Cuộc thi Ký ức Hà Nội như hạt phù sa tạo thành màu mỡ của đất Hà Nội
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cuộc thi Ký ức Hà Nội như hạt phù sa tạo thành màu mỡ của đất Thủ đô
Đình Việt - Ngọc Huyền
Thứ ba, ngày 17/10/2023 14:56 PM (GMT+7)
"Đối với tôi, những ký ức được nhắc đến trong các bài viết là chất liệu mà không nguồn tư liệu nào thay thế được. Những cuộc thi như thế này tưởng nhỏ nhưng rất quý, nó như hạt phù sa tích góp lại, tạo thành màu mỡ của đất Hà Nội" – Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.
Sáng nay (17/10), Ban tổ chức Cuộc thi ký ức Hà Nội lần II đã tổ chức trao giải cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc tham dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội.
Buổi lễ trao giải được tổ chức vào lúc 9h, tại phòng họp tầng 13, Báo Nông thôn Ngày nay (địa chỉ Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Các tác giả đạt giải đều thể hiện những ký ức sâu lắng về Hà Nội, trong đó có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao khi viết về văn hóa, con người, ẩm thực, kỷ niệm thân thương thời bao cấp, đặc biệt có nhiều câu chuyện về người bà, người mẹ gánh hàng rong bán dạo trên phố được các tác giả thể hiện một cách xúc động, chan chứa cảm xúc…
Sau hơn một tuần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan, Ban Giám khảo Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội đã chấm điểm, chọn ra 11 tác phẩm chất lượng để trao giải.
Tại lễ trao giải, Nhà sử học Dương Trung Quốc – thành viên Ban giám khảo cho biết, Hà Nội với một đô thị 10 triệu dân, mọi người đều coi nơi đây là nơi hội tụ, ký ức rất vô vàn. Làm sao bóc tách được ký ức đó, làm cho con người yêu thêm vẻ đẹp này là mục đích của cuộc thi.
"Đối với tôi, những ký ức được nhắc đến trong các bài viết là chất liệu mà không nguồn tư liệu nào thay thế được. Những cuộc thi như thế này tưởng nhỏ nhưng rất quý, nó như hạt phù sa tích góp lại, tạo thành màu mỡ của đất Hà Nội.
Chúng ta chứng kiến những thay đổi của Thủ đô, nhưng những thay đổi trong lòng con người thì khó tìm thấy. Tôi cho rằng nên tập hợp những tác phẩm đoạt giải thành một tuyển tập để lưu giữ, bởi những gì đọng lại là niềm tự hào của chúng ta" – Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Tiến – Nhà nghiên cứu Hà Nội, thành viên Ban giám khảo cũng cho biết, khi đọc các bài thi, ông thấy có nhiều thứ quen thuộc, nhưng cũng có những thứ mình chưa biết đến. Vì thế, ông đã chấm 4 bài có điểm 10 tuyệt đối.
"Những bài thi có ký ức mang tính cộng đồng tôi sẽ chấm cao hơn. Họ mang lại sự đồng cảm, khiến cho nhiều người cùng xúc động. Ban tổ chức nên mở rộng cuộc thi, khơi rộng ra vùng ngoại ô cũng có rất nhiều câu chuyện hay" – ông Tiến nếu ý kiến.
Cũng tại lễ trao giải, Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Trương Quý tâm sự: Tôi nhớ cách đây hơn 1 tháng, tôi có nói chuyện với các em học sinh cấp 2 cấp 3 về Hà Nội, các em rất quan tâm.
Vì vậy, cuộc thi hoàn toàn có cơ sở tạo ra lớp lang để đưa vào nghiên cứu. Bởi có những thứ về Hà Nội tôi muốn tìm lại nhưng không thể tìm qua sách, báo. Nhưng những thứ đó hoàn toàn có thể tìm lại qua những ký ức của con người. Nếu chúng ta tăng cường tương tác thì có thể lên đến vài nghìn bài viết. Xin chúc mừng Ban Tổ chức với cuộc thi thành công này.
Tác giả Lữ Mai – đoạt giải Khuyến khích với bài viết: "Sống ở "phố nhà binh"" cho rằng: Ký ức Hà Nội là một cuộc thi mang đến cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt.
Thế hệ chúng tôi tuy chưa gắn bó lâu với mảnh đất này, và có thể điều gọi là ký ức cũng vẫn còn quen thuộc, gần gũi, nhưng thực sự khi tham gia cuộc thi này, điều quý giá nhất là được đọc những bài dự thi khác, của nhiều tác giả khác ở mọi vùng miền, độ tuổi...
Mỗi người có một bầu ký ức, một chân dung Hà Nội riêng nhưng đầy sâu lắng, ân tình và lan tỏa được những giá trị nhân văn.
Bởi lẽ đó, trong tư cách một tác giả dự thi, và là một độc giả thường xuyên của Báo, của cuộc thi, tôi vô cùng trân trọng những nỗ lực của Ban Tổ chức đã quy tụ tình cảm, tâm huyết và kỷ niệm về Hà Nội cho một cuộc thi giàu sức lan tỏa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.