Cướp giật “vây” khách sạn 5 sao

Chủ nhật, ngày 02/12/2012 07:45 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho hay nếu không có biện pháp phòng ngừa tình trạng "chặt chém", cướp giật đối với du khách đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng thì môi trường kinh doanh ngành nghề này tại TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bình luận 0

"Mồi ngon ở trung tâm"

Nhiều năm giữ chức vụ Phó tổng quản lý Khách sạn Caravelle (Q.1, TP.HCM), ông Nguyễn Đông Hòa đưa ra cảnh báo rằng tình trạng cướp giật khách du lịch nước ngoài đang ngày càng đáng báo động.

Theo thống kê củakhách sạn Caravelle, trong năm 2010, khách nước ngoài ở Caravelle bị cướp giật 35 vụ; năm 2011 có 50 vụ cướp giật; 11 tháng đầu năm 2012 tới 44 vụ cướp giật.

img
Tình trạng chèo kéo khách du lịch rất phổ biến

Đây đều là những vụ cướp giật lớn, phải trình báo công an vì liên quan đến tiền bạc, visa, hộ chiếu… còn lại, những vụ cướp giật nhỏ, mất cắp lặt vặt là không thể kể hết.

Theo ông Hòa, do phần lớn khách lưu trú tại Caravelle là thương gia xài thẻ tín dụng nên số khách bị mất tiền mặt với số lượng lớn không nhiều. Đa phần tài sản bị cướp giật là máy chụp hình, máy quay phim có giá khoảng 2.000 - 3.000 USD.

Cách đây không lâu, đứa cháu ruột của tôi vừa ở Canada về bị cướp giật ngay trước nhà hát thành phố. Bọn cướp giật dàn cảnh rất công phu. Hai đứa đi xe máy vừa đánh lạc hướng vừa cản đường để cho hai đứa khác giật túi. Cháu tôi phản ứng thì bị bọn cướp kéo lê trên đường tới 3 mét, máu me bê bết.

Ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty lữ hành Thế Hệ Trẻ (TP.HCM)

"Nhưng nguy hiểm nhất là khi bị cướp, du khách thường giằng kéo và bị bọn cướp xô đẩy, lôi kéo trên mặt đường. Mới đây nhất, có một du khách của khách sạn đã phải nhập viện vì bị bọn cướp kéo lê trên mặt đường", ông Hòa nói.

Thống kê của khách sạn New World (Q.1)cho biết, tính đến ngày 21.11, du khách ở khách sạn này bị 46 vụ cướp giật. Con số này tuy tăng không nhiều so với năm 2011 nhưng vượt rất xa nếu so với năm 2010. Mới đây nhất là vụ một du khách ở New World bị một nhóm người Philippines rủ rê và bắt phải mua một chiếc đồng hồ giá trị gần 1 tỉ đồng.

Vụ việc sau đó đã bị công an phát hiện và nhóm người lừa đảo trên bị bắt giữ. Không tiết lộ con số cụ thể du khách bị lừa đảo, cướp giật nhưng ông Tào Văn Nghệ, Tổng giám đốc Khách sạn Rex cho biết, rất nhiều du khách của khách sạn cũng phản ánh bị cướp giật đồ khi đi tham quan, mua sắm ở bên ngoài. "Đây là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Khi khách đến ở, khi nào chúng tôi cũng phải nhắc nhở hành khách phải cẩn thận. Nhưng rất nhiều khách vẫn lơ là, mất cảnh giác", ông Nghệ nói.

Nhắm vào du khách đơn lẻ

Ông Nguyễn Đức Chí, Phó trưởng phòng Phòng Lữ hành (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM) thừa nhận, đối tượng cướp giật thường chú trọng hoạt động ở xung quanh các khách sạn 5 sao. Đây là khu vực trung tâm, có nhiều khách du lịch nước ngoài sinh sống và lui tới tham quan, mua sắm.

Thủ đoạn mà bọn xấu thường hay áp dụng là lừa khách lên taxi dù, xích lô rồi không đưa khách đến điểm cần tham quan mà chở tới những nơi vắng vẻ, ít người qua lại với mục đích lừa đảo, trấn lột.

Ngoài ra, có không ít kẻ xấu là người Philippines, Indonesia… nói tiếng Anh giỏi, lợi dụng có ngoại hình giống người Việt Nam giả dạng hướng dẫn viên trong nước, tiếp xúc trực tiếp và lừa du khách vào các dịch vụ karaoke, sòng bài để trấn lột tiền bạc, tư trang.

Mới đây, trước tình trạng rất nhiều công ty đưa khách sang Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước thậm chí vẫn tỏ ý lo ngại với tình hình an ninh thế này liệu có đảm bảo an toàn cho du khách hay không?

Ông Nguyễn Đức Chí, Phó trưởng phòng Phòng Lữ hành (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM)

"Có thời gian, rất nhiều du khách Nhật Bản bị trấn lột kiểu này khiến đại sứ quán Nhật Bản phải có công văn phản ánh", ông Chí nói.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng truyền thông Công ty du lịch Vietravel cho hay, du khách bị cướp hay trấn lột thườnglà cáctrường hợp đơn lẻ, tự đi và sống ở khu phố Tây như Đề Thám, Phạm Ngũ Lão (Q.1)...

Ngoài ra, khách dễ bị cướp là các thương nhân sang Việt Nam kinh doanh. Do đi riêng lẻ nên rất khó để cơ quan chức năng hay doanh nghiệp phổ biến thông tin hay khuyến cáo cho khách được biết.

"Có trường hợp khi khách xé lẻ đoàn vừa lên taxi, bọn lừa đảo cũng táo tợn lên theo, cho biết mình là hướng dẫn viên được công ty cử theo hướng dẫn khách. Tài xế taxi sợ trả thù không dám nói. Kết quả là du khách sau đó bị trấn lột tư trang, tiền bạc", ông Chí kể.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM kể có trường hợp sĩ quan hải quân của Úc bị taxi dù táo tợn trấn lột khiến Lãnh sự quán nước này tại TP.HCM phải có công hàm gửi cơ quan chức năng thành phố.

Theo ông Mẫn, việc trấn lột, cướp giật rất khó xảy ra với khách đoàn. Bởi khách đi theo đoàn sẽ có hướng dẫn viên chỉ đường, khuyến cáo đi vào thời điểm nào, khu vực nào là an toàn.

Tăng cường bảo vệ du khách

Ông Nguyễn Đông Hòa cho hay trước thực trạng cướp giật bùng phát, khách sạn Caravelle luôn cung cấp thông tin trung thực để khách du lịch đề phòng. Ngoài ra, khách sạn khuyến cáo hành khách ra đường hạn chế mang theo nhiều tiền bạc, tư trang hay giấy tờ quan trọng, hộ chiếu…

img
Lực lượng thanh niên xung phong chỉ mới có chức năng chỉ dẫn, hỗ trợ du khách

Tuy nhiên, theo ông Hòa, dường như nhà chức trách TP.HCM chưa có biện pháp hữu hiệu bảo vệ du khách mà thường việc trấn áp tội phạm làm điểm ở những ngày lễ lớn. Sự lỏng lẻo này đã dẫn đến việc có những băng nhóm lập ra chỉ nhằm để cướp giật tài sản của người nước ngoài.

"Đợt cao trào trấn áp vừa lắng xuống thì cướp giật lại bùng phát. Thành phố nên tổ chức một đội giống như đội săn bắt cướp ngày xưa và tập trung vào những khu vực trung tâm thành phố. Đây không chỉ làbảo vệ khách du lịch mà còn bảo vệ bộ mặt thành phố", ông Hòa kiến nghị.

"Vấn đề thành lập cảnh sát bảo vệ du khách, khi còn làm Tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn, tôi đã nhiều lần đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Cơ quan nhà nước lý giải muốn thành lập lực lượng này thì phải sửa luật rất mất thời gian."

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Ông Lã Quốc Khánh cho hay tình trạng cướp giật đối với du khách sẽ còn tiếp diễn vào những tháng cao điểm du lịch cuối năm. Điểm đáng lưu ý là số liệu mà công ty du lịch và khách sạn đưa ra không trùng khớp với số liệu của công an.

"Điều này có thể lý giải là một số trường hơp khách bị cướp giật chỉ báo với công ty du lịch, khách sạn chứ không báo công an vì sợ phiền phức, rắc rồi về thủ tục", ông Khánh nói.

Trao đổi với PV, nhiều doanh nghiệp cho hay dù thành phố đã cố gắng tổ chức lực lượng thanh niên xung phong hỗ trợ và bảo vệ du khách. Nhưng nhìn chung lực lượng này quá mỏng và mới chỉ có chức năng hỗ trợ chứ chưa thể trấn áp và làm bọn tội phạm e ngại.

Ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty lữ hành Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) kiến nghị nên thành lập một lực lượng bảo vệ du lịch.

Lực lượng này được đào tạo bài bản như các công ty bảo vệ chuyên nghiệp, được trao quyền hạn rõ ràng, trang bị vũ phí để trấn áp bọn tội phạm và sẽ cắm chốt ở một số vị trí có đông khách nước ngoài như dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, nhà hát lớn, UBND TP, chợ Bến Thành…

Ông Lã Quốc Khánh cho hay trong khi chưa thành lập được lực lượngcảnh sát du lịch như Thái Lan và Lào thì trong lúc này công an thành phố cần tổ chức một lực lượng công an tinh nhuệ có mặt tại những điểm nóng về cướp giật để bảo vệ du khách.

Cuối năm, cướp giật du khách gia tăng

Số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM cho thấy tình trạng cướp giật liên quan đến du khách gia tăng vào những tháng cuối năm.

Cụ thể, trong tháng 9.2012, có 8 vụ cướp giật, 1 vụ trộm. Công an khám phá 2 vụ, bắt 3 đối tượng.

Trong tháng này, Sở Ngoại vụ đã tiếp nhận và chuyển cho công an giải quyết 2 trường hợp khách Đài Loan bị hành hung; 1 khách Hàn Quốc bị chết...

Trong tháng 10.2012, thành phố xảy ra 7 vụ cướp giật, 3 vụ trộm tài sản liên quan đến người nước ngoài. Công an điều tra và khám phá 6 vụ, bắt 7 đối tượng.

Sở Ngoại vụ cũng đã tiếp nhận thông tin 8 trường hợp công dân các nước và vùng lãnh thổ bị cướp, giật, lừa đảo tại Việt Nam. Đáng chú ý, có 1 khách du lịch Đài Loan bị 2 người Philippines lừa đảo lấy tài sản.

Trong tháng 11.2012, thành phố xảy ra 18 vụ xâm phạm tài sản người nước ngoài, gồm 15 vụ cướp giật tài sản, 3 vụ trộm tài sản. So với tháng 10.2012 tăng 8 vụ. Công an đã điều tra khám phá 12 vụ, bắt 12 đối tượng.

Hầu hết việc xâm phạm tài sản người nước ngoài chủ yếu là cướp giật có phương tiện, xảy ra tại các quận trung tâm.

Du khách bị cướp giật chủ yếu là khách nữ, đi lẻ trên các tuyến đường vắng.
Theo Thanh Niên
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem