Thế nhưng sự thực là vị quân chủ ấy còn có nhiều động cơ khác trước quyết định đi nước cờ quân sự này.
Vào thời loạn thế như Tam Quốc, các thế lực chư hầu nổi lên khắp nơi. Thế nhưng trong số họ, người có số phận lận đận như Lưu Bị lại được xem là hiếm.
Khi mới gây dựng sự nghiệp, Lưu Huyền Đức có xuất thân không thể đánh giá là tốt, hơn nữa thực lực và danh vọng của bản thân ông cũng không cao. Bởi vậy mà ngay cả khi lòng ôm trí lớn, Lưu Bị vẫn hết lần này đến lần khác thiếu đi cơ hội thực hiện hoài bão.
Trải qua nửa đời phiêu bạt khắp nơi, nương nhờ đủ người, Lưu Bị mới có thể thành lập chính quyền Thục Hán. Mặc dù không hoàn thành đại nghiệp thống nhất thiên hạ, thế nhưng tập đoàn chính trị này cũng được xem như cơ nghiệp đổi lấy bằng mồ hôi và xương máu của vị quân chủ ấy.
Sau chiến thắng ở Hán Trung, thế lực của Lưu Bị ngày càng trở nên cường đại. Chỉ tiếc rằng ngày vui ngắn ngủi, không lâu sau đó, Thục Hán đã phải gánh chịu vô cùng to lớn. Đó chính là sự kiện mất Kinh Châu kéo theo cái chết của Đại tướng quân Quan Vũ.
Không lâu sau đó, Lưu Bị đã lấy danh nghĩa báo thù cho nhị đệ, dẫn quân ồ ạt đông chinh, tiến đánh Đông Ngô. Có một số người thường nhìn nhận rằng Lưu Bị vì tình riêng mà đánh Ngô là sai lầm không coi trọng đại cục.
Tuy nhiên về sự kiện này, có nhiều ý kiến cho rằng mục đích thực sự của vị quân chủ họ Lưu ấy không chỉ dừng lại ở việc báo thù cho Quan Vũ mà còn ẩn chứa nhiều động cơ thâm sâu khác.
Dù Quan Vũ có bị giết hay không, Lưu Bị vẫn sẽ đem quân đánh Ngô
Trả thù cho Quan Vũ thực chất không phải mục đích chủ yếu khiến Lưu Bị dẫn quân đi đánh phạt Đông Ngô. (Tranh minh họa).
Một trong những nguyên nhân khiến Lưu Bị lựa chọn dẫn quân chinh phạt Đông Ngô chính là để báo thù cho Quan Vũ. Tuy nhiên có quan điểm cho rằng, việc trả thù cho nhị đệ thực chất không phải động cơ chính để vị quân chủ họ Lưu thực hiện nước cờ quân sự này.
Bởi lẽ, Lưu Bị là một chính trị gia vốn không dễ để cho tình cảm lấn át lý trí. Tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" từng có nhắc tới sự kiện Tào Tháo đem quân đánh Từ Châu trên danh nghĩa trả thù cho cha nhưng sự thực là có mục đích khác.
Thực chất, trong mắt các chính trị gia thời loạn thế, điều được đặt lên hàng đầu vốn là lợi ích chứ không phải tình cảm cá nhân.
Sau khi đòi lại Kinh Châu, Đông Ngô đã bắt sống Quan Vũ. Tập đoàn chính trị này hoàn toàn có thể đem vị tướng quân ấy trả lại cho Thục Hán, nhưng thực tế họ lại không làm như vậy mà lựa chọn hạ sát Quan Vũ.
Nếu đánh giá từ điểm này, rất có thể lãnh đạo của phe Đông Ngô đã hiểu rằng, dù cho họ có giết Quan Vũ hay không thì Lưu Bị vẫn sẽ tiến hành đông chinh để đoạt lại Kinh Châu.
Do đó, việc trả thù cho Quan Vũ thực chất chỉ là một lý do giúp Lưu Huyền Đức và Thục Hán đường đường chính chính dẫn quân đi chinh phạt Đông Ngô.
Động cơ thực sự của Lưu Bị phía sau nước cờ đông chinh
Việc Lưu Bị ồ ạt dẫn quân đông chinh thực chất bắt nguồn từ rất nhiều động cơ khác. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Nếu đánh giá dựa trên góc độ của Lưu Bị năm xưa, việc dẫn quân chinh phạt Đông Ngô là lựa chọn duy nhất của ông vào thời điểm đó. Ngay cả khi trận đại chiến phía có khả năng thất bại, vị quân chủ này vẫn sẽ lựa chọn đông chinh, hơn nữa còn buộc phải đích thân dẫn quân.
Về những động cơ chính trị ẩn sau nước cờ đông chinh của Lưu Bị, có một số lý giải dựa trên những nguyên do dưới đây:
Thứ nhất, Lưu Bị phải giữ hình tượng nhân nghĩa của mình. Bởi ngay từ buổi đầu gây dựng sự nghiệp, ông đã giương cao ngọn cờ nhân nghĩa.
Vì điều này mà bất luận là đối xử với huynh đệ, quần thần hay bách tính, Lưu Huyền Đức đều luôn tỏ ra là một người vô cùng hiền minh, thấu tình đạt lý. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa giúp tập đoàn chính trị của ông chiêu mộ được nhiều hiền tài trong thiên hạ.
Thực tế, bản thân Lưu Bị hiểu rõ hơn ai hết về tầm quan trọng của hình tượng nhân nghĩa. Do đó, để tiếp tục duy trì hình ảnh này, ông buộc phải báo thù cho Quan Vũ để làm trọn nghĩa tình huynh đệ.
Thứ hai, Lưu Bị bằng mọi giá phải lấy lại Kinh Châu. Đây là địa phương có vai trò vô cùng trọng yếu, đặc biệt là đối với tập đoàn chính trị Thục Hán.
Năm xưa Gia Cát Lượng từng chỉ ra tầm quan trọng của khu vực địa chiến lược này trong Long Trung đối sách. Thế lực của Lưu Bị chỉ có thể lấy nơi này làm bàn đạp mới có khả năng cùng Tào Tháo và Tôn Quyền tranh thiên hạ.
Hiểu rõ tầm quan trọng của Kinh Châu, Lưu Bị mới giao cho người tài năng và tín nhiệm hàng đầu dưới trướng mình như Quan Vũ tới trấn thủ.
Nếu mất đi Kinh Châu, Thục Hán về cơ bản đã mất đi vốn liếng tranh đoạt thiên hạ. Vì đảm bảo chiến lược quốc gia, Lưu Bị buộc phải dẫn quân phạt Ngô và lấy lại Kinh Châu bằng mọi giá.
Hơn nữa vào lúc bấy giờ, thủ hạ dưới trướng Lưu Bị có rất nhiều người quê ở Kinh Châu. Chứng kiến quê hương bị đoạt đi, họ dĩ nhiên sẽ không cam lòng. Bởi vậy, việc dẫn quân đông chinh và lấy lại Kinh Châu là việc làm cần thiết để làm yên lòng quân dân.
Ngoài tình nghĩa với Quan Vũ phải báo thù, việc đánh Ngô là phương châm đã định, vì lấy Kinh châu làm 1 bàn đạp tấn công trung nguyên đã nằm trong chiến lược Long Trung đối sách mà Gia Cát Lượng vạch ra, nên khi Kinh châu mất thì phải đoạt lại. (Ảnh minh họa).
Thứ ba, Đông Ngô từ lâu đã là đối thủ được Lưu Bị cho vào tầm ngắm.
Lúc bấy giờ, gia tộc của Tào Tháo chiếm cứ phương Bắc đã lâu, thế lực về cơ bản đã tương đối vững chắc. Trước một con mồi quá khó nuốt như Tào Ngụy, Lưu Bị dĩ nhiên sẽ quay sang hạ thủ với thế lực nhỏ yếu hơn là Đông Ngô.
Theo toan tính của vị quân chủ này, Thục Hán sẽ tiến hành đông chinh nhằm thâu tóm địa bàn của Tôn Quyền, tập trung lực lượng ở Tây Nam và Đông Nam, sau khi nhất thống phương Nam thì mới cùng Tào gia tranh đoạt thiên hạ.
Từ đó có thể thấy, báo thù cho Quan Vũ chỉ là vỏ bọc cho công cuộc đông chinh của Lưu Bị. Mục đích sâu xa của vị quân chủ này thực chất là trước diệt Đông Ngô, sau mới quyết chiến với Tào Ngụy.
Thứ tư, Lưu Bị muốn hiện thực hoài bão nhất thống thiên hạ.
Ở thời điểm xảy ra biến cố Kinh Châu, Lưu Bị đã sắp bước sang độ tuổi lục tuần. Vào thời xưa, người ở tuổi 60 đã bị là sắp bước một chân vào quan tài.
Trong khi đó, bản thân Lưu Huyền Đức vốn biết Lưu Thiện vốn không có mấy thực tài. Vì thế, ông hiểu rõ việc trông cậy con trai nhất thống thiên hạ là điều không thể nào.
Bản thân Lưu Bị từ khi khởi nghiệp đã vô cùng gian nan, xấp xỉ tuổi năm mươi mới có chút khởi sắc, cho tới lúc xưng đế cũng đã lục tuần.
Bởi vậy, khi ý thức bản thân không còn nhiều thời gian, vị quân chủ họ Lưu muốn dốc sức để làm một việc để đời.
Đó là chưa kể tới việc vào thời điểm chuẩn bị đông chinh, Lưu Bị vô cùng tự tin đối với thực lực của mình.
Mặc dù nửa đời lận đận, nhưng kể từ khi có được Kinh Châu, sự nghiệp của ông đã nhanh chóng khởi sắc. Bất luận là tấn công Tây Xuyên hay đánh chiếm Hán Trung, mọi kế hoạch quân sự của ông đều diễn ra một cách thuận buồm xuôi gió.
Trong khoảng thời gian này, bản thân Lưu Bị cũng đã dần am hiểu hơn về nghệ thuật dẫn binh đánh trận. Thực lực lớn mạnh, lòng quân dân đang thịnh, cho nên trong mắt vị quân chủ này, việc đánh chiếm một Giang Đông nho nhỏ của Tôn Quyền có lẽ không phải là vấn đề.
Đây cũng được xem là động lực giúp Lưu Bị quyết tâm dẫn quân đông chinh. Chỉ tiếc rằng Lưu Huyền Đức cả đời cẩn trọng, cuối cùng lại vì một lần tự phụ mù quáng mà chuốc lấy thảm bại.
Lời kết
Thực tế lịch sử đã chứng minh Lưu Bị mới là người đánh giá thấp tập đoàn chính trị của Tôn Quyền. (Ảnh minh họa).
Hậu thế đều biết, thực lực khởi đầu của Lưu Bị vốn không thể coi là mạnh.
Ông đã trải qua nửa đời lận đận, rong ruổi từ U Châu đến Từ Châu, từ Ký Châu đến Kinh Châu, cuối cùng là Ích Châu, lang bạt nửa lãnh thổ Trung Hoa mới tìm được một điểm dừng chân ở vùng ven phía Tây Nam, ngay tới sào huyệt Kinh Châu trên danh nghĩa cũng là Tôn Quyền cho mượn.
Tuy nhiên ngay cả khi đã có được Kinh Châu, tập đoàn chính trị của ông vẫn chỉ có thể coi là có chỗ đặt chân chứ chưa đủ vốn liếng tranh đoạt thiên hạ.
Lại nói, Kinh Châu mặc dù giàu có và sung túc, giao thông lại thuận tiện, nhưng đồng thời cũng là một mảnh đất bấp bênh, bị Tào Ngụy và Tôn Ngô kẹp ở giữa, địa thế dễ công khó thủ, quả thực khó có thể bảo toàn.
Hơn nữa sau trận chiến Xích Bích, Kinh Châu đã bị chiến tranh tàn phá. Sau khi có được nơi này, Lưu Bị thực chất cần một thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức mới có thể dẫn binh mưu đồ nghiệp lớn.
Năm 222, đội quân phạt Ngô của Lưu Bị đại bại ở Di Lăng, vị quân chủ này chạy về Bạch Đế thành trong tình cảnh hết sức thê thảm. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Mất đi Kinh Châu đã khiến thực lực của tập đoàn chính trị Thục Hán bị giảm sút, lại phải đối mặt với hai đối thủ là Tào Ngụy và Giang Đông, thực tế vốn không có thực lực để chủ động tấn công.
Thế nhưng Lưu Bị vẫn quyết tâm lấy danh nghĩa báo thù cho Quan Vũ, đem quân ồ ạt đông chinh, sau cùng chuốc lấy thảm bại ở Di Lăng, đưa tới tai vạ ngập đầu cho Thục Hán.
Mặc dù từ sớm đã quen với mùi vị thất bại, nhưng lần thất bại trước nước cờ đông chinh này đã khiến Lưu Bị sụp đổ.
Trước đó không lâu, tập đoàn chính trị của ông còn đang đắm chìm trong chiến thắng ở Hán Trung, nào ngờ chẳng bao lâu sau đã phải nhận hung tin Kinh Châu bị đoạt, lại thêm đông chinh thảm bại.
Sự tương phản to lớn giữa hai cục diện này đối với một chính trị gia, một vị quân chủ như Lưu Bị mà nói chính là nỗi thống khổ khó ai hiểu thấu.
Có lẽ đây cũng là lý do khiến không lâu sau thất bại ở Di Lăng, Lưu Huyền Đức liền qua đời ở Bạch Đế thành trong u uất và tức tưởi…
PV (THỜI ĐẠI)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.