Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Đấu (SN 1945, ở xóm 25, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) khi
gia đình vừa tổ chức lễ tuần thất cho người mẹ xấu số này. Trong ngôi nhà nhỏ trống hoác không có
gì đáng giá, cháu Hoàng Anh Tuấn (SN 1997) - con trai của nghi can Hoàng Khắc Thắng - mới trở về từ
Điện Biên thay bố hương khói cho bà. Trong ký ức của cậu bé, người bố hiện ra thật đáng sợ, đặc
biệt là mỗi khi Thắng say rượu.
Bị Thắng thường xuyên hành hạ, nhưng có lẽ bà Đấu không ngờ mình sẽ chết dưới tay
con.
Bà Đấu vốn là người Anh Sơn, sau khi được phân công về Trạm giống Nghi Văn công tác, bà nên
duyên với ông Hoàng Khắc Cẩn và có với nhau 2 mặt con. Hai vợ chồng thường xuyên bất hòa và thường
được giải quyết bằng những trận cãi vã, đánh nhau. Khi mâu thuẫn không thể dung hòa, hai vợ chồng
đường ai nấy đi, ông Cẩn xây dựng gia đình với người phụ nữ khác khi cậu con trai cả Hoàng Khắc
Thắng đã yên bề gia thất.
Tưởng sau những đổ vỡ gia đình bà có thể tìm hạnh phúc bên những đứa cháu nội, thế nhưng hạnh
phúc tưởng chừng giản đơn ấy bà cũng không được hưởng. Trái lại, bà gần như phải nuôi "báo cô" đứa
con trai đầu ngỗ nghịch.
Lấy vợ, sinh liền 2 đứa con nhưng Thắng chẳng chịu chí thú làm ăn mà chỉ suốt ngày làm bạn với
rượu. Khi cơn say đã ngà ngà, chân nam đá chân chiêu, Thắng với ngật ngưỡng về nhà. Lúc say, Thắng
càng trở nên đáng sợ. Cứ vậy, gã thượng cẳng tay, hạ cẳng chân lên đầu vợ và hai đứa con thơ dại.
Mỗi lần bố say là mỗi lần Tuấn cùng em gái sợ chết khiếp, nhất là khi chứng kiến bố chốt chặt cửa
và đánh mẹ không tiếc tay.
Trong kí ức của
Tuấn, Hoàng Khắc Thắng là người cha nát rượu, hay đánh đập vợ con.
"Mỗi lần bố đánh mẹ, bà nội lại chạy sang can ngăn. Lần nào bà sang ngăn cũng bị bố chửi", Tuấn
nhớ lại. Chịu đựng người chồng nát rượu, vũ phu được gần 10 năm thì chị Thúy bồng đứa con thứ 2 mới
được 7 tuổi lên Điện Biên làm thuê. Vợ đi, căn nhà xiêu vẹo cũng sập, Thắng ôm quần áo và mang Tuấn
về nhà bà Đấu ở. Khi đã ổn định, năm 2008, chị về đón Tuấn ra ở cùng.
Kể từ đây, những trận đòn được giáng xuống người mẹ khốn khổ đã sinh thành và nuôi dưỡng Thắng.
Ông Nguyễn Kim Định - hàng xóm bà Đấu - kể: "Thắng là đứa siêng ăn nhác làm lại ưa rượu chè, nhậu
nhẹt. Thỉnh thoảng nó cũng đi phụ hồ, làm xây nhưng bao nhiêu tiền làm ra đều đổ vào chai rượu hết.
Hết rượu, không có tiền mua thì nó đòi mẹ. Bà Đấu không cho thì nó chửi, nó đánh rồi đuổi khắp
làng. Nhiều hôm thấy nó về nhà trong tình trạng say khướt, bà Đấu phải trốn sang nhà hàng xóm ngủ
nhờ".
Ông Thưởng - một người hàng xóm khác - phẫn nộ: "Nó rượu chè bê tha, mẹ khuyên ngăn thì đánh, chửi
cả mẹ. Những lần trước, nó đánh bà Đấu, chúng tôi chạy sang ngăn được. Dạo gần đây, cứ đêm đến, nó
đóng cửa đánh mẹ, sáng mai hàng xóm thấy mặt mũi, chân tay bà ấy bầm tím mới biết".
Ngôi nhà của bà
Đấu, nơi Thắng về ăn bám gần chục năm trời và ra tay giết hại mẹ trong cơn say.
Bị Thắng đánh đập thường xuyên, hàng xóm thương tình động viên bà viết đơn báo cáo chính quyền,
nhờ người ta dạy dỗ Thắng. Vậy nhưng, vừa sợ, vừa thương con, bà Đấu không nỡ. Chỉ đến khi bà đủ
quyết tâm viết đơn tố cáo hành vi bạo hành của đứa con thì đã quá muộn.
Ông Đính kể: "Tối ngày 1.12, Thắng lại đánh bà Đấu. Mọi chuyện chỉ dừng lại khi hàng xóm sang
ngăn và dọa báo công an rồi đưa bà Đấu đi cấp cứu. Sáng ngày 2.12, sau khi được đưa đến Trạm y tế
để cấp cứu, bà Đấu dần tỉnh táo trở lại. Bà ấy bảo, lần này sẽ viết đơn tố cáo thằng Thắng. Chỉ vì
nó đòi tiền, bà không có để đưa mà trong cơn say nó nỡ đánh mẹ đến thế này".
Theo đó, tối ngày 1.12, sau khi uống rượu ở một nhà dân trong xóm, Thắng về nhà. Lúc này, bà Đấu
đã buông màn đi ngủ. Thắng lè nhè hỏi rượu để uống tiếp. Bà Đấu chỉ phần rượu còn lại trong chai
cho Thắng, đồng thời dặn Thắng rượu trong ấm để thắp hương, không được uống.
Sau khi tu hết gần nửa
chai rượu, Thắng lớn tiếng hỏi "Tiền mô?". Trước đó mấy ngày, Thắng có hỏi vay bà Đấu tiền để đi
giỗ. Lần này, thấy Thắng đòi tiền, bà Đấu trả lời không có tiền. (Trướcđó, theo thông tin
banđầu từ phía công an thì nguyên nhân do Thắngđánh mẹ là do chưa nấu cơm -
PV).
Bà vừa dứt lời, Thắng nhảy lên giường, chân đè lên người, hai tay nhè đầu, mặt bà Đấu đánh liên
tiếp. Bị đánh, bà Đấu chỉ biết đưa hai tay lên ôm lấy đầu và kêu cứu. Một người hàng xóm nghe tiếng
kêu liền chạy sang, đập cửa nhưng Thắng nhất định không mở. Khi người này dọa sẽ báo công an, Thắng
mới dừng tay. Thấy bà Đấu bị thương, hàng xóm đã gọi điện báo công an đồng thời đưa nạn nhân đến
Trạm y tế xã cấp cứu.
"Ngay trong đêm, công an xã đã đến và đưa Thắng về trụ sở để làm việc. Ngồi sau xe công an nhưng
nó vẫn ngoảnh lại đe dọa: "Ở nhà cứ liệu đó. Tau mà về thì chết với tau", ông Định kể tiếp.
Sau một đêm cấp cứu tại Trạm y tế xã Nghi Phương, tình trạng bà Đấu càng xấu hơn nên được chuyển
xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bà bị nhiều vết thương bầm
tím, sưng ở gáy, đầu, mặt và hai cánh tay. Lúc này, sợ bị bắt, Thắng đe dọa người em dâu không được
khai báo là bà Đấu bị đánh mà chỉ được nói là bà ngã nên bị thương.
Ông Nguyễn Kim
Định bức xúc trước hành vi của Hoàng Khắc Thắng.
Do vết thương quá nặng, sau 2 ngày điều trị tại bệnh viện, sáng ngày 4.12, bà Nguyễn Thị Đấu đã
tử vong. Sáng cùng ngày, Công an huyện Nghi Lộc đã quyết định bắt khẩn cấp Hoàng Khắc Thắng để điều
tra hành vi giết người.
"Sáng ngày 2.12, khi tỉnh lại ở Trạm y tế, bà Đấu nói lần này sẽ viết đơn tố cáo thằng Thắng.
Đơn chưa kịp viết thì bà ấy chết rồi. Lâu nay nó đánh chửi mẹ, dân làng chúng tôi phẫn nộ, bức xúc
lắm nhưng bà Đấu cứ thương con, không nỡ báo chính quyền. Giờ thì…", ông Định thở dài.
Chiều ngày 10.12, trao đổi với chúng tôi, đại tá Trần Sỹ Phàng - Trưởng Công an huyện Nghi Lộc
- cho biết: "Cơ quan điều tra đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Hoàng
Khắc Thắng về hành vi giết người. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra, làm rõ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.