Vai diễn ni cô Huyền Trang đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp
NSƯT Thanh Loan sinh năm 1951 tại Hà Nội trong một gia đình có 8 người con, không ai theo nghệ thuật. Từ khi còn niên thiếu, nhan sắc của bà đã nổi tiếng khắp khu phố. Đến năm 16 tuổi, bà theo học diễn viên trong trường Nghệ thuật Quân đội, sau đó về công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị.
Trước khi nổi tiếng với Biệt động Sài Gòn, Thanh Loan từng góp mặt trong nhiều bộ phim như: Bài ca ra trận; Tuổi thơ; Bản đề án bị bỏ quên; Phương án ba bông hồng… Tại những tác phẩm này, bà thường xuyên được giao những vai cô giáo, giao liên, kỹ sư… có tính cách hiền lành, nhẹ nhàng.
Năm 1986, bước ngoặt tới với cuộc đời Thanh Loan khi vai diễn ni cô Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn được đông đảo công chúng biết tới. Bộ phim của đạo diễn Long Vân cũng trở thành tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, với số khán giả xếp hàng dài mua vé đi xem phim ở các rạp chiếu khắp từ Nam ra Bắc.
Phim Biệt động Sài Gòn gồm 4 tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông và Trả lại tên cho em do Lê Phương và Nguyễn Thanh viết kịch bản, được bấm máy từ năm 1982 và kéo dài khoảng 4 năm. Chia sẻ với PV Dân Việt về cơ duyên tham gia vai diễn này, nghệ sĩ Thanh Loan cho biết: "Năm 1984, khi đi công tác vào TP.HCM, tôi tình cờ gặp họa sĩ thiết kế mỹ thuật chính của bộ phim. Anh nói đoàn phim Biệt động Sài Gòn đã quay được hơn một năm nhưng vẫn chưa tìm ra người đảm nhận vai ni cô Huyền Trang. Tôi đề nghị anh cho mình đọc kịch bản, ngay sau đó, tôi đã bị thuyết phục bởi nhân vật cá tính, nhiều đất diễn. Cũng bởi vậy, tôi gặp đạo diễn Long Vân, sau đó xin phép cơ quan để đi làm phim".
Hình ảnh nữ chiến sĩ biệt động khoác áo tu hành với vẻ đẹp cuốn hút, ánh mắt sâu thẳm đã ghi sâu trong khán giả nhiều thế hệ. Nhiều người quên tên thật của Thanh Loan, thường gọi chị là ni cô Huyền Trang. "Vai diễn nữ chiến sĩ biệt động ni cô Huyền Trang đến với mình như định mệnh, tôi luôn coi đó là dấu son đẹp đẽ trong cuộc đời mình. Khi nhắc tới vai diễn này, tôi luôn tự hào, hạnh phúc".
Để quay Biệt động Sài Gòn, NSƯT Thanh Loan phải cắt phăng mái tóc dài, chuyển sang tóc tém bởi thời đó không có phương pháp hóa trang bằng mũ cao su để bịt đầu. Bà cũng phải vào chùa Dược Sư sinh sống một tuần, ăn cơm chay và tập cách tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông, đi khất thực. Nghệ sĩ còn tập chèo ghe, ngâm mình trong sông nước Nam Bộ để vào vai một nữ chiến sĩ biệt động anh dũng, quả cảm.
Vai ni cô Huyền Trang là vai diễn xuất sắc nhất, cũng là vai diễn cuối cùng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSƯT Thanh Loan. Sau đó, bà chuyển sang làm phát thanh viên, đạo diễn, nhiều năm liền giữ chức vụ Phó Giám đốc Hãng phim Công an.
Cuộc hôn nhân hạnh phúc với người chồng là Giáo sư, Tiến sĩ
NSƯT Thanh Loan kết hôn năm 23 tuổi. Ở tuổi thanh xuân kiều diễm, bà được đạo diễn Thu Chung giới thiệu cho cháu trai, người vừa du học chuyên ngành Toán Tin mới về nước. Ngay từ lần gặp đầu tiên, họ đã cảm mến nhau. Trong mắt NSƯT Thanh Loan, chồng vừa giỏi lại điển trai, văn minh, tinh tế.
Sự ủng hộ của chồng và mẹ chồng đã giúp bà có thể tham gia bộ phim Biệt động Sài Gòn, bởi thời gian quay kéo dài nhiều năm liền: "Chồng tôi là Giáo sư, Tiến sĩ sống nhiều năm ở nước ngoài nên rất thông cảm cho nghề nghiệp của vợ. Mẹ chồng tôi lại là người phụ nữ hiện đại và văn minh" - NSƯT thanh Loan chia sẻ.
Trong thời gian đóng 4 tập phim Biệt động Sài Gòn, chồng NSƯT Thanh Loan ở Đức, chỉ có mẹ chồng và các con ở nhà. Mẹ chồng bà không những giúp trông cháu, mà còn thi thoảng vào đoàn làm phim để gia đình đoàn tụ, gặp gỡ.
Khi trở thành Phó giám đốc hãng phim Công an, NSƯT Thanh Loan bận rộn hơn, nhưng chồng bà vẫn luôn hiểu, thông cảm và hỗ trợ vợ công việc gia đình. Ông còn lo chuyện bếp núc, nội trợ để đỡ đần vợ.
Ở tuổi ngoài 70, NSƯT Thanh Loan sống vui vẻ, tích cực. Bà cho biết mình là người thích ngao du, luôn mong được ông trời cho sức khỏe để tiếp tục có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.