Cưỡng hôn thang máy, làm loạn sân bay - “giá phạt” 200.000 đồng

Chiến Văn Thứ sáu, ngày 23/08/2019 09:57 AM (GMT+7)
Lãnh đạo Đồn công an Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã ra quyết định xử phạt 200.000 đồng đối với nữ hành khách Lê Thị Hiền - người đã chửi bới, xúc phạm nhân viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 11/8 vừa qua. Một lần nữa, lại là mức phạt 200.000 đồng khiến nhiều người hết sức thất vọng, hụt hẫng.
Bình luận 0

Mức phạt này khiến người ta nhớ đến vụ việc ông Đỗ Mạnh Hùng "cưỡng hôn" nữ sinh 20 tuổi trong thang máy tại chung cư Golden Palm (Hà Nội). Trước sự phẫn nộ của dư luận, sau quá trình điều tra, xác minh, làm việc giữa các bên, Công an quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) đã quyết định xử phạt ông Hùng số tiền 200.000 đồng. Lỗi phạt ở đây được xác định do ông Hùng “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, vi phạm điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ.

Vẫn biết đây là mức phạt trung bình, vì điều khoản trên quy định người vi phạm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng, nhưng có một sự thật là hầu như tất cả mọi người, từ đàn ông đến phụ nữ, từ trẻ đến già, khi nghe thấy đều coi đó là một sự “nực cười”, thậm chí còn là một sự “trêu ngươi” không hơn không kém!?!

img

Nữ đại úy công an Lê Thị Hiền lăng mạ nhân viên hãng bay, xô xát với lực lượng an ninh chỉ bị công an xử phạt 200.000 đồng.

Lần này cũng vậy. Rất có thể Đồn công an Tân Sơn Nhất khi ra quyết định xử phạt hành khách Lê Thị Hiền đã áp dụng điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ như ở trên. Và như thế nghĩa là hình thức xử phạt trên cũng ở mức…trung bình. Khổ nỗi, biết là phạt đúng, là “không nhẹ”, nhưng sao khi nhìn con số 200.000 đồng, nhiều người vẫn không giấu được sự buồn lòng.

Khác với vụ việc “cưỡng hôn” diễn ra nửa năm trước tại thang máy của chung cư, lần này, hành vi của bà Lê Thị Hiền diễn ra ngay giữa chốn “thanh thiên bạch nhật”, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - một trong những địa điểm được cho là “bộ mặt” của đất nước. Có thể nói không quá rằng, sân bay quốc tế của một quốc gia thể hiện sự văn minh, hiện đại, giàu mạnh của đất nước đó. Vì vậy, nghĩ đến sân bay, lập tức trong hình dung của mỗi người đều hiện lên những hình ảnh đẹp đẽ, nơi con người ứng xử với nhau hết sức lịch thiệp, văn minh, nơi tất cả mọi người đều phải tuân theo luật pháp và các quy tắc ứng xử, coi đó là sự tối thượng. Vậy mà ở đây, hành động của bà Hiền đã đi trái lại với tất cả những giá trị tưởng như đương nhiên đó.

Điều đáng nói ở đây, hành vi, thái độ hung hãn, vô văn hóa của bà Lê Thị Hiền không phải chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, mà trong suốt một quá trình, từ khu vực làm thủ tục hành lý đến khu an ninh. Một điểm đặc biệt khác, đó là bà Hiền hung hãn suốt cả một thời gian dài như vậy theo kiểu “cào mặt ăn vạ”, “Chí Phèo” thời hiện đại chứ không hề có ai đôi co, gây sự. Sân khấu ấy như của một mình nhà bà, bà hét, bà quát, bà chửi, bà vung đủ các thứ mình muốn ra ngoài trước thái độ rất kiềm chế, mềm mỏng của các cán bộ, nhân viên sân bay. Điều ấy nói lên rằng, hành động ấy không hẳn là cảm xúc bột phát, thiếu kiềm chế nữa, mà thể hiện tính cách, văn hóa, nhận thức của con người, đã ở tuổi làm mẹ. Càng buồn hơn, khi trong suốt cuộc “cào mặt” của mình, bà Hiền luôn dắt theo đứa con gái nhỏ, đang ở trạng thái ngơ ngác, không biết mẹ của mình đang làm gì. Ở bên cạnh người mẹ như thế, rồi cháu bé sau này sẽ ra sao?!?

img

Bà Lê Thị Hiền mạt sát, chửi mắng nhân viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ngày 11/8.

Chưa cần lo cho cháu bé, vì có lẽ đó là chuyện riêng của gia đình. Nhưng, có một điều đáng lo ngại thật sự, đó là, nếu con số 200.000 đồng kia trở thành “mức phạt phổ biến”, sự trớ trêu, bỡn cợt dư luận ấy cứ được diễn đi diễn lại, rồi xã hội sẽ ra sao? 200.000 đồng, với giá thị trường hiện nay chỉ bằng một suất ăn nhà hàng hạng trung bình. Ở các vùng quê bây giờ, người ta khi đi đám hiếu hỉ đã bỏ phong bì với con số 200.000 đồng trở lên. Nói vậy để thấy, 200.000 đồng giờ đã trở thành mức tiêu pha phổ biến, đến mức bình dân rồi.

Với những người có thu nhập, là công chức như ông Đỗ Mạnh Hùng hay bà Lê Thị Hiền, số tiền 200.000 đồng ấy lại càng trở nên quá bèo bọt, vì nó không bằng một ngày lương. Thử đặt ra một giả định rằng: Nếu “cưỡng hôn” một thiếu nữ xinh đẹp trong thang máy, hoặc được vô tư chửi bới, xúc phạm, miệt thị cả tá người đang làm nhiệm vụ ở chốn được cho là văn minh, nghiêm minh hàng đầu mà chỉ mất có chưa đầy một ngày lương, liệu có khiến nhiều người không còn e sợ mà sẵn sàng đi làm một ngày “không công” để hành động như vậy thì sao? Lúc này, mức phạt ấy có phải trở thành trò đùa, không chỉ mất đi sự răn đe mà còn kích thích người ta bắt chước, học nhau các hành vi xấu không???

Tất nhiên, ngoài mức phạt 200.000 đồng thì các đối tượng vi phạm trên sẽ bị nhận thêm các hình thức phạt khác. Như trường hợp bà Hiền, Công an TP.Hà Nội đã có những biện pháp xử lý kịp thời, yêu cầu Công an quận Đống Đa đình chỉ công tác 30 ngày đối với bà Hiền để làm các thủ tục liên quan, kiểm điểm, xử lý. Biết vậy, nhưng dù sao, nghe hình phạt 200.000 đồng kia, nhiều người vẫn cảm thấy chán nản, chép miệng: “Thà không phạt còn hơn”. Mà có khi không phạt lại hơn thật. Có khi cơ quan chức năng tại chỗ áp dụng các biện pháp khác, cứng rắn hơn, không cần phạt, có lẽ lại khiến dư luận đồng tình.

Xã hội ngày càng phức tạp, các giá trị văn hóa ngày càng bị xâm phạm, vì cả những người được cho là “có văn hóa". Vì vậy, điều mọi người cần không phải là những hình phạt theo kiểu đúng nhưng chẳng khác “làm hề” kia. Nếu luật đã lạc hậu, chúng ta cần nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh lại. Một trong những mục đích của hình phạt là để răn đe, mà khi nghe xong hình phạt, người bị phạt lại mỉm cười, thì thử hỏi cách phạt ấy đề ra để làm gì?!?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem