Thị trường Mỹ tại thời điểm đó đã vô cùng rối ren khi hàng loạt ngân hàng có nguy cơ phá sản, thị trường bong bóng bất động sản muốn nổ tung khiến hàng loạt nhà đầu tư tháo chạy khỏi phố Wall. Chính quyền Washington lúc này đã ban hành gói cứu trợ 700 tỷ USD để mua lại tài sản của các ngân hàng đang bên bờ vực phá sản nhưng điều này không giúp nền kinh tế khởi sắc hơn.
CEO nổi tiếng Warren Buffett trả lời điện thoại trong một cuộc phỏng vấn. (Nguồn: CNBC).
"Trong khi các nhà lãnh đạo làm việc để thông qua gói cứu trợ thì tình hình vẫn ngày càng xấu đi. 2 ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Mỹ là Wachovia và Washington Mutual phá sản. Bởi vậy chúng tôi cần một giải pháp có tác dụng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn nữa", Bộ trưởng Paulson nhớ lại.
Giữa thời điểm tất cả các chuyên gia kinh tế trên toàn nước Mỹ đau đầu tìm cách giải quyết, tỷ phú Warren Buffett đã gọi điện cho Bộ trưởng Paulson và đề xuất ý tưởng tuyệt vời của mình.
Ý tưởng từ vị tỷ phú
Ban đầu ngài bộ trưởng không ngờ đến cuộc gọi này và nghĩ đó là người giúp việc nhà mình.
Ngay khi nhận ra người mình nói chuyện là ai, Bộ trưởng Paulson chăm chú lắng nghe và đánh giá ý tưởng của tỷ phú Buffett cực kỳ có giá trị. Cụ thể, Warrenn Buffett cho rằng chính phủ nên “bơm thêm vốn cho các ngân hàng thay vì chỉ chăm chú cố gắng mua lại tài sản của những ngân hàng sắp vỡ nợ”.
Ngày 13/10/2008, CEO của những ngân hàng lớn như Morgan Stanley, JP Morgan, Goldman Sachs hay Merill Lynch đã đến trụ sở của Bộ tài chính để thảo luận về đề xuất của vị tỷ phú Warren Buffett.
Mặc dù vậy, không phải ngân hàng nào cũng cần sự trợ giúp của chính phủ lúc đó và thậm chí nhiều CEO còn từ chối do lo ngại việc nhận tiền từ chính phủ sẽ khiến công chúng và nhà đầu tư hiểu lầm rằng họ đang gặp khó khăn, khiến các nhà đầu tư sẽ rút tiền khỏi ngân hàng của họ. May mắn thay, Bộ trưởng Paulson thuyết phục rằng việc bơm thêm vốn sẽ gia tăng niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế vĩ mô và cuối cùng các CEO cũng đã đồng ý.
Đây là lý do cho động thái bơm 250 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng của Bộ Tài chính sau đó.
Phản ứng trái chiều
Tuy nhiên kế hoạch này không được chấp nhận rộng rãi trên đất Mỹ. Một số cuộc biểu tình đã diễn ra để phản đối việc sử dụng tiền thuế của nhân dân để cứu những nhà đầu tư giàu có Phố Wall, những kẻ mà người dân cho rằng đã bất chấp rủi ro tài chính để đầu tư mạo hiểm.
Hàng loạt những biểu ngữ phản đối như "Đổi tiền lấy đống nợ" hay "Cứu trợ những người lao động chứ không phải lũ giàu"… được người dân sử dụng trong các cuộc biểu tình.
Biểu tình phản đối diễn ra trên khắp nước Mỹ. (Nguồn: LSE).
"Tôi nghĩ vẫn còn có nhiều người tin rằng chúng tôi bơm tiền chỉ để cứu trợ các công ty và Phố Wall và chúng tôi đang cố giúp những người giàu trong mảng tài chính chứ không phải vì lợi ích của nền kinh tế Mỹ", Cựu chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke nói.
Kể từ năm 2009, thị trường Mỹ bắt đầu dần hồi phục và cựu bộ trưởng Paulson nhận định việc bơm vốn là một trong những chương trình cứu trợ thành công nhất, nhưng cũng bị ghét nhất trong lịch sử nhân loại.
Ngay cả Cựu tổng thống George W Bush cũng phải thừa nhận đây là chương trình cứu trợ tuyệt vời nhất trong lịch sử dù ông không đưa ra được bằng chứng cụ thể cho luận điểm này.
Mới đây, Cựu Chủ tịch Cục dữ trữ Liên bang Janet Yellen nhận định tỷ lệ tín dụng của Mỹ đang bước vào ngưỡng đáng cảnh báo. Tháng 9 vừa qua, tỷ phú Buffett cũng nhận định một cuộc khủng hoảng mới là không thể tránh khỏi do những yếu tố con người như tham lam, ghen tỵ trên thị trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến nền kinh tế lâm vào khủng hoảng 10 năm trước và thật không may là tỷ phú Buffett cho rằng chúng là một phần tất yếu không thể tránh khỏi của hệ thống.
Ông Donald Trump đồng thời cũng là người lớn tuổi nhất từng nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.