Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Cũng giống như cuộc thi lần thứ nhất, nội dung cuộc thi năm nay dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên trong và ngoài nước, trong đó bài dự thi sẽ tập trung tuyên truyền về gương những nông dân (ND) năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường; dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai... Đặc biệt là những ND, hội viên ND mới, tiêu biểu nhằm đề cử danh hiệu ND xuất sắc tại cuộc bình chọn Tự hào nông dân Việt Nam 2015”.
Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Nguyễn Hồng Lý (thứ 2, từ phải) - Trưởng Ban tổ chức chương trình "Tự hào nông dân Việt 2014" trao giải Nhất cho tác giả Phạm Thị Toán với tác phẩm "Nhãn Ido của Út Hiện". Đàm Duy
Cũng theo ông Lưu Quang Định, đề tài tham dự cuộc thi lần thứ 2 sẽ được mở rộng hơn rất nhiều, theo đó, các cây bút có thể phản ánh về những ND có giải pháp áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá hiệu quả; đi đầu trong việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn... Viết về những ND có sáng chế, cải tiến về máy móc thiết bị, quy trình canh tác nhằm làm giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động, qua đó nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Ưu tiên những cá nhân có sáng chế mang tính ứng dụng rộng rãi, được nhiều ND tiếp nhận, sử dụng.
Cuộc thi cũng khuyến khích việc phát hiện và viết về gương những ND có thành tích trong xây dựng nông thôn mới (như đi đầu trong việc hiến đất, hiến vườn, vận động nhân dân trong cộng đồng tích cực tham gia phong trào...). Viết về gương những ND có thành tích trong bảo vệ an ninh biên giới, vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia hoặc những ND nổi bật trong hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu...
Ngoài những bài viết giới thiệu về gương cá nhân ND giỏi, cuộc thi lần này cũng mở rộng thêm “sân chơi” khi khuyến khích các tác giả viết về những tập thể, hợp tác xã có cách làm hay trong liên kết sản xuất, hình thành các mô hình từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi có hiệu quả. Viết về sự đổi thay của những vùng đất, những sự kiện đã và đang diễn ra góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Đáng chú ý là để khuyến khích khả năng phát hiện của các tác giả cũng như khắc họa các chân dung một cách đa dạng, dung lượng tối đa mỗi bài viết sẽ tăng lên 2.000 – 2.500 chữ kèm 3 ảnh, dưới dạng phóng sự - ghi chép, bút ký - tùy bút báo chí. Đặc biệt, theo Ban tổ chức, cơ cấu giải thưởng lần này sẽ được tăng lên so với cuộc thi lần thứ nhất: 1 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng; 2 giải Nhì mỗi giải 10 triệu đồng; 3 giải Ba mỗi giải 7 triệu đồng; 5 giải Khuyến khích mỗi giải 3 triệu đồng và một số giải phụ khác.
Thời gian nhận bài dự thi chính thức từ ngày 8.10.2014 và kết thúc vào ngày 15.9.2015. Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Nông Thôn Ngày Nay, 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Hòm thư điện tử (e-mail): ntnnhn@gmail.com (đề nghị ghi rõ: Bài dự thi Cuộc thi viết “Tự hào nông dân Việt Nam lần thứ 2”; trong thư và e-mail ghi số điện thoại, địa chỉ để Ban tổ chức có thể liên hệ với tác giả.
Sau 11 tháng phát động, cuộc thi viết Tự hào nông dân Việt Nam lần thứ nhất 2013 - 2014 đã nhận được gần 1.000 tác phẩm dự thi của các tác giả chuyên và không chuyên trong toàn quốc. Ban tổ chức đã lựa chọn được 51 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung khảo và đã trao 12 giải thưởng cho các tác giả.
Nhà báo Văn Phúc - Báo Sài Gòn giải phóng: Đa dạng hóa góc nhìn
Tôi cho rằng việc mở rộng các đề tài nội dung của cuộc thi viết lần 2 là rất cần thiết nhằm thu hút nhiều tác giả tham gia hơn, cũng như mở rộng hơn sân chơi để người viết có điều kiện thể hiện ngòi bút của mình thông qua các thể loại phóng sự - ký sự, tùy bút báo chí... Bên cạnh đó, khi mở rộng đề tài, thể loại cũng sẽ tránh được sự đơn điệu trong việc phản ánh, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, gương nông dân sản xuất giỏi. Ngoài ra, theo tôi cuộc thi cũng nên đa dạng hóa các góc nhìn, với sự tham gia của nhà khoa học, chuyên gia ngành nông nghiệp… Điều đó không những thể hiện được sự hấp dẫn, chất lượng của cuộc thi mà còn nâng cao ý nghĩa, vai trò của cuộc thi trong việc tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng những gương nông dân điển hình xuất sắc.
Ông Phạm Hữu Hiện (Út Hiện) - xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp: Cổ vũ cho sản xuất
Là nhân vật chính trong tác phẩm đoạt giải Nhất “Nhãn Ido của Út Hiện” của tác giả Phạm Thị Toán, tôi cảm thấy rất vui và thú vị vì quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng trang trại và tổ chức tiêu thụ nhãn của mình đã được người viết thể hiện một cách chân thực, sinh động. Việc Báo Nông Thôn Ngày Nay tiếp tục tổ chức cuộc thi viết là rất cần thiết, nhằm phát hiện, giới thiệu nhiều hơn những gương nông dân xuất sắc trên mọi lĩnh vực, qua đó cổ vũ, động viên nông dân chúng tôi tiếp tục phấn đấu, hăng say lao động sản xuất, tích cực sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm giàu cho gia đình và đóng góp cho quê hương…
Nhà báo Hà Văn Đạo - Báo Lao động Xã hội:Hãy làm cho nhân vật sống động hơn
Tôi đã tham gia khá nhiều cuộc thi viết do các cơ quan báo chí tổ chức và nhận thấy đây là một kênh tuyên truyền vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, hạn chế của nhiều cuộc thi hiện nay là thường gói gọn, cứng nhắc trong một vài thể loại, đề tài và số chữ nên chưa thực sự hấp dẫn người tham gia. Do đó, tôi cho rằng Báo Nông Thôn Ngày Nay nên khuyến khích các tác giả tham gia nhiều mảng phóng sự và trình bày bằng văn phong mới lạ, độc đáo. Điều quan trọng nhất là tác phẩm phải truyền tải đầy đủ thông tin đến bạn đọc, có thể đó là chất liệu cũ, nhưng nếu được trình bày bằng một phong cách khác, bút pháp khác chắc chắn tác phẩm sẽ không bị khô cứng, nhân vật cũng sống động hơn và thu hút bạn đọc hơn.
Minh Huệ (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.