Cuối năm, lo sợ thịt “bẩn”

Thứ hai, ngày 09/01/2012 07:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công bố của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM mới đây cho biết, đã phát hiện đến 94,4% mẫu thịt bị nhiễm vi sinh khiến nhiều người chăn nuôi, tiêu dùng ở ĐBSCL lo lắng.
Bình luận 0

Nhiều nguy hại từ thịt “bẩn”

Đánh giá về báo cáo trên, bà Huỳnh Thị Tâm - quê thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) cho biết: “Hồi xưa ông cha thường nuôi heo bằng rau củ, cám gạo, ngót năm trời con heo mới nặng gần trăm cân. Thế mà bây giờ người ta nuôi heo chỉ gần 4 tháng mà nặng hơn cả tạ. Nghe họ truyền miệng nhau cho thêm phân u rê vào cho heo cho mau ú mà tui ớn lạnh…”.

img
Một lô thực phẩm bẩn được phát hiện.

Ông Huỳnh Cáo (ngụ phường 1, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) than: “Mấy năm trở lại đây, các bệnh đau nhức xương, khớp trên người tràn lan. Các nhà khoa học cần kiểm chứng lại các loại thực phẩm, như heo, gà, vịt bây giờ đa phần ăn toàn thức ăn công nghiệp chứa chất tăng trọng. Heo nuôi bây giờ mới 4 tháng đã năng cả trăm kg, còn gà, vịt lớn nhanh như thổi! Người dân ăn thịt loại này hỏi sao không bệnh được…”.

Kỹ sư chăn nuôi Lê Thiện (Sở KHCN Bạc Liêu) cho biết, nếu sử dụng thịt heo do lạm dụng hormone tăng trưởng, con người có thể bị rối loạn sinh lý trong phát triển cơ thể. Theo kỹ sư Thiện, người tiêu dùng khó bề nhận biết được tác hại từ thức ăn chế biến từ thịt heo nhiễm “độc” nên vô tư ăn và tốn không ít tiền điều trị khi nhiễm bệnh. Nguy hại hơn đối với các trường hợp ăn tiết canh heo sẽ gánh chịu nặng nề tác hại trực tiếp vì độ đậm đặc của chất gây hại.

Cần kiểm soát chặt

Nhiều người chăn nuôi cho rằng, muốn giải quyết tình trạng thịt bẩn, nhất là dịp cuối năm ngoài các biện pháp vào cuộc quyết liệt của ngành quản lý, cần phải xây dựng ý thức trong người chăn nuôi.

Ông Võ Văn Chung (chủ trại heo Hai Chung, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo) cho biết, trang trại của ông mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 con heo giống với giá cao hơn thị trường khoảng 10% nhưng vẫn “cháy hàng”.

img
Thuốc chống còi, kém ăn cho heo có xuất xứ từ Trung Quốc.

“Heo của tôi là heo sạch từ khâu chọn bố mẹ tới khâu sinh sản nên bán giá cao vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Với kinh nghiệm nuôi heo gần 30 năm của mình, tôi khẳng định chỉ có làm ăn đàng hoàng thì mới có thể tồn tại lâu dài được. ” – ông Hai Chung quả quyết

Trao đổi với phóng viên NTNN, kỹ sư Trương Phước Thông - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Để phòng ngừa tác hại của việc nuôi heo bằng chất tăng trọng, cũng như sử dụng các chất liệu, hóa liệu, thuốc dùng cho người đưa vào thức ăn heo, chính quyền cần phối hợp chặt với ngành chức năng. Qua đó tăng cường kiểm soát ngay từ khâu chăn nuôi.

Theo bác sĩ Trần Ký - Hội KHKT An toàn vệ sinh thực phẩm VN, việc tồn dư hóa chất thuốc kháng sinh, thuốc hen suyễn trên thịt, có thể gây lờn thuốc và những tác dụng phụ khác cho con người.

Tại tỉnh Long An, theo ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh: Chúng tôi quyết liệt trong công tác phòng dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, không phải chỉ quan tâm đến việc thịt “bẩn” do nhiễm vi sinh như E.coli hay Staphylococcus aureus… mà còn phải kiểm tra gắt gao các dịch bệnh khác. Chúng tôi không chấp nhận “đánh cược” sức khỏe của người tiêu dùng với các kiểu làm ăn bất chính. Thời gian này chúng tôi không được phép lơ là với công tác phòng dịch, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, khi mà lượng thịt tiêu thụ sẽ tăng đáng kể.

“Tình trạng người chăn nuôi sử dụng thức ăn có chất tăng trọng – dù vô tình hay cố ý vẫn còn xảy ra nên chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và quản lý thị trường kiểm tra liên tục. Bất cứ chỗ nào cảm thấy nghi ngờ là sẽ kiểm tra ngay, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ đều phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Đức nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem