Cuộc thi ảnh báo chí Đất và Người: Hãy sát cánh với nông dân hơn nữa

Thứ ba, ngày 04/03/2014 06:13 AM (GMT+7)
Cuộc thi ảnh báo chí “Đất và Người” do Báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức là cuộc thi có khá nhiều điểm đặc biệt và lý thú mà nhiều cuộc thi khác không làm được như vậy.
Bình luận 0
Ảnh dự thi cũng là ảnh đăng báo

Đa phần các cuộc thi ảnh, tác phẩm nằm trong phong bì dài ngày, đến hẹn, Hội đồng giám khảo mới xem xét và tuyển chọn để trao giải.

Khen thưởng 5 tác phẩm xuất sắc giai đoạn đầu cuộc thi

Căn cứ nội dung cuộc họp sơ kết cuộc thi ảnh Đất và Người ngày 20.2.2014, Ban Biên tập Báo NTNN đã quyết định khen thưởng 2 ảnh đơn và 3 phóng sự ảnh thể hiện xuất sắc tiêu chí cuộc thi, có sự đồng cảm lớn với cuộc sống của người dân nông thôn. Mức thưởng chung 1 triệu đồng/tác phẩm.


Các tác phẩm được khen thưởng:


1. Mưu sinh nơi đáy giếng - Ảnh đơn - tác giả Ngọc Vũ (Quảng Trị).
2. Sân chơi nơi cổng viện - Ảnh đơn - tác giả Xuân Thủy (Ninh Bình).
3. Mưa xuống chợ rau đêm - Ảnh bộ - tác giả Minh Huệ (Hà Nội).
4 Bình dị xung quanh tôi - Ảnh bộ - tác giả Nguyễn Thị Ngân (Hà Nội).
5. Nông dân Sa Pa - Sau mưa tuyết, nắng lên mới là lúc khóc - Ảnh bộ - tác giả Thanh Tú (Lào Cai).

Trong cuộc thi này, ảnh gửi về đến đâu khai thác sử dụng đến đó nên dù các tác phẩm chưa thực sự xuất sắc, nhưng nó thích hợp với nhu cầu thông tin. Tác giả vui vì thấy lao động của mình hữu ích, tòa soạn có thêm một nguồn thông tin hình ảnh rất thực tế từ cuộc sống; ví dụ trong đợt rét hại vừa qua, khi tuyết phủ trắng Sa Pa, tác giả Thanh Tú đã gửi về từ rất sớm tác phẩm “Tuyết tái rơi ở Sa Pa, trâu bò lại chạy rét” và ngay lập tức được cả báo giấy và điện tử Dân Việt (Danviet.vn) dùng trên trang nhất. Điều thú vị nhất là Thanh Tú không hướng ống kính vào sự “kỳ thú” của băng tuyết mà hướng về những người nông dân trong giá rét. Rồi ngày hôm sau, cũng tác giả này đã nghỉ làm để thực hiện phóng sự ảnh “Sau mưa tuyết, nắng lên mới là lúc khóc” được người xem rất quan tâm.

Nếu tác phẩm hôm trước không đăng, liệu Tú có nghỉ việc để thực hiện phóng sự ảnh (PSA) thứ hai và những bức ảnh tiếp theo không? Chắc là khó. Tôi biết mới đây nhất, tác giả này lại đuổi theo những người nông dân Sa Pa nay phải xuống vùng thấp thuê nương làm, tránh rét, để làm PSA mới “Du canh trốn rét”. Sự đồng cảm của người cầm máy với cuộc sống người dân đã được “phụ họa” bởi cơ quan báo chí và “cộng hưởng” lên hàng nghìn lần khi đến ngay với bạn đọc. Đó là điều rất vui mà cuộc thi ảnh Đất và Người đã làm được.

Nông dân Sa Pa đưa trâu đi tránh rét.
Nông dân Sa Pa đưa trâu đi tránh rét.

HỘI ĐỒNG CHUNG KHẢO

1. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Khánh, Chủ tịch hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Chung khảo, Trưởng ban Giám khảo.

2. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - ủy viên

3. Họa sĩ Lê Thiết Cương - ủy viên.

4. Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Văn, Báo Lao động - ủy viên.

5. Nhà báo Lương Xuân Trường, biên tập viên ảnh, Báo NTNN - ủy viên.

Xem thêm

>> Thể lệ cuộc thi ảnh báo chí Đất & Người

Rất nhiều tác giả băn khoăn, do dự khi máy ảnh của mình có độ phân giải thấp… không thể đọ với những chiếc máy khủng của những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Các bạn đừng lo, máy ảnh du lịch, thậm chí điện thoại di động vẫn chụp ra những bức ảnh báo chí tốt. Điều quan trọng là tác giả chụp được sự kiện, sự việc, con người có giá trị thông tin cao, kịp chuyển nó về tòa soạn để đưa đến người xem.

Ngay các quốc gia có nền kinh tế, báo chí phát triển ở châu Âu, Mỹ, các tòa soạn báo cũng rất đề cao những bức ảnh “nghiệp dư” này. Những bức ảnh ấy đứng “bệ vệ” trên những trang báo quan trọng bởi vì tính chân thực, nó là bằng chứng của sự kiện, là thông điệp trực tiếp từ cuộc sống. Cần phải nói rõ: Thanh Tú đã chụp những PSA ở Sa Pa bằng điện thoại di động.

Báo do dân và của dân

Hiện tại ở nước ta có hàng triệu người có máy ảnh du lịch, điện thoại di động có thể chụp ảnh, hàng vạn người có máy ảnh chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Hầu hết khi có sự kiện họ đều chụp vì thấy… hay hay, chụp để lưu giữ và chia sẻ với những người xung quanh mình điều không dễ được thấy. Đó là nguồn ảnh khổng lồ cho tờ báo và cho cuộc thi ảnh “Đất và Người”.

 Mưu sinh nơi đáy giếng.
Mưu sinh nơi đáy giếng.

Bạn gái khuyết tật Nguyễn Thị Ngân ở Ba Vì (Hà Nội) đã đến với cuộc thi ảnh theo một cách đặc biệt: Chia sẻ tâm sự bằng hình ảnh. Những “lời” tâm sự thực bình dị mà tôi biết có bạn đọc phải thốt lên: “Ngân hãy chụp nữa đi, chụp thật nhiều, để qua ống kính của em, chúng tôi được thấy cuộc đời này hãy còn đáng yêu và vô cùng đáng sống”. Nhiều người thích bức ảnh “Mưu sinh nơi đáy giếng” của Ngọc Vũ (Quảng Trị), “Sân chơi nơi cổng viện” của Xuân Thủy (Ninh Bình), “Mưa xuống chợ rau đêm” của Minh Huệ (Hà Nội)... Tôi muốn nhắc đến những tay máy mạnh của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh trên mọi vùng miền: Hình như chưa thấy các bạn trong cuộc thi này? Xin hãy sát cánh cùng nông dân, những người làm ra sản phẩm nuôi sống chúng ta. Đây vừa là sân chơi, cũng là nơi thử sức nhẹ nhàng, khác lạ ở bình diện truyền thông đại chúng.

Chưa động đến lõi vỉa quặng


Đợt sơ kết vừa qua cho thấy đa phần tác giả mới chú trọng về ảnh làm ăn vất vả, khó khăn của người dân nông thôn, bề nổi của lễ hội… Chưa có nhiều vấn đề cốt lõi, những vấn đề bức xúc cần giải quyết, cũng như những đổi mới, những điển hình tiên tiến của nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Nhiếp ảnh đủ khả năng và điều kiện khẳng định cái mới, tốt đẹp trong xã hội nói chung và nông thôn nói riêng. Xin ví dụ đơn giản về gương 62 nông dân xuất sắc mà Báo NTNN vừa tham gia tôn vinh là những chân dung rất thú vị cho các tay máy tham gia cuộc thi.

"Có thể nói cuộc thi Đất và Người của Báo Nông Thôn Ngày Nay đã đi đúng xu thế của báo chí hiện đại, cũng như mọi sự, khởi đầu thường nhiều gian khó. Ở cuộc thi này, sự khởi đầu gian khó dường như đã bớt, để nhìn thấy nhiều kỳ vọng”.
NSNA Chu Chí Thành

Rồi các đề tài như biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, xây dựng thương hiệu nông sản. Sự vật lộn vươn lên của những người nông dân nhỏ bé là đề tài lớn, đích thực là vùng lõi của vỉa quặng sáng tạo cho các tay máy đến với cuộc thi.

Không ít người cho rằng “tam nông” ở ta vẫn như xưa- mùa vụ lặp đi lặp lại, có khác chăng cũng không nhiều. Nơi không cày bằng trâu bò thì cày máy, nơi không gánh lúa kẽo kẹt thì chở bằng xe công nông, không tát gầu thì bơm... Nếu chỉ thấy như vậy thì quá giản đơn. Cần đi sâu hơn nữa vào quá trình sản xuất hàng hóa của nông dân và sự phân hóa xã hội ở nông thôn. Tại sao có nơi đổi giống lúa, có nơi bỏ lúa trồng màu, nơi bỏ màu trồng cây công nghiệp, cây ăn quả… Vì sao có nơi người dân bỏ ruộng ra thành phố, lại có người bỏ thành phố về nông thôn lập trang trại. Nhiếp ảnh có thể ghi lại những thực tế đó, lý giải bằng những thể loại ảnh- ảnh tin, ảnh tường thuật, phóng sự ảnh, bộ ảnh tài liệu…

Đợt đầu, cho đến nay, nhiều tác giả gửi serie ảnh xoay quanh một chủ đề. Riêng ảnh tin còn ít, thể loại chủ lực của báo chí như thế là chưa ổn. Với ảnh bộ rõ ràng cần cô đọng hơn nữa và cần sự đầu tư chiều sâu hơn nữa.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam) (Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem