn kéo dài”.

Tại khu tái định cư vạn đò thôn Lại Tân, công tác đào tạo nghề cho người dân cũng trong tình trạng “chết yểu”. Theo UBND xã Phú Mậu, đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức 4 lớp đào tạo nghề cho người dân ở khu tái định cư này, mỗi lớp có vài trăm người theo học. Tuy nhiên, sau khi học xong, người dân không kiếm được việc làm theo nghề đã học, mà muốn tự tạo việc làm thì không đào đâu ra vốn.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Thoản - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, giải thích nguyên nhân khiến việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho dân vạn đò gặp khó khăn là vì trình độ học vấn và nhận thức về học nghề, tìm việc làm của người dân thấp. Mặt khác, hiện quy định về việc vay vốn rất chặt chẽ, trong khi người dân không có tài sản để thế chấp. “Cần có chính sách hỗ trợ về vốn vay để người dân tự tạo việc làm, người vay vốn phải được bảo lãnh của chính quyền địa phương. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cần quan tâm những đối tượng dân vạn đò hơn những đối tượng khác”- ông Thoản nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem