Cười không nổi với phim tết

Thứ hai, ngày 20/01/2014 06:59 AM (GMT+7)
Nội dung chắp vá, rời rạc, hậu kỳ vụng về, lệch màu, diễn xuất mờ nhạt… là những gì đọng lại dành cho phim tết “Cưới chạy” ngay sau buổi chiếu ra mắt phim vào ngày 16.1.
Bình luận 0
“Cưới chạy” (công chiếu vào ngày 24.1) được đóng mác “độc quyền danh hài Việt Hương” cùng câu quảng cáo “bom tấn hài tết” nhằm bảo chứng phòng vé lẫn chất lượng cho mùa tết năm nay mặc cho “sinh sau đẻ muộn” so với các phim tết được lên lịch trước đó như: “Cô dâu đại chiến 2”, “Năm sau con lại về”, “Hai Lúa”, “Cuộc chiến chằn tinh”... Ngoài Việt Hương, phim còn có sự tham gia của Chí Tài, Kim Hiền, Hoàng Mập…

Cảnh trong phim “Cưới chạy”.
Cảnh trong phim “Cưới chạy”.

Bộ phim được phát triển dựa trên các vấn đề xã hội như thuê người yêu, giới trẻ ngại hôn nhân, thủ tục truyền thống ở vùng sâu, vùng xa… cùng với thông điệp ca ngợi tình yêu thương trong gia đình, của cha mẹ dành cho con cái. Dẫu mô-tip phim lẫn thông điệp không lạ nhưng có thể sẽ thu hút khách bởi phim sạch và dàn diễn viên khá quen mặt với điều kiện “Cưới chạy” được hoàn thành một cách chỉn chu chứ không phải cắt ráp vụng về, thô thiển, không lô-gic như trong ngày ra mắt. Có vẻ như nhà sản xuất muốn đánh đố người xem về vấn đề tư duy, tự hiểu và tự sắp xếp các phân đoạn phim lại với nhau để có thể biết được nội dung nói gì (không bàn đến hàm ý phim muốn nhắn gửi).

Thực chất, nếu nói “Cưới chạy” là một bộ phim điện ảnh thì… quá tội nghiệp cho môn nghệ thuật thứ 7. Bởi, “Cưới chạy” làm sao có thể gọi là một bộ phim khi nó chỉ là các phân đoạn thừa, thiếu được khiên cưỡng ghép lại cho đủ thời lượng chiếu rạp? Không điểm nhấn, không cao trào, không hiểu và cũng không gây cười gần như là suy nghĩ chung của những người xem phim.

Một điểm cộng duy nhất trong phim là Việt Hương - Chí Tài có sự đầu tư trang phục, bối cảnh đậm chất miền quê Nam Bộ. Trước đó, 2 bộ phim tết “Năm sau con lại về” (độc quyền danh hài Hoài Linh), “Hai lúa” (sở hữu Trấn Thành và hiện tượng Phương Mỹ Chi) cũng đã nhận được những nhận xét không tốt từ phía truyền thông về dàn dựng, chất lượng phim. “Cưới chạy” còn tệ hơn nữa khi chính bản thân người xem rơi vào hoang mang không thể diễn tả cảm xúc vì họ không biết mình đang xem cái gì.

Chính vì những bộ phim “mì ăn liền”, không tôn trọng khán giả như vậy nên khó có thể trách họ hoài nghi với phim Việt. Và dĩ nhiên cũng không dám kỳ vọng sẽ mang đến một mùa bội thu cho đơn vị sản xuất mà chỉ lo lắng khán giả sẽ phản ứng như thế nào khi ra khỏi rạp, có gay gắt như bộ phim “Em hiền như ma sơ” (bộ phim được cho là thảm họa) chiếu vào dịp Giáng Sinh 2010 ?

Bồng Sơn (Bồng Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem