Cậu bé đoàn tụ bên gia đình sau 3 năm bị bắt làm nô lệ. Ảnh: CNN.
Lazem lặng lẽ chơi một mình trên nền cát của một sân bóng dưới cái nắng gắt mùa hè của Iraq. Sau nhiều năm bị bắt làm nô lệ cho IS, Lazem được giải cứu bởi những người có trách nhiệm. Nhưng cậu bé 4 tuổi hoàn toàn cô độc. Chỉ đến khi đoàn tụ với gia đình, Lazem mới biết được tên thật của em.
Là thành viên tnhóm sắc tộc thiểu số Yazidi, Lazem bị bắt cóc khỏi gia đình khi lực lượng IS cướp phá tỉnh Sinjar, miền Bắc Iraq, tháng 8/2014. Hàng nghìn đàn ông Yazidi bị sát hại, trong khi phụ nữ và trẻ em bị bắt làm nô lệ và bị trao đổi như hàng hóa.
3 năm đã trôi qua kể từ ngày đau thương ập xuống cộng đồng Yazidi, thế cục tại Trung Đông đã xoay vần rất khác. IS bị đánh bật khỏi Iraq, trong khi thủ đô tự xưng của chúng tại Syria, Raqqa, vừa được liên quân do Mỹ lãnh đạo giải phóng.
Ngày tàn của IS đã cận kề, nhưng những đường dây mua bán nô lệ, đặc biệt là nô lệ trẻ em, bị các chiến binh IS bắt cóc, vẫn đang nở rộ.
11 lần mua bán sau 3 năm
Marwan mới 11 tuổi khi em bị bắt cóc trong trận càn quét của IS tại Sinjar năm 2014. Trong 3 năm ngắn ngủi, Marwan bị mua đi bán lại không dưới 11 lần, di chuyển liên tục trong lãnh thổ kiểm soát bởi IS.
Ban đầu, Marwan được những ông chủ sử dụng như người hầu trong nhà. Sau đó, em được IS đào tạo để cầm súng. Marwan bị buộc phải học những lý giải cực đoan của IS về giáo lý đạo Hồi trước khi bị đẩy ra tiền tuyến, nơi em gặp hàng trăm chiến binh trẻ em cùng cảnh ngộ.
"IS dạy cháu cách sử dụng súng RPG, súng Doshka, súng lục và lựu đạn", Marwan nói với những người đã giải cứu và đang đưa em về nhà.
Những khẩu súng máy nặng nề dường như nặng quá sức so với độ tuổi 11 của những đứa trẻ như Marwan. Nhưng cậu bé mở tròn mắt và khẳng định: "Cháu có thể làm được, cháu rất khỏe".
"Đối với chúng (các chiến binh IS), các em chỉ là những món hàng. Chúng không quan tâm nếu các em bị giết hay tấn công", Abdullah Shrem, điều phối viên Chương trình Giải cứu trẻ em bị bắt cóc nói với CNN.
Những chương trình đào tạo man rợ
Không quan tâm về tính mạng các em, IS cũng chẳng lo ngại các tù binh có thể phản kháng dù được giao vào tay những cỗ máy giết người. Ở độ tuổi quá nhỏ để nhận thức đầy đủ, các em dễ dàng bị IS tẩy não và trở thành một chiến binh tử vì đạo cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Các nhân chứng thoát khỏi bàn tay của IS cho biết trẻ em bị bắt cóc phải tham gia vào những buổi đào tạo man rợ, nơi các em phải tận mắt chứng kiến những cảnh hành quyết tù binh ngoại đạo. IS thậm chí tổ chức những cuộc thi cho các chiến binh nhí, ai cắt cổ tù binh nhanh hơn sẽ là người chiến thắng.
Bị cách ly khỏi gia đình, thiếu thốn sự quan tâm và tiếp xúc với bạo tàn trong một thời gian dài, những tù binh trẻ tuổi dần trở thành những tay súng máu lạnh không biết tới hai chữ "nhân từ" chiến đấu cho màu cờ đen của IS.
"Sử dụng chiến binh trẻ em đồng nghĩa với việc không phải trả lương, như vậy chúng sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí", UNICEF nhận định về tình trạng sử dụng chiến binh trẻ em tại Trung Đông.
Các chiến binh trẻ em cũng là những đối tượng dễ bảo hơn so với lính đánh thuê nước ngoài, một lực lượng từng rất đông đảo với con số khoảng 10.000 và từng là trụ cột trong hàng ngũ IS. Các em thường ngoan ngoãn tuân theo mệnh lệnh và không đào tẩu khỏi vị trí dù trong tình trạng tính mạng bị đe dọa.
"Cháu từng cảm thấy tự hào, mạnh mẽ và có lý tưởng sống", Yasir, 15 tuổi, trả lời CNN về quãng thời gian cầm súng chiến đấu tại Deir Ezzor, một thành trì của IS ở Syria.
Cậu bé người Syria từng vui sướng khi đứng trong hàng ngũ IS với niềm tin rằng mình đang bảo vệ cho những chuẩn mực đạo đức cao quý nhất của Hồi giáo. Nhưng qua thời gian, cậu vỡ mộng khi nhận ra IS không tồn tại hay chiến đấu vì bất cứ lý tưởng nào.
Cải đạo, hành quyết và nô lệ tình dục
Nadia Murad (trái) và Lamiya Ali Bashar (phải) sau khi trốn thoát khỏi căn cứ của IS. Ảnh: AP
Trong khi những trẻ em nam bị đẩy ra chiến trường làm lá chắn sống, những bi kịch tồi tệ khác đến với trẻ em nữ rơi vào tay IS. Từng mơ ước trở thành một chuyên gia trang điểm, Nadia Murad nay chìm trong ám ảnh về những tháng ngày kinh hoàng mắc kẹt giữa hang ổ của IS.
Nadia bị bắt năm 15 tuổi khi IS tràn vào ngôi làng cô sinh sống tại Kocho, Iraq. Dân làng, vốn theo đạo Thiên Chúa, có 2 lựa chọn: cải sang đạo Hồi hoặc bị hành quyết ngay lập tức. Đối với trẻ em gái và phụ nữ trẻ tuổi, con đường thứ 3 được định sẵn: "nô lệ tình dục".
Địa ngục trần gian đến với Nadia không lâu sau khi cô rơi vào tay IS. Cô, cũng như hàng nghìn cô gái trẻ khác, trở thành "thú vui giải trí" cho những gã đàn ông xa lạ, trước khi bị trao đổi sang tay một chiến binh khác.
"Nô lệ tình dục được coi là một phần thưởng dành cho những chiến binh trung thành của IS, và đồng thời là một loại vũ khí đánh vào tinh thần của những nhóm phi Hồi giáo", giáo sư Katherine E. Brown, nhà nghiên cứu đạo Hồi từ Đại học Birmingham, nói với Independent.
Những nạn nhân như Nadia có thể bị rao bán ngoài chợ như những món hàng cho các chiến binh IS. Các em sẽ trở thành tài sản riêng của người trả giá cao nhất.
Đôi khi, thú vui thể xác là không đủ với những tay súng IS. Nadia cho biết cô phải chịu đựng những trò hành hạ man rợ dưới tay những "ông chủ" chiến binh, những nỗi đau "không nói nên lời" và "có lẽ không bao giờ phai nhạt".
Trốn thoát khỏi tay các chiến binh IS không hề dễ dàng. Nếu bị bắt lại, những cô bé như Nadia có nguy cơ bị tra tấn hay thậm chí bị hành quyết. Đôi khi, tử thần ẩn nấp dưới những bãi mìn được IS chôn rải rác trong sa mạc xung quanh các căn cứ của chúng. Những bãi mìn như thế đã hủy hoại thân thể, và đôi khi cướp đi sinh mạng, của hàng trăm người tìm cách bỏ trốn.
Gian nan hành trình về nhà
Chính quyền khu vực Kurdistan (KRG), một thực thể bán tự trị quản lý vùng lãnh thổ của người Kurd ở miền bắc Iraq, cho biết hàng triệu USD đã được chi trả để chuộc lại những nô lệ từng bị IS bắt giữ.
Sau khi được các chiến binh IS bán đi, các nô lệ trẻ em có thể lại rơi vào tay của những tay buôn người với dã tâm đen tối. Đây là những kẻ sẵn sàng dù mọi thủ đoạn làm khó các gia đình tìm kiếm người thân hòng bán lại các em với giá cao nhất có thể.
Marwan và Lazem là hai trong sốt ít những trẻ em may mắn được những người hảo tâm cứu thoát khỏi thị trường buôn bán nô lệ tại chiến trường Trung Đông. Dù vậy, con đường trở về với người thân của các em không hề bằng phẳng.
Khi cha của Lazem, người duy nhất trong gia đình không bị IS cầm giữ, được đưa tới Thổ Nhĩ Kỳ để nhận lại con, ông đã đối mặt với những khó khăn mà xem ra hết sức nực cười.
"Họ không tin nó là con trai tôi. Họ nói làm thế nào mà nó lại nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ còn tôi thì không biết lấy một chữ tiếng Thổ", Abdu Ali, cha của Lazem, nói với CNN.
Lazem bị bắt đi khi còn rất nhỏ khi còn chưa nói sõi ngôn ngữ mẹ đẻ. Lớn lên bên những kẻ bắt cóc người Thổ Nhĩ Kỳ, ngôn ngữ duy nhất Lazem hiểu là tiếng Thổ.
Hai cha con Lazem đã phải trải qua kiểm tra huyết thống để xác minh mối quan hệ. Hai tháng sau ngày ông Ali tới Thổ Nhĩ Kỳ, hai cha con mới có thể đoàn tụ và trở về Iraq.
Cách đó hàng trăm km, Marwan được chào đón trong vòng tay yêu thương của gia đình tại thị trấn Zakho, miền Bắc Iraq. Bị IS cầm giữ khi đã dần có những nhận thức đầu tiên rõ ràng về thế giới, ký ức về IS và sự tàn bạo của chúng trong tâm trí Marwan, dường như, ám ảnh và sống động hơn nhiều so với cậu bé 4 tuổi Lazem
Trong giây phút đoàn tụ với gia đình, Marwan, đứa trẻ từng trải qua những buổi huấn luyện tàn bạo, phải cố kìm lấy những giọt nước mắt. Sâu thẳm trong tâm trí cậu, cuộc chiến nội tâm, giữa một chiến binh cậu bị ép phải trở thành và một cậu bé hồn nhiên lương thiện cậu từng là, chắc hẳn đang diễn ra.
"Cha con đâu rồi? Em trai con đâu rồi?", người bà đã quá tuổi 70 của Marwan lặp đi lặp lại, hướng cặp mắt về những người đã giải thoát Marwan, với niềm hy vọng được chút tin tức tốt lành về con trai và cháu của bà.
Dù Marwan đã trở về từ địa ngục, gia đình em vẫn trong cảnh ly tán. Và gia đình Marwan không phải là những nạn nhân duy nhất của cuộc chiến tàn khốc trên sa mạc Trung Đông.
Duy Anh (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.